Cải cách chính sách đãi ngộ thêm động lực 'giữ lửa nghề' với cán bộ y tế

Cải cách chính sách đãi ngộ thêm động lực 'giữ lửa nghề' với cán bộ y tế
9 giờ trướcBài gốc
Nâng cao chế độ lương và đãi ngộ cho cán bộ y tế là cần thiết
Những năm qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong hành trình bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cán bộ y tế luôn là lực lượng trực tiếp chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại đó là chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ cán bộ y tế hiện nay vẫn đang ở mức chưa tương xứng với vai trò, vị trí và đặc thù công việc của họ.
Với tính chất đặc thù: thời gian đào tạo dài, yêu cầu chuyên môn sâu, trách nhiệm lớn và mức độ rủi ro cao. Một bác sĩ để có thể hành nghề vững vàng phải trải qua từ 6–9 năm học tập và thực hành liên tục. Thế nhưng, khi ra trường, mức lương cơ bản mà họ nhận được chỉ tương đương với các ngành nghề không yêu cầu chuyên môn đặc biệt, thậm chí còn thấp hơn so với nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Nhất là sau đại dịch COVID-19, cán bộ y tế phải làm việc trong môi trường áp lực cao, thời gian làm việc kéo dài. Thêm vào đó, tại nhiều vùng sâu, vùng xa, nơi rất cần nhân lực y tế, nhưng chính sách thu hút và giữ chân bác sĩ còn nhiều bất cập... khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà.
Việc nâng cao chế độ lương và đãi ngộ cho cán bộ y tế không chỉ là trách nhiệm của ngành, mà là một đầu tư chiến lược của Nhà nước.
"Giữ chân” người thầy thuốc bằng chế độ xứng đáng
Trước tình hình đó, tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới diễn ra ngày 8/7, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì đã phát đi một tín hiệu rất đáng mừng.
Đó là việc Phó Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm.
Lâu nay, mỗi khi nhắc đến cải cách ngành y, người ta thường tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, tự chủ bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, điều khiến hệ thống y tế nhiều lần “chao đảo” lại không nằm ở máy móc, thiết bị, mà ở chính những con người vận hành nó.
Việc nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển nghề trong giai đoạn sau đại dịch là lời cảnh báo rõ ràng: nếu không “giữ chân” được người thầy thuốc bằng chế độ xứng đáng, mọi đầu tư khác đều có thể vô nghĩa.
Thêm nữa, thực tế cho thấy, y tế là nghề có rủi ro cao, áp lực lớn, đòi hỏi chuyên môn sâu và thời gian đào tạo kéo dài.
Thế nhưng, tiền lương của cán bộ y tế hiện nay vẫn “cào bằng” với nhiều ngành nghề khác, trong khi yêu cầu thì ngày càng khắt khe, luôn đòi hỏi sự khác biệt.
Trong bối cảnh đó, việc Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ các đột phá về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ là tín hiệu tích cực cho thấy, Nhà nước đang bắt đầu nhìn nhận đội ngũ y tế không chỉ như một lực lượng phục vụ, mà như một “trụ cột nhân lực” trong chính sách phát triển con người.
Nếu lần này, các nội dung cải cách về đãi ngộ được lượng hóa, thể chế hóa và triển khai nghiêm túc, thì đây sẽ tạo một bước ngoặt lớn.
Đặc biệt trong bối cảnh, theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025-2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở.
Khi người thầy thuốc không còn bị đặt trong hoàn cảnh phải chọn giữa lý tưởng và cơm áo, họ sẽ yên tâm hơn để làm đúng và làm tốt vai trò của mình.
M.H (th)
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/cai-cach-chinh-sach-dai-ngo-them-dong-luc-giu-lua-nghe-voi-can-bo-y-te-169250718144803929.htm