Cách XF9F-2 Panther thay đổi lịch sử không quân của hải quân

Cách XF9F-2 Panther thay đổi lịch sử không quân của hải quân
một ngày trướcBài gốc
Mức độ đổi mới và sản lượng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ từ những năm 1940 cho đến giữa những năm 1960 được đánh giá là đáng kinh ngạc, thậm chí là thần kỳ. Một trong những thiết kế hậu chiến đáng kinh ngạc đó là của Grumman - máy bay chiến đấu XF9F-2 Panther. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, đây là máy bay phản lực đầu tiên của Hải quân Mỹ.
Panther đại diện cho một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ máy bay cánh quạt sang máy bay chiến đấu phản lực, thu hẹp khoảng cách giữa công nghệ thời Thế chiến II và nhu cầu của thời đại máy bay phản lực. Là một máy bay linh hoạt và đáng tin cậy, XF9F-2 và các biến thể của nó đã đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Triều Tiên và giúp định hình tương lai của lực lượng hàng không trên tàu sân bay.
Máy bay chiến đấu XF9F-2 Panther. Ảnh: Wikipedia
Lịch sử thiết kế của XF9F-2 Panther
Các loại máy bay chiến đấu sử dụng cánh quạt, chẳng hạn như Grumman F6F Hellcat và Vought F4U Corsair, đã thống trị hàng không hải quân trong Thế chiến II. Nhưng sự ra đời của động cơ phản lực với đại diện tiêu biểu là máy bay chiến đấu Messerschmitt Me 262 do Đức chế tạo mang đến nhiều hứa hẹn về tốc độ, trần bay và tiềm năng chiến đấu lớn hơn. Mặc dù vậy, loại máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên cũng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm mức tiêu thụ nhiên liệu cao, phạm vi chiến đấu hạn chế và sự phức tạp khi vận hành từ tàu sân bay.
Năm 1945, Hải quân Mỹ đã đặt ra yêu cầu về một máy bay chiến đấu chạy bằng động cơ phản lực mới có khả năng triển khai từ tàu sân bay. Grumman, một nhà sản xuất đáng tin cậy với thành tích sản xuất các loại máy bay mạnh mẽ phục vụ hải quân, đã có câu trả lời bằng XF9F-2 Panther.
XF9F-2 được thiết kế để đáp ứng các thông số kỹ thuật khắt khe của hải quân, bao gồm hiệu suất cao, độ tin cậy và khả năng hoạt động trong môi trường hạn chế và đầy thách thức của tàu sân bay. XF9F-2 là nguyên mẫu cho F9F-2 Panther, trở thành máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên được sản xuất với số lượng lớn cho hải quân.
Grumman thiết kế Panther để cân bằng hiệu suất với tính thực tế. Động cơ Rolls-Royce Nene của Anh, cung cấp lực đẩy ấn tượng, nhưng lại ngốn nhiên liệu và kém tin cậy hơn động cơ piston. Các kỹ sư của Grumman đã nỗ lực tích hợp công nghệ mới này vào khung máy bay chắc chắn có thể chịu được sự khắc nghiệt của hoạt động trên tàu sân bay, bao gồm cả phóng bằng máy phóng và hạ cánh bằng dây hãm. XF9F-2 lần đầu tiên cất cánh vào ngày 21/11/1947 và các chuyến bay thử nghiệm thành công đã mở đường cho việc sản xuất F9F-2 Panther, chính thức đi vào hoạt động năm 1949.
Panther là máy bay chiến đấu phản lực cánh thẳng một động cơ có thiết kế đơn giản, bền bỉ và linh hoạt. Khung máy bay nhỏ gọn nhưng chắc chắn. Thiết kế cánh thẳng, mặc dù kém tiên tiến về mặt khí động học hơn so với cánh xuôi của các máy bay phản lực sau này, nhưng lại mang lại đặc điểm xử lý tốc độ thấp tuyệt vời, rất quan trọng đối với việc hạ cánh trên tàu sân bay.
