Tóm tắt
• Thay đổi vị trí router để có cường độ tín hiệu tốt hơn, và tránh đặt thiết bị phía sau đồ nội thất bằng kim loại.
• Đổi channel router sang những kênh ít đông đúc hơn
• Ngắt kết nối các thiết bị cũ và di chuyển các thiết bị không dây gây nhiễu để tối ưu hóa tín hiệu WiFi.
Nhiều người ngay lập tức nghĩ đến việc mua thiết bị tăng sóng WiFi hoặc nâng cấp thiết bị, nhưng trên thực tế, có rất nhiều cách đơn giản để cải thiện kết nối mà không cần tốn thêm tiền.
1. Thay đổi vị trí đặt router
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi lắp đặt WiFi tại nhà là đặt router ở vị trí không tối ưu.
Nhiều người có thói quen giấu router sau tủ, đặt dưới gầm bàn hoặc trong góc phòng để tránh dây nhợ lộn xộn. Nhưng chính cách bố trí này có thể khiến tín hiệu bị suy giảm đáng kể. Sóng WiFi truyền theo dạng hình cầu, vì vậy nếu router bị che bởi các vật cản như bức tường dày hay thiết bị điện tử khác, tín hiệu sẽ bị giảm rõ rệt.
Cách tốt nhất để đảm bảo WiFi phủ sóng toàn bộ căn nhà là đặt router ở vị trí trung tâm, trên cao và thoáng đãng. Nếu bạn sống trong căn hộ nhiều tầng, hãy thử đặt router ở tầng giữa để tín hiệu phân bổ đều. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử di chuyển router đến một vài vị trí khác nhau để kiểm tra xem tốc độ mạng có cải thiện hay không.
Thay đổi vị trí đặt router để cải thiện tốc độ mạng WiFi.
2. Chuyển channel (kênh) WiFi để tránh tắc nghẽn
Ở những khu vực đông dân cư như chung cư, tình trạng nhiễu sóng WiFi là điều không thể tránh khỏi. Nếu có quá nhiều router sử dụng cùng một kênh phát sóng, tín hiệu sẽ bị chồng chéo, dẫn đến tốc độ tải lên và tải xuống không ổn định.
Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách truy cập vào cài đặt router và thay đổi kênh WiFi. Nếu đang dùng WiFi 2.4 GHz, hãy thử chuyển sang kênh 1, 6 hoặc 11, đây là những kênh ít bị nhiễu. Đối với WiFi 5 GHz, hãy tránh các kênh phổ biến như 36, 40, 44 và 48 và thử một số tùy chọn khác.
Nếu không rành về công nghệ, bạn có thể dùng các ứng dụng như WiFi Analyzer (Android) hoặc AirPort Utility (iOS) để kiểm tra xem kênh nào đang bị tắc nghẽn và chọn phương án tối ưu hơn.
Chuyển kênh hoặc thay đổi vị trí đặt router để sửa lỗi WiFi chập chờn.
3. Ngắt kết nối các thiết bị không cần thiết
Nhiều người không để ý rằng có rất nhiều thiết bị kết nối WiFi dù không thực sự sử dụng, và điều này có thể làm giảm tốc độ mạng đáng kể. Điện thoại cũ, máy tính bảng, ổ cắm thông minh, loa thông minh hay thậm chí là TV có thể đang âm thầm chiếm dụng băng thông.
Hãy truy cập vào trang cài đặt router để kiểm tra danh sách các thiết bị đang kết nối. Nếu phát hiện những thiết bị không cần thiết, bạn hãy tắt hoặc ngắt kết nối chúng khỏi mạng.
Ngoài ra, người dùng cũng nên kiểm tra xem có thiết bị lạ nào truy cập vào WiFi của mình không. Nếu có, hãy đổi mật khẩu ngay lập tức để tránh bị xài lén WiFi.
4. Tránh xa các thiết bị gây nhiễu sóng
Không chỉ những thiết bị kết nối WiFi mới ảnh hưởng đến tốc độ mạng, mà ngay cả những thiết bị điện tử khác trong nhà cũng có thể gây nhiễu tín hiệu.
Máy theo dõi trẻ em, chuông cửa không dây, điện thoại bàn không dây và lò vi sóng đều hoạt động trên tần số tương tự như WiFi 2.4 GHz. Khi bật những thiết bị này, bạn có thể nhận thấy mạng chậm hơn hoặc thậm chí mất kết nối trong thời gian ngắn.
Để giảm thiểu tác động này, hãy cố gắng đặt router xa các thiết bị có thể gây nhiễu. Nếu phát hiện mạng bị chập chờn khi sử dụng một thiết bị cụ thể, hãy thử tắt nó đi trong vài phút để kiểm tra xem vấn đề có được cải thiện không.
Giống như giao thông vào giờ tan tầm, WiFi cũng có những thời điểm "ùn tắc" khi quá nhiều người sử dụng cùng lúc.
Nếu bạn chia sẻ mạng với nhiều người trong gia đình hoặc sống trong khu vực có mật độ dân cư cao, tốc độ mạng có thể bị ảnh hưởng đáng kể vào buổi tối, khi mọi người đều đang xem video, chơi game hoặc gọi điện trực tuyến.
5. Dùng Ethernet khi có thể để đảm bảo kết nối ổn định
Mặc dù WiFi rất tiện lợi, nhưng kết nối có dây (Ethernet) luôn là lựa chọn ổn định và nhanh hơn. Nếu bạn thường xuyên chơi game trực tuyến, họp Zoom kéo dài hoặc tải xuống các tệp lớn, việc sử dụng dây mạng sẽ giúp bạn tránh được tình trạng lag, giật hoặc mất kết nối đột ngột.
WiFi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải liên tục nâng cấp thiết bị để có kết nối tốt hơn. Chỉ với một vài điều chỉnh nhỏ, bạn có thể cải thiện đáng kể tốc độ và độ ổn định của WiFi mà không cần tốn thêm chi phí.
Tiểu Minh