Trong khi các tổng thống trước đó áp dụng chính sách cứng rắn, hướng đến việc duy trì trật tự toàn cầu và khẳng định vai trò thống trị của Mỹ, ông Trump lại tập trung vào lợi ích cụ thể và chiến lược phi truyền thống.
Tiếp cận khác biệt
Tổng thống Trump có cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với các tổng thống Mỹ trước đây trong vấn đề Ukraine. Trong khi các lãnh đạo như Joe Biden duy trì chính sách cứng rắn để bảo vệ trật tự toàn cầu và khẳng định vai trò của Mỹ trên thế giới, Trump lại theo đuổi lợi ích cụ thể và chiến lược linh hoạt hơn. Đối với ông Trump, việc duy trì trật tự thế giới không phải là mục tiêu quan trọng mà điều quan trọng là đạt được các kết quả có lợi trực tiếp cho Mỹ. Ông xem các cuộc xung đột toàn cầu như những ván cờ lớn mà trong đó, Mỹ cần được đặt ưu tiên hàng đầu.
Ông Trump thường xây dựng chiến lược từ các tuyên bố có sức khơi gợi, sử dụng ngôn từ táo bạo để định hướng chính sách. Việc ông tuyên bố có thể "chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ" không chỉ là lời nói mang tính mị dân mà phản ánh một mong muốn thực tế và trực tiếp. Với ông Trump, các cuộc xung đột nên được giải quyết bằng sức mạnh đàm phán và các biện pháp phi quân sự, như áp lực kinh tế hoặc ngoại giao cứng rắn, thay vì dùng chiến tranh. Ông đã thể hiện rõ quan điểm này trong nhiệm kỳ đầu bằng việc ký kết “Hiệp định Abraham,” thúc đẩy hòa bình giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, và các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Những động thái này cho thấy ông Trump luôn ưu tiên các giải pháp giảm thiểu xung đột quân sự dài hạn.
Cách tiếp cận của ông Trump với xung đột Ukraine khác biệt, tập trung vào lợi ích Mỹ, dùng đàm phán, không quân sự hóa, và viện trợ chiến lược - Ảnh: Internet
Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong cách tiếp cận của Trump là chính sách đối ngoại phải phục vụ cho lợi ích nội địa Mỹ. Ông sẵn sàng cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine hoặc thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột nếu điều đó có lợi cho người dân Mỹ. Đối với ông, chính sách quốc tế chỉ là một công cụ để củng cố sức mạnh nội địa và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.
Với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, ông Trump có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận thực dụng hơn đối với cuộc xung đột Ukraine. Ông không còn xem Nga là đối thủ cần phải đối đầu trực diện mà muốn giữ thái độ ôn hòa hơn để tạo ra không gian cho các cuộc đàm phán thực chất. Nếu ông có thể duy trì sự bình tĩnh và không kích động thêm xung đột, điều này có thể giúp mở ra cơ hội cho một giải pháp hòa bình lâu dài.
Yếu tố chiến lược
Trước thực tế của một cuộc chiến tranh đang kéo dài và gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên, ông Trump cho rằng cả Nga và Ukraine đều cần cân nhắc lại cách tiếp cận của mình. Ukraine và Nga đều đang kiệt quệ, trong khi các đồng minh phương Tây cũng phải gánh chịu hậu quả kinh tế và tài chính. Việc Mỹ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trao đổi tù binh với Nga và sự tiếp nhận các sáng kiến hòa bình từ các quốc gia như Trung Quốc và Brazil cho thấy mong muốn của ông Trump trong việc chấm dứt xung đột.
Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phương pháp tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump, điều này mở ra một cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình có thể thực hiện được. Đồng thời, phía Nga, thông qua Ngoại trưởng Sergei Lavrov, đã thể hiện sự sẵn sàng xem xét các đề xuất từ ông Trump, cho thấy một khả năng mà Mỹ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải cho xung đột này.
Bên cạnh dó, một trong những yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận của Trump là "kết nối cuối cùng" giữa Nga và Ukraine thông qua tỷ phú Elon Musk. Trong suốt cuộc xung đột, Musk đã duy trì liên lạc với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky. Mạng lưới Starlink của SpaceX cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kết nối Internet cho các lực lượng của Ukraine, tạo ra một mạng lưới kết nối mạnh mẽ và đóng vai trò là cầu nối cuối cùng giữa hai quốc gia đối đầu.
