Lòng xe điếu được nhiều người sành ăn săn lùng vì nó béo, giòn và thơm ngậy. Phần này ngon nhưng ít, thường được giữ lại cho khách quen, khách VIP hoặc để nhà ăn. Nhiều thực khách cho biết họ đến ăn lòng xe điếu ở nhiều quán nhưng khi đồ ăn được bưng ra thì thấy đó là phần lòng non khác. Vậy làm thế nào để nhận biết lòng xe điếu?
Phân biệt lòng xe điếu và lòng non bình thường
Lòng xe điếu là đoạn ruột non nằm gần dạ dày heo, thường có hình dạng tròn đều như cái xe điếu (ống dài và nhỏ cắm vào điếu hút thuốc lào). Đoạn lòng này đặc biệt giòn, ngậy và thơm khi chế biến đúng cách, nhất là khi luộc, nướng hoặc xào hành, nghệ.
Nhiều nhà hàng, quán ăn, tiểu thương ở chợ thường bảo bán lòng xe điếu nhưng thường không phải lòng xe điếu thật, vì chỉ một số ít con lợn có phần ruột mang đặc điểm này, nên đây là loại hàng hiếm. Lòng xe điếu được bán thường chỉ là phần lòng thường có hình dáng tròn đẹp, dày dặn.
Lòng xe điếu có lớp mỡ mỏng đều bên trong. (Ảnh minh họa: Robbie)
Bạn có thể phân biệt lòng xe điếu qua những đặc điểm sau:
Hình dáng: Lòng xe điếu có ống ruột tròn đều như ống hút, không bị dẹt hay méo. Khi cầm lên tay, đoạn lòng cứng cáp, có độ đàn hồi, không nhão. Ngược lại, lòng thường hay bị dẹp lép, xẹp, hình dạng không đồng nhất, đôi khi còn có đoạn bị phình to hay thu nhỏ bất thường.
Lớp mỡ bên trong: Một dấu hiệu đặc trưng của lòng xe điếu là có lớp mỡ mỏng đều chạy dọc bên trong. Lớp mỡ này sẽ tạo nên độ béo ngậy khi ăn.
Khi đi chợ, người mua cầm đoạn lòng xe điếu lên quan sát kỹ dưới ánh sáng, có thể thấy ánh hồng nhẹ của lớp mỡ này. Lòng thường thì không có mỡ hoặc có rất ít, lại phân bố không đều, thường bị bóp lép nên thiếu cảm giác đầy đặn.
Màu sắc: Lòng xe điếu thường có màu trắng sữa hoặc trắng ngà, bề mặt nhẵn, sạch, không lấm tấm chấm đen. Khi luộc chín, lòng không bị teo tóp, giữ nguyên độ bóng và độ đàn hồi. Trong khi đó, lòng thường hay bị ngả xám hoặc vàng nhạt, nhất là khi để lâu.
Hương vị: Lòng xe điếu khi luộc chín giòn, béo, có độ dai nhẹ nhưng không dai cứng, đặc biệt thơm mùi mỡ tự nhiên. Ngay cả khi nguội, lòng vẫn giữ được độ ngon đặc trưng. Ngược lại, lòng thường khi chín dễ bị nhũn, dai quá hoặc có mùi tanh nhẹ, nếu không sơ chế kỹ sẽ kém hấp dẫn.
Chiều dài: Một điểm đặc trưng nữa khiến lòng xe điếu trở thành "của hiếm" là mỗi con lợn chỉ có một đoạn ngắn, dài khoảng 20–25 cm, tương đương khoảng một gang tay người lớn. Phần còn lại của ruột non chủ yếu là lòng thường, lòng khấu đuôi hoặc lòng dẹt, không có giá trị cao về mặt ẩm thực.
Giá tiền: Do hiếm và thơm ngon, lòng xe điếu có giá cao hơn hẳn lòng thường, đôi khi lên đến cả triệu đồng/kg tùy khu vực. Trong khi đó, lòng thường chỉ khoảng 120.000 – 160.000 đồng/kg.
Cách sơ chế lòng xe điếu
Lòng xe điếu, lòng thường hay các nội tạng của động vật đều dễ nhiễm khuẩn, nếu không được sơ chế kỹ sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số lưu ý khi sơ chế lòng:
- Rửa sạch lòng bằng chanh, giấm hoặc muối hạt to để khử mùi.
- Lộn mặt trong của lòng ra để làm sạch chất nhầy. Luộc sơ với gừng, rượu trắng để khử tanh.
- Không ăn lòng tái, nhất là với trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch yếu.
Lưu ý khi ăn lòng
Giá trị dinh dưỡng trong lòng lợn không cao, chủ yếu là chất béo bão hòa và cholesterol. Trong 100gr lòng lợn chứa gần 400mg cholesterol. Người bị bệnh gút, người cao tuổi cần tránh ăn quá nhiều vì sẽ làm tăng nguy cơ xơ vỡ động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật, thể khiến tình trạng bệnh xấu hơn.
Người khỏe mạnh chỉ nên ăn 1 lần/tuần, 70-80 gram lòng lợn trong một lần, không gây thừa cholesterol mà vẫn lấy được dưỡng chất.
Hạn chế ăn nội tạng không rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm. Không ăn nội tạng chế biến chưa kỹ, nội tạng để qua đêm nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu.
Khi ăn lòng nên ăn nhiều rau để các chất xơ cuốn mỡ trong hệ tiêu hóa. Đa dạng thực phẩm giúp giảm các nguy cơ béo phì, dư thừa mỡ trong cơ thể.
Hoàng Hà