Được trang bị một động cơ phản lực Pratt & Whitney J42, phiên bản được cấp phép của Rolls-Royce Nene, động cơ của XF9F-2 tạo ra lực đẩy khoảng 2.268kg, cho phép Panther đạt tốc độ tối đa khoảng 845km/h và trần bay là 13.594m. Mặc dù những con số hiệu suất này khá khiêm tốn so với các máy bay phản lực sau này, nhưng chúng đại diện cho một bước nhảy vọt đáng kể so với máy bay cánh quạt. Tầm bay khoảng 2.092km của Panther cho phép nó thực hiện các nhiệm vụ kéo dài.
Vũ khí được trang bị cho Panther bao gồm bốn khẩu pháo 20mm gắn trên mũi máy bay, cung cấp hỏa lực đáng kể cho các nhiệm vụ không chiến và tấn công mặt đất. Máy bay có thể mang nhiều loại vũ khí bên ngoài, bao gồm bom, tên lửa và thùng nhiên liệu phụ, giúp nó có thể thích ứng với nhiều vai trò, từ chiếm ưu thế trên không đến hỗ trợ trên không tầm gần (CAS).
Thiết kế của Panther cũng bao gồm các tính năng được thiết kế riêng cho hoạt động trên tàu sân bay, chẳng hạn như cánh gấp, bộ phận hạ cánh được gia cố và móc đuôi để hạ cánh chậm. XF9F-2 được thiết kế hướng đến sự thoải mái, mang lại tầm nhìn rõ ràng cho phi công khi hạ cánh trên tàu sân bay và trong hoạt động chiến đấu.
Panther ghi dấu ấn trong Chiến tranh Triều Tiên
Những chiếc Panther được bố trí trên các tàu sân bay như USS Boxer và USS Valley Forge khi chúng được triển khai trong Chiến tranh Triều Tiên. Panther chủ yếu phục vụ trong các phi đội của Hải quân và Thủy quân Lục chiến, bao gồm VF-51 và VMF-115. Trong cuộc chiến ở Triều Tiên, Panther được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm không chiến, tấn công mặt đất và trinh sát.
Panther đã đối đầu với các máy bay phản lực MiG-15 tiên tiến do Liên Xô sản xuất, nhanh hơn và linh hoạt hơn. Mặc dù Panther bị MiG-15 đánh bại về tốc độ và khả năng cơ động, nhưng nó đã đạt được những thành công đáng chú ý, bao gồm cả lần đầu tiên hải quân Mỹ hạ được máy bay phản lực của đối thủ.
Nhưng thành quả chính của Panther trong Chiến tranh Triều Tiên được ghi nhận ở vai trò tấn công mặt đất. Thiết kế chắc chắn và vũ khí hạng nặng giúp nó tấn công hiệu quả quân địch, xe cộ và cơ sở hạ tầng. Khả năng mang theo camera trinh sát của máy bay cũng khiến nó trở nên có giá trị trong việc thu thập thông tin tình báo.
Panther được cho là đã mở đường cho các máy bay phản lực chiến đấu tốt hơn của hải quân Mỹ sau này, bao gồm Grumman F9F Cougar và McDonnell F-4 Phantom II. Thành công của Panther tại Hàn Quốc đã chứng minh cho khoản đầu tư của hải quân Mỹ vào công nghệ phản lực và làm nổi bật tầm quan trọng của các máy bay chiến đấu đa năng có khả năng thích ứng với các yêu cầu nhiệm vụ đa dạng.
Đến giữa những năm 1950, Panther dần dần bị loại khỏi biên chế tiền tuyến khi các máy bay phản lực mới hơn, có năng lực tốt hơn được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vai trò và vị thế của nó trong biên niên sử chiến tranh trên không của hải quân Mỹ chưa bao giờ bị lãng quên. Panther là mắt xích quan trọng giữa kỷ nguyên máy bay chiến đấu cánh quạt của hải quân Mỹ và kỷ nguyên máy bay phản lực. Nếu không có Panther, mọi thứ có thể đã diễn ra rất khác đối với lực lượng không quân hải quân.
Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: National Interest
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/cach-xf9f-2-panther-thay-doi-lich-su-khong-quan-cua-hai-quan-post1212923.vov