Cách trường trung học phổ thông xây dựng tổ hợp môn và tư vấn cho học sinh lớp 10

Cách trường trung học phổ thông xây dựng tổ hợp môn và tư vấn cho học sinh lớp 10
7 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, các trường trung học phổ thông đang tập trung vào công tác tuyển sinh vào lớp 10 chuẩn bị cho năm học mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thiết kế cơ cấu tổ hợp môn và tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn đúng tổ hợp môn phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng của các em.
Đây là một việc phức tạp nhưng là một phần bắt buộc của chương trình, nhằm đáp ứng mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Căn cứ thiết kế tổ hợp môn học trong trường trung học phổ thông
Nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí cả giáo viên đều mong muốn nhà trường thiết kế tổ hợp môn theo ý muốn của mình. Nhưng, việc này cần phải căn cứ vào quy định của chương trình, điều kiện thực tế của nhà trường và nhu cầu của đại đa số người học.
Ảnh minh họa: Ngọc Mai
Thứ nhất là căn cứ vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 32/2028/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018, đã phân chia:
“Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).”
Có thể hiểu, giai đoạn giáo dục cơ bản tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng và phát triển phẩm chất, năng lực cốt lõi cho học sinh. Vì thế, học sinh phải học tất cả các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình.
Đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh tiếp tục phát triển phẩm chất, năng lực từ cấp dưới, đồng thời chú trọng vào việc định hướng nghề nghiệp.
Vì thế, bên cạnh những môn học bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn các môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng tương lai.
Sau đó, một số nội dung của Chương trình đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022.
Theo đó, mục “2. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp” của phần “IV. Kế hoạch giáo dục” đã được cụ thể hóa như sau:
“Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.”
Về các chuyên đề học tập, học sinh được chọn các chuyên đề gắn với các môn được học nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Thứ hai là căn cứ vào đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT cũng quy định rõ:
“Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.”
Muốn nắm bắt “nhu cầu của người học”, nhà trường có thể khảo sát học sinh. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến mỗi năm mỗi nhu cầu khác nhau, hoặc nhiều năm liền có nhu cầu học giống nhau thì việc bố trí nhân sự hiện có không khả thi.
Vì thế, nhà trường phải xem xét nguồn lực hiện có như đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất, để thiết kế các tổ hợp môn mang tính ổn định, bền vững.
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.
Thứ ba là căn cứ vào tổ hợp tuyển sinh đại học. Dù trong các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định điều này nhưng các trường trung học phổ thông luôn xem đây là yếu tố quan trọng để tạo tổ hợp môn.
Với đặc thù của giai đoạn định hướng nghề nghiệp, đa số học sinh có nguyện vọng vào đại học. Do đó, các em thường tập trung học tập các môn trong tổ hợp tuyển sinh của ngành nghề mà mình lựa chọn. Vì thế, nhà trường có trách nhiệm thiết kế những tổ hợp môn “đáp ứng nhu cầu học” của học sinh, tạo cơ hội cho các em học lên cao.
Thực tế, một trường thiết kế các tổ hợp môn đa dạng, phù hợp với nhu cầu của học sinh và nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học sẽ dễ dàng thu hút được nhiều học sinh hơn. Tỷ lệ đỗ đại học cao sẽ góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường.
Tầm quan trọng của công tác tư vấn trước thềm năm học
Học sinh trung học cơ sở, thậm chí có một bộ phận phụ huynh chưa biết về giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông. Hơn nữa, nhiều em cũng chưa hình dung được về ngành nghề trong tương lai.
Vì thế, nhà trường có trách nhiệm tổ chức tư vấn cho học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 chọn tổ hợp môn học phù hợp.
Đây cũng là một công việc quan trọng trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo thông tin ở nhiều trường, trong nhiều năm qua, công tác tư vấn thường có những nội dung chính sau đây:
Một là, giới thiệu về chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, những khác biệt so với cấp trung học cơ sở.
Hai là, phân tích các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn, để học sinh hiểu rõ nội dung, yêu cầu của từng môn.
Ba là, các tổ hợp môn mà nhà trường dự kiến sẽ triển khai, giúp học sinh hiểu ưu điểm của từng tổ hợp.
Bốn là, mối liên hệ giữa các tổ hợp môn học với các tổ hợp xét tuyển đại học, định hướng con đường đại học.
Năm là, giúp học sinh tự đánh giá năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Nhà trường càng chú trọng công việc tư vấn học sinh càng sớm và kỹ lưỡng thì học sinh và phụ huynh càng có đủ thông tin để quyết định lựa chọn, từ đó sẽ hạn chế học sinh xin chuyển đổi tổ hợp sau này.
Tại nơi người viết làm việc, số học sinh xin chuyển đổi tổ hợp môn là rất hiếm, điều đó khẳng định công tác tư vấn thật sự có ý nghĩa thiết thực.
Trong trường hợp đặc biệt, dù được phép chuyển đổi nhưng phải theo quy định trong Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 06/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.
Việc chuyển đổi chỉ được thực hiện vào cuối năm học, có xác nhận của phụ huynh và học sinh cam kết tự bổ sung kiến thức môn học ở tổ hợp chuyển đến.
Tóm lại, mục tiêu giáo dục phổ thông là “chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 29, Luật Giáo dục). Để thực hiện được mục tiêu này, việc thiết kế tổ hợp môn và tư vấn cho học sinh ngay từ đầu cấp trung học phổ thông là một phần thiết yếu của chương trình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trần Văn Tâm
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/cach-truong-trung-hoc-pho-thong-xay-dung-to-hop-mon-va-tu-van-cho-hoc-sinh-lop-10-post252811.gd