Gần đây, có nhiều sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng đã bị phát hiện là hàng giả, kém chất lượng, bao gồm gần 600 nhãn hiệu sữa giả (thực ra không hẳn là sữa mà là dạng thực phẩm dinh dưỡng), thực phẩm bổ sung cũng giả (ví dụ như kẹo rau củ Kera), thậm chí thuốc giả (trong đó có nhiều loại giống thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ hơn là thuốc)…
Những sự việc trên khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, không biết làm thế nào để lựa chọn sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho mình và người thân.
Nhiều gia đình đã mua phải sữa giả trong những năm qua, mà giá không hề rẻ. Ảnh: VTV, TPO.
Nhìn chung, người tiêu dùng nên đặt câu hỏi về sản phẩm khi trong những lời quảng cáo, giới thiệu hứa hẹn cho kết quả nhanh chóng và “thần kỳ”, mà lại không hề đề cập đến những tác dụng phụ có thể có, và không hề đề cập đến hoặc phần nào phủ nhận sự cần thiết của một chế độ ăn uống, vận động cân bằng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chú ý những “tín hiệu báo… nghi” (nên nghi ngờ) trong các quảng cáo, giới thiệu sản phẩm:
Những lời khẳng định phóng đại hoặc phi thực tế: Nếu một sản phẩm được giới thiệu là giúp giảm cân nhanh mà không cần có chế độ ăn uống hay vận động phù hợp, hoặc chữa được những bệnh nghiêm trọng…, thì khả năng lớn là những lời khẳng định này không có cơ sở khoa học nào.
Có những từ ngữ mơ hồ hoặc dễ gây hiểu lầm: Những từ ngữ như “tự nhiên”, “hữu cơ”, “ngay lập tức”, “thần kỳ”, “kỳ diệu”… có thể khiến người dùng nghĩ là sản phẩm này tuyệt đối an toàn và hiệu quả, nhưng thực ra cần đặt câu hỏi là liệu có thực sự như vậy không.
Cơ quan công an phát hiện gần 600 loại sữa giả. Ảnh: VTV, TPO.
Lời giới thiệu của người nổi tiếng: Luôn lưu ý rằng người nổi tiếng trong các lĩnh vực như giải trí, trên mạng xã hội… không thể thay thế cho bằng chứng khoa học.
Tạo ra những kỳ vọng “ảo”: Cần rất “cảnh giác” với những sản phẩm được giới thiệu là có thể thay thế cho chế độ ăn lành mạnh.
Thiếu minh bạch: Nếu lời giới thiệu sản phẩm mơ hồ, không rõ ràng, không nói đến tác dụng phụ hoặc nguy cơ có thể có, thì sản phẩm đó có thể không đáng tin.
Nhằm vào cảm xúc: Các lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao cần chính xác. Nếu lời quảng cáo một sản phẩm dường như cố “dọa” khách hàng rằng khách đang bị thiếu chất gì đó và cần mua sản phẩm để bổ sung thì cũng đáng đặt dấu hỏi.
Nhiều sản phẩm thuốc cũng là hàng giả. Ảnh: TPO.
Bằng cách đọc các nhãn sản phẩm, tìm kiếm thông tin về các nghiên cứu của các cơ quan lớn và chính thống, người dùng mới có thể có những lựa chọn tốt hơn về các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung mình mua và sử dụng.
Thục Hân