Trong tín ngưỡng dân gian của người Mường (Hòa Bình) thì lịch trẻ có vai trò đặc biệt, từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày cho đến dùng trong việc tổ chức các lễ hội… họ đều dựa vào cách tính cát, hung qua của bộ lịch tre.
Lịch trẻ của người Mường gồm 12 thẻ làm từ những thanh tre, luồng hoặc bương tương ứng với 12 tháng. Trên mỗi thẻ tre có các bộ phận chính gồm: gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thẻ tre đều có 30 khắc gạch tương đương với 30 ngày trong 1 tháng. Theo cách tính lịch, các ngày từ 1-10 gọi là "ngày cây", từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng", từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối".
Số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong gia đình, trong cộng đồng.
Trong vạch của mỗi ngày lại có những kí hiệu đặc biệt để xác định ngày tốt, xấu cho từng việc cụ thể. Ví dụ, vạch nào hình chữ V gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên gọi là ngày tiểu hao, hai chấm gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão...
Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Ví dụ, tháng nào thấy có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó có rất nhiều mưa bão. Nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hư hỏng hết. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua bắt ốc sẽ được nhiều.
Nếu vào ngày hao, người dân dù có buôn bán bốn phương, lắm của nhiều tiền thì cũng bị thua lỗ... Khi dựng vợ, gả chồng, người Mường phải nhằm vào những ngày vạch ngắn, đó là ký hiệu của ngày bình thường có thể làm đủ mọi công việc.
Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, lịch trẻ của người Mường có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Bên cạnh cách tính lịch Tây thông dụng, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch tre.
"Hiện nay, ở Hòa Bình còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và hơn 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng trong cộng đồng người Mường", nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh nói thêm.
Hiện tại, giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc. Cùng với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, bộ lịch tre của người Mường Hòa Bình đã được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.
Việt Trung