Cải cách thể chế doanh nghiệp: Tạo lập môi trường minh bạch, hiệu quả

Cải cách thể chế doanh nghiệp: Tạo lập môi trường minh bạch, hiệu quả
2 ngày trướcBài gốc
Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2025 vừa giảm thủ tục vừa tăng cường minh bạch trong hoạt động của DN. Ảnh: ST
Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý
Mặc dù Luật Doanh nghiệp đã được hoàn thiện qua nhiều lần sửa đổi, tiệm cận các thông lệ quốc tế tiên tiến trong quản trị DN, tuy nhiên vẫn còn một số quy định phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của DN. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng - đặc biệt là tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân - Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã cụ thể hóa nguyên tắc: bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Quy định chủ sở hữu hưởng lợi giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành DN. Khi các cổ đông thật sự, người hưởng lợi chính được kê khai rõ ràng sẽ tránh được tình trạng chủ thực sự ẩn sau nhiều lớp giấy phép hay người đại diện. Nhờ vậy, việc kê khai thuế, phân chia lợi nhuận và bầu cử nhân sự quản trị diễn ra minh bạch hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật là thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đăng ký DN, sử dụng định danh cá nhân thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống. Theo đó, Luật giảm thiểu hồ sơ DN, cá nhân phải nộp; giản lược thông tin phải khai báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình thành lập và hoạt động DN.
“Thông qua việc xác thực định danh cá nhân, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập DN, các cơ quan quản lý có thể giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập ngay từ bước đầu, mà không ảnh hưởng đến quyền gia nhập thị trường của DN, cũng không làm phát sinh thủ tục hành chính” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng chia sẻ.
Trong bối cảnh khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Luật sửa đổi lần này cũng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Cụ thể, Luật phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đăng ký DN; tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động DN trên địa bàn; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại địa phương. Những quy định này nhằm bảo đảm tính chủ động của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quá trình hình thành và phát triển DN thuộc phạm vi phụ trách.
Siết tình trạng “vốn ảo, vốn khống”
Một điểm mới nổi bật khác trong Luật sửa đổi là việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: “Kê khai khống vốn điều lệ bằng cách không góp đủ vốn như đã đăng ký mà không thực hiện điều chỉnh theo quy định; cố ý định giá sai tài sản góp vốn”. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ: tài sản góp vốn là đồng Việt Nam hoặc tài sản khác được quy định tại Bộ luật Dân sự, phải được định giá bằng đồng Việt Nam. Quy định việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải kèm theo tài liệu chứng minh đã hoàn tất thay đổi.
Theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đây là công cụ pháp lý cần thiết để chấm dứt tình trạng “tăng vốn ảo”, “góp vốn khống” kéo dài trong thời gian qua - vốn gây ảnh hưởng lớn tới tính minh bạch của thị trường, cũng như làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Song song với đó, Luật cũng quy định điều kiện DN phát hành trái phiếu riêng lẻ: Tổng nợ phải trả (gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán năm liền kề. Quy định này được đánh giá là sẽ tạo ra sự dịch chuyển tích cực trên thị trường vốn.
Theo phân tích của giới chuyên gia, khi phát hành trái phiếu DN không còn dễ dãi như trước, doanh nghiệp sẽ buộc phải củng cố nội lực tài chính, vận hành minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Việc khép dần các kẽ hở trong phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy hình thành một môi trường tài chính lành mạnh và ổn định hơn.
Bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi - minh bạch hoạt động doanh nghiệp
Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật Doanh nghiệp đã chính thức bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của DN. Quy định này không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền (phù hợp với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022) mà còn hướng đến mục tiêu minh bạch hóa hoạt động DN, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai): “Nếu không kê khai rõ người hưởng lợi, nguy cơ trốn thuế, tham nhũng và chuyển tài sản bất minh sẽ gia tăng”. Ông nhấn mạnh, việc minh bạch sở hữu không chỉ góp phần phòng, chống rửa tiền mà còn ngăn chặn nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác như tội phạm thuế, tham nhũng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định: Việc mở rộng đối tượng kê khai chủ sở hữu hưởng lợi không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ tăng chi phí tuân thủ ở mức hợp lý, không tạo áp lực lớn với DN. Hiện nay, hơn 93% hồ sơ đăng ký DN đã thực hiện qua mạng điện tử và được miễn lệ phí, do đó chi phí tuân thủ tương đối thấp.
Việc triển khai quy định mới về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ tận dụng tối đa hạ tầng hiện có, đặc biệt là hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - giúp quản lý hiệu quả mà không tạo thêm gánh nặng ngoài dự kiến.
Với những nội dung sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển DN cả về quy mô và chất lượng, hướng tới mục tiêu 2 triệu DN hoạt động vào năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đồng thời, đây cũng là bước chuyển quan trọng trong cải cách thể chế kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế./.
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/cai-cach-the-che-doanh-nghiep-tao-lap-moi-truong-minh-bach-hieu-qua-41855.html