Ông Trump đã tận dụng sức ảnh hưởng của Musk trong cuộc gọi với lãnh đạo cao nhất của Ukraine, và có khả năng sẽ sử dụng ông này trong các cuộc đàm phán với phía Nga sắp tới. Bằng cách này, ông Trump có thể tận dụng mối quan hệ của tỷ phú Musk với cả hai bên để làm trung gian hòa giải, đồng thời tạo áp lực cho cả Nga và Ukraine phải xem xét nghiêm túc các phương án giảm xung đột và tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững.
Một trong những công cụ áp lực quan trọng của Trump là sử dụng viện trợ như một "quân bài" đàm phán. Chính quyền Biden đã cam kết khoản viện trợ "phút chót" trị giá 6 tỉ USD cho Ukraine và 50 tỉ USD từ nhóm G7 để hỗ trợ nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ông Trump có thể sử dụng chính cam kết này để gây áp lực lên Ukraine, với lời cảnh báo rằng nếu chiến sự không chấm dứt, ông sẽ không cam kết tiếp tục viện trợ khi nhậm chức.
Bằng cách này, ông Trump có thể khiến Ukraine buộc phải cân nhắc đến việc ngồi vào bàn đàm phán. Đối với Nga, lập trường "không cam kết" viện trợ của Mỹ cũng đặt ra một thông điệp rõ ràng: Nếu Nga không "xuống thang" xung đột, Washington có thể tiếp tục duy trì hỗ trợ cho Ukraine để làm suy yếu các mục tiêu chiến lược của Moscow. Việc sử dụng viện trợ như một công cụ đàm phán cho thấy tính thực dụng trong cách tiếp cận của ông Trump, và khả năng định hình lại hướng đi của xung đột Ukraine theo chiều hướng hòa giải.
Các bước đi cần thiết
Để thực hiện chiến lược của mình, ông Trump đã đề ra các bước đi thận trọng nhằm phá vỡ sự bế tắc hiện tại và thúc đẩy tiến trình hòa giải.
Thiết lập “vùng đệm” phi quân sự: Một trong những bước đầu tiên mà ông Trump hướng tới là thành lập một "vùng đệm" phi quân sự dọc theo tiền tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine, dài hơn 1.200km và được bảo đảm an ninh bởi lực lượng gìn giữ hòa bình từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Điều này có thể giảm thiểu xung đột trực tiếp, từ đó tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Thay đổi viện trợ từ quân sự sang dân sự: Ông Trump có thể chuyển hướng các khoản viện trợ quân sự sang viện trợ tái thiết dân sự cho Ukraine, giúp nước này hồi phục mà không phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự. Đồng thời, Trump có thể trì hoãn lộ trình gia nhập NATO của Ukraine, nhưng hỗ trợ nhanh chóng cho quá trình gia nhập EU.
Khai thác lợi ích chung về tiền kỹ thuật số: Cả Nga và Ukraine đều đang hưởng lợi từ sự tăng trưởng của tiền kỹ thuật số, đặc biệt là Bitcoin. Ông Trump có thể khai thác yếu tố này để xây dựng một nền tảng kinh tế chung giữa hai quốc gia trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức.
Viễn cảnh lạc quan
Cách tiếp cận này của ông Trump không chỉ tạo ra hy vọng mới cho việc giải quyết xung đột Ukraine mà còn thể hiện một phương thức khác biệt trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Việc kết hợp ba yếu tố nói trên – nhận thức chung về hậu quả của cuộc chiến tiêu hao, sự kết nối qua tỷ phú Elon Musk, và sử dụng viện trợ như một công cụ đàm phán – có thể tạo ra một cơ hội quý giá để thiết lập nền hòa bình bền vững.
Nếu chiến lược này thành công, ông Trump có thể không chỉ giúp Mỹ đạt được lợi ích cốt lõi mà còn định hình lại vị thế của nước này như một nhà hòa giải quốc tế. Tuy nhiên, các bước đi của ông Trump cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc xây dựng một giải pháp ổn định và lâu dài đòi hỏi sự đồng thuận không chỉ từ Nga và Ukraine mà còn từ các đồng minh quốc tế của Mỹ. Cả hai bên cần chấp nhận những nhượng bộ quan trọng. Bên cạnh đó, nếu các cuộc đàm phán không đạt kết quả, căng thẳng có thể gia tăng trở lại, khiến Mỹ và đồng minh rơi vào một vòng xoáy xung đột mới.
Dù vậy, có thể nói chiến lược của ông Trump – tập trung vào lợi ích thực tế của Mỹ và hạn chế tối đa xung đột quân sự – thể hiện một sự pha trộn đặc biệt giữa chính sách thực dụng và ngoại giao mềm. Điều này khiến ông khác biệt hoàn toàn với các tổng thống khác, những người luôn ưu tiên duy trì trật tự quốc tế theo hướng truyền thống.
Hoàng Vũ