Cải cách thể chế nhìn từ cuốn sách 'Vì sao các quốc gia thất bại'

Cải cách thể chế nhìn từ cuốn sách 'Vì sao các quốc gia thất bại'
2 giờ trướcBài gốc
Thể chế - tước đoạt hay loại trừ
Những ngày này, nhiều người hay nhắc đến cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson, hai trong ba nhà kinh tế học vừa được trao giải Nobel kinh tế 2024.
Hai nhà kinh tế đưa ra khái niệm “thể chế dung nạp” và “thể chế loại trừ” (hay “chiếm đoạt”) để lập luận rằng, một số quốc gia giàu có và thịnh vượng hơn những quốc gia khác do các thể chế chính trị và kinh tế của họ chứ không phải do địa lý hoặc văn hóa của quốc gia đó.
Các tác giả cho rằng nước nào có thể chế dung nạp, tức luôn tạo ra cơ hội để xã hội có thể chung sức xây dựng kinh tế, tôn trọng sự sáng tạo để khích lệ mọi nguồn lực thì nước đó sẽ giàu lên. Ngược lại, nước nào có thể chế loại trừ, mọi chính sách chỉ nhằm khai thác chứ không phải phục vụ con người, quyền lực xã hội chỉ nằm trong tay một số người thì nước đó trước sau gì cũng nghèo đi.
Nội hàm của các khái niệm trên trong cuốn sách được cộng đồng quan tâm là điều đáng mừng, nhưng được các nhà hoạch định chính sách quan tâm thì đáng mừng hơn.
Cải cách thể chế vẫn cần tiếp tục hơn nữa. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Ba câu chuyện thể chế
Xin kể lại mấy câu chuyện liên quan đến cuốn sách.
Câu chuyện thứ nhất. Năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài viết nổi bật, trong đó ông nêu rõ năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại và xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.
Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.
Liên quan đến yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cam kết tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.
Câu chuyện thứ hai. Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Tại phiên đối thoại chính sách cấp cao, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Đại học Fulbright trong vai người dẫn chương trình đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Ông có giải pháp, quyết sách nào để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài có thể thấy trong tương lai?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó, sau phần trả lời khá dài, đã viện dẫn cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại” và trả lời: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo họ nêu là thể chế, thể chế và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”.
Ông khẳng định các chính sách phải huy động được mọi người dân cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Câu chuyện thứ ba. Cách đây 8 năm, nhân dịp Báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới được công bố, người ta tổ chức một buổi hội thảo lớn. Nguyên Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên, một trong những nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực làm luật, đặt một câu hỏi: “Thể chế chúng ta là dung nạp, hay là thể chế loại trừ?”.
Các nhà quản lý, nhà kinh tế trong cuộc hội thảo không ai trả lời câu hỏi của ông Liên. Còn ông cũng chỉ trả lời gián tiếp: “Chúng ta cần phải có thể chế dung nạp để mọi người tham gia vào quá trình phát triển”.
Chủ trương tốt, thực hiện thì chưa
Tất nhiên, còn nhiều câu chuyện khác về yêu cầu cải cách thể chế theo hướng “dung nạp”, đặc biệt từ các thông điệp, bài viết gần đây của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhưng xin không nhắc lại vì báo VietNamNet đã làm nhiều tuyến bài.
Vấn đề là, nhiều chủ trương, đường lối lẫn luật pháp, chính sách đều có mục tiêu tốt đẹp cho sự phát triển của người dân, đất nước, nhưng việc thực hiện trên thực tế lại không như mong muốn.
Dẫn chứng là, chúng ta có nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, đặt ra các mốc phát triển của khu vực kinh tế này, có các giải pháp mạnh mẽ để đạt các mục tiêu sao cho kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nhưng trong thực tiễn, không phải mọi chính sách đều hướng đến mục tiêu này, chứ chưa nói đến nhiều chính sách còn đi ngược lại, làm cho doanh nghiệp tư nhân thui chột đi. Ví dụ, chính sách cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh mà VietNamNet đã liên tục có các bài phân tích, góp ý, đây là chính sách lợi bất cập hại.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Ở trường hợp Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam lúc bị cấm xuất cảnh, hãng bay này ngay lập tức bị sụt giảm 60% doanh thu so với trước, nhiều bạn hàng dừng cung cấp dịch vụ… Hãng bay này gặp rủi ro, vừa không trả được nợ thuế gần 300 tỷ đồng cho nhà nước, mà còn hàng ngàn tỷ đồng cho các đối tác, ngân hàng. Cả một hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt Nam bị tác động, chủ trương tái cơ cấu hãng bay của Thủ tướng cũng không thực hiện được.
Rất may ngành thuế và chính quyền địa phương đã nhận ra điều này. Theo thông tin mới nhất chiều ngày 16/10, Bamboo cam kