Năm 2024, Công ty CP Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng hơn 21% so với năm trước, cung cấp ra thị trường 10 triệu sản phẩm, trong đó có 3 triệu sản phẩm chủ lực cho hệ sinh thái VNPT. Riêng mảng gia công cho các đối tác nước ngoài đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng, chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng của công ty.
Trên đà tăng trưởng đó, công ty đặt mục tiêu năm 2025 tiếp tục mở rộng sản xuất với tốc độ trên 20%, đồng thời phát triển các dòng sản phẩm công nghệ mới trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, điện toán biên, an ninh mạng và chuyển đổi số, tăng cường hiện diện quốc tế.
Việc mở rộng quy mô sản xuất đang được cụ thể hóa bằng dự án nhà máy thứ hai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, với kế hoạch lắp đặt thêm 10 dây chuyền công nghệ SMT bên cạnh 7 dây chuyền hiện có tại nhà máy đầu tiên ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Tăng trưởng sản lượng và mở rộng công suất đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực vận hành. Tuy nhiên, thị trường lao động kỹ thuật tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề trong ngành điện tử công nghệ cao. Gia tăng quy mô sản xuất trong bối cảnh này không thể tiếp tục dựa vào cách làm truyền thống là tăng số lượng lao động.
Năm 2025, VNPT Technology đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20%. Ảnh: VNPT Technology
VNPT Technology mở rộng không đợi nhân công
Ông Trần Đức Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh của VNPT Technology cho biết, thay vì mở rộng lực lượng lao động theo cách truyền thống, VNPT Technology đầu tư vào tự động hóa, công nghệ số và nghiên cứu phát triển để tránh phụ thuộc vào công nhân và làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất. Định hướng này không phải là lựa chọn nhất thời, mà đã được hình thành từ năm 2011 khi công ty ra đời với sứ mệnh tự chủ thiết kế, sản xuất và công nghệ.
Bước ngoặt đến từ năm 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra những dịch chuyển lớn trong chuỗi cung ứng. Nắm bắt cơ hội, VNPT Technology mở rộng mạnh mẽ mảng ODM, đảm nhiệm cả khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm cho các đối tác quốc tế.
Điều này đòi hỏi công ty không chỉ gia tăng công suất mà còn phải đảm bảo chất lượng ổn định và độ linh hoạt cao. Trong bối cảnh đó, đầu tư công nghệ trở thành lựa chọn chiến lược.
Tại nhà máy, các robot được triển khai để tự động thực hiện những công đoạn như lắp vỏ, bắt vít, khắc laser, kiểm tra tính năng và đánh giá ngoại quan sản phẩm.
Công nghệ không chỉ hiện diện ở thiết bị, mà còn ở cách vận hành. Các dây chuyền sản xuất được lắp cảm biến và kết nối IoT để thu thập dữ liệu thời gian thực. Hệ thống AI phân tích dữ liệu để theo dõi hiệu suất, dự báo hỏng hóc và cảnh báo sớm nhằm lên kế hoạch bảo trì chủ động. Camera tích hợp AI giúp kiểm tra lỗi ngoại quan, phân tích nguyên nhân có thể đến từ thông số thiết bị, lô nguyên vật liệu hoặc thao tác con người.
Hệ thống cảm biến đếm sản phẩm kiểm soát chất lượng đầu ra. Nếu trong khoảng 15-20 phút, sản lượng không đạt yêu cầu, cảnh báo sẽ được gửi đến bộ phận quản lý để can thiệp kịp thời.
Công nghệ cũng được ứng dụng sâu trong các hoạt động hậu cần và vận hành. Trong quản lý kho, hệ thống phân tích tần suất sử dụng nguyên vật liệu, kiểm soát hạn dùng và đề xuất bố trí lưu trữ hợp lý để tối ưu dòng chảy vật tư.
Trong quản lý năng lượng, công ty triển khai ý tưởng lắp cảm biến và công tơ thông minh tại các khu vực tiêu thụ điện lớn. Dữ liệu được đồng bộ với kế hoạch sản xuất để AI đưa ra gợi ý bật tắt thiết bị phù hợp. Chẳng hạn, số lượng điều hòa hoạt động được điều chỉnh theo mật độ nhân sự thực tế, tránh lãng phí năng lượng khi không cần thiết.
Song song với việc cải tiến vận hành, VNPT Technology xác định nghiên cứu và phát triển (R&D) là hoạt động cốt lõi, đóng vai trò nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.
Công ty đầu tư mạnh vào đội ngũ R&D để phát triển công nghệ lõi trong năm lĩnh vực: băng rộng cố định, băng rộng không dây, IoT, 5G và chuyển đổi số. Các sản phẩm được thiết kế không chỉ cho thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, với sản lượng ODM năm 2024 đạt hơn bảy triệu đơn vị. Công ty cũng đã phát triển các thiết bị điện toán biên như AI Box để xử lý dữ liệu tại chỗ, giảm phụ thuộc vào hệ thống trung tâm và tăng độ linh hoạt trong triển khai.
Để làm chủ công nghệ, VNPT Technology thiết lập hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như Qualcomm, Broadcom, Intel, Texas Instruments, Realtek, Microsoft, Oracle và Nokia.
Đồng thời, công ty này phối hợp nghiên cứu và đào tạo với các đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế như Đại học Fraunhofer, Đại học Wurzburg, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và Đại học Quốc tế. Mục tiêu là phát triển đội ngũ kỹ sư R&D có năng lực thiết kế và làm chủ công nghệ lõi, từ phần cứng, phần mềm đến nền tảng tích hợp.
Quỳnh Chi