Vắng bóng ô tô cá nhân
Nép mình bên rìa Rừng Đen (Black Forest) nước Đức, Freiburg không chỉ nổi tiếng bởi những công trình cổ kính và khí hậu ôn hòa nhất cả nước, mà còn là biểu tượng sống động cho mô hình phát triển đô thị bền vững trong thế kỷ 21.
Toàn cảnh thành phố Freiburg (Đức).
Trong hơn 5 thập kỷ qua, Freiburg đã kiên định theo đuổi quy hoạch lấy con người làm trung tâm - đặc biệt là việc loại bỏ xe hơi khỏi khu vực phố cổ, ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng.
Chính từ quyết sách táo bạo đó, Freiburg từng bước chuyển mình thành "thành phố xanh" tiêu biểu của châu Âu, với mật độ sử dụng xe đạp hàng đầu, không khí trong lành và chất lượng sống khiến nhiều đô thị lớn phải học hỏi.
Trong khi Bộ trưởng phụ trách Bảo vệ Khí hậu Đức, ông Robert Habeck đặt mục tiêu đưa nước Đức trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2045 nhưng riêng Freiburg đi trước một bước với mục tiêu đạt được điều đó sớm hơn 7 năm, tức vào năm 2038.
Một con phố không khói bụi, không tắc đường tại Vauban, Freiburg.
Điểm đáng chú ý nhất ở Freiburg là lượng xe đạp nhiều hơn ô tô hay xe máy. Cách đây 40 năm, chỉ có 15% dân số Freiburg sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển nhưng tới nay con số này đạt trên 30%, trong khi lượng ô tô giảm từ 39% xuống còn 21%, nhờ phương pháp phân bổ phương tiện di chuyển trong thành phố, từ đó thay đổi hành vi của người dân.
Andreas Konietzny là một trong những cư dân đầu tiên của khu Vauban. Kiến trúc sư gốc Düsseldorf này chuyển đến đây sinh sống vào năm 2001 và chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ấy.
Ông chia sẻ: “Khi đó, chị gái tôi đang sống ở California. Một lần sang thăm, chị đã ghi lại số bước đi từ nhà đến siêu thị, con suối, và trường tiểu học. Khi kể lại rằng mọi thứ ở đây dường như chỉ cách nhau khoảng 400m, bạn bè người Mỹ của chị ấy không tin. Ở Mỹ, muốn đi đâu cũng phải lái xe".
Trong khu phố “mọi thứ trong tầm tay” này, Andreas Konietzny dùng chung xe với một gia đình khác. Chiếc xe được đỗ tại hầm gửi cách nhà khoảng 300m và theo lời kể của ông đôi khi nó nằm đó hàng tuần liền mà không cần sử dụng bởi đã có tuyến tàu điện số 3 chạy thẳng vào trung tâm thành phố, với tần suất chỉ một phút một chuyến.
Tòa nhà không tiêu thụ năng lượng
Bên cạnh hệ thống giao thông được quy hoạch nhằm đảm bảo tiện ích dân sinh và hạn chế phát thải, thành phố còn chú trọng khai thác năng lượng thân thiện với môi trường.
Tòa thị chính mới của thành phố là một trong những tòa nhà đầu tiên trên thế giới được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình không tiêu thụ năng lượng (zero-energy building), với 800 tấm pin mặt trời gắn trên mặt tiền.
Những tòa nhà theo tiêu chuẩn không tiêu thụ năng lượng tại Freiburg.
Từ năm 2023 trở đi, thành phố Freiburg dự kiến sẽ đầu tư 12 triệu euro (tương đương 13,7 triệu USD) mỗi năm vào các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ khí hậu, bất chấp những hạn chế ngân sách do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thành phố còn đang phát triển một khu phố mới, quận Dietenbach với dân số 15.000 người, nơi những ngôi nhà không phát thải, không sử dụng nhiên liệu đốt như củi gỗ, dầu hay ga.
Toàn bộ ngôi nhà trong quận sẽ sử dụng hệ thống sưởi từ máy bơm nhiệt (dùng nhiệt lượng từ môi trường để sưởi ấm và làm mát) cũng như nhiệt lượng từ hệ thống nước thải, cùng với điện mặt trời.
Hải Ninh