Một loại súng máy mang tính biểu tượng của Mỹ, có tuổi đời hơn một thế kỷ, đang được triển khai trên chiến trường Ukraine và được tích hợp vào các robot trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là súng máy M2 Browning, theo trang Business Insider.
M2 Browning được phát minh vào năm 1918, tức vào cuối Thế chiến I, nhưng phải đến gần Thế chiến II loại súng này mới chính thức được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng. Được biết đến với biệt danh “Ma Deuce”, khẩu súng hạng nặng này là một trong những vũ khí nổi tiếng và có tuổi thọ sử dụng lâu dài nhất.
M2 Browning đã trải qua nhiều lần nâng cấp và vẫn đang được các lực lượng vũ trang Mỹ cũng như quân đội ở nhiều nước sử dụng. Trên thực tế, đây là một trong những loại súng máy hạng nặng được sử dụng rộng rãi nhất thế giới hiện nay.
Giờ đây, khẩu súng này đã bước vào thời đại tự động hóa. Nó được gắn lên các robot tự hành tiên tiến của Ukraine, vốn sử dụng AI để tự di chuyển đến vị trí của Nga và tấn công mục tiêu.
Robot chiến đấu gắn súng máy M2 Browning
Lực lượng Ukraine đang sử dụng các robot được trang bị súng máy, súng phóng lựu và chất nổ để khai hỏa vào quân Nga hoặc kích nổ cạnh mục tiêu của đối phương. Nhiều công ty quốc phòng Ukraine hoạt động trong lĩnh vực này đã chọn súng máy M2 Browning làm vũ khí trang bị cho các robot chiến đấu.
Chẳng hạn, nhóm FRDM của Ukraine - một đơn vị chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV) và robot mặt đất - đã phát triển phương tiện chiến đấu mặt đất điều khiển từ xa D-21-12 gắn súng máy M2 Browning.
Robot D-21-12 gắn súng máy M2 Browning. Ảnh: Mykhailo Fedorov
Robot này được thiết kế để phục vụ chiến đấu và trinh sát, có trọng lượng 585 kg (kể cả đạn) và có thể di chuyển với tốc độ hơn 10 km/giờ. D-21-12 đã được quân đội Ukraine phê duyệt sử dụng vào tháng 4.
Ông Ihor Kulakevych - quản lý sản phẩm tại FRDM - nói với Business Insider rằng nhóm đã chọn súng M2 Browning vì loại súng này có sẵn tại nhiều kho vũ khí ở phương Tây. M2 Browning và đạn của nó rất dễ tiếp cận.
Trong khi đó, Ukraine không còn dồi dào nguồn súng máy do Liên Xô sản xuất, và gần như không thể bổ sung thêm trừ phi thu được từ chiến trường.
Ông Kulakevych cho biết công ty của ông cũng xem khẩu M2 Browning là một loại vũ khí đặc biệt đáng tin cậy.
Giám đốc điều hành FRDM Group - ông Vadym Yunyk nói với Business Insider rằng công ty đã phát triển robot “để đáp ứng nhu cầu cấp bách nhằm giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ khi thực hiện các nhiệm vụ hậu cần tại tiền tuyến”.
Ông Yunyk cho biết D-21-12 có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như sơ tán thương binh và “làm nền tảng gắn vũ khí”. Ông khẳng định robot “đã chứng minh được hiệu quả của nó trên chiến trường”.
Nhiều nhà sản xuất robot khác cũng đang sử dụng súng M2 Browning. Ví dụ, công ty DevDroid của Ukraine đã phát triển một mô-đun chiến đấu mới cho hệ thống robot mặt đất Droid TW 12.7, có thể mang theo khẩu súng máy M2 Browning.
Theo công ty, phương tiện này ban đầu được thiết kế để phục vụ hậu cần, nhưng việc bổ sung súng máy đã biến nó thành robot chiến đấu. Hiện phương tiện này đang hoạt động trên chiến trường Ukraine và công ty cho biết nó sử dụng AI, với khả năng “nhận diện mục tiêu chính xác”.
Bên cạnh đó, khẩu M2 Browning cũng đang được tích hợp vào một tháp pháo điều khiển bằng AI có tên Sky Sentinel. Ukraine cho biết hệ thống này đã bắn hạ được một số UAV Shahed của Nga, vốn có sức công phá lớn, có thể đánh chặn cả tên lửa hành trình.
Hệ thống Sky Sentinel được thiết kế để gần như không cần đến sự can thiệp của con người - điều đặc biệt quan trọng với Ukraine trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Hệ thống này sử dụng AI để phát hiện và theo dõi mục tiêu, đồng thời tính toán phương án khai hỏa, hỗ trợ Ukraine trong việc đối phó với các cuộc không kích trong bối cảnh Kiev đang thiếu hụt hệ thống phòng không.
Hệ thống Sky Sentinel được trang bị súng máy M2 Browning. Ảnh: UNITED24
Phối hợp hiện đại và truyền thống
Tại Ukraine, súng máy M2 Browning không chỉ được trang bị cho robot mà còn do binh lính sử dụng. Lính phòng không Ukraine đang dùng các khẩu M2 Browning gắn trên thùng xe tải để bắn hạ UAV.
Cuộc chiến ở Ukraine là sự pha trộn giữa công nghệ hiện đại và cách đánh đơn giản. Một mặt là sự xuất hiện của UAV với số lượng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, các biện pháp tác chiến điện tử mới, và nhiều công nghệ tiên tiến.
Mặt khác, quân đội vẫn phải dùng đến những cách đối phó thủ công như súng săn để bắn hạ UAV có dây quang hay gắn vội lồng thép lên xe tăng. Có cả chiến hào như trong Thế chiến I, lẫn robot mặt đất gắn súng máy.
Robot mặt đất là công nghệ từng được quân đội phương Tây sử dụng, nhưng Ukraine đang phát triển chúng với tốc độ và quy mô mới, đồng thời liên tục nhận được phản hồi thực tế từ chiến trường khốc liệt để các nhà sản xuất có thể tinh chỉnh sản phẩm, theo Business Insider.
THẢO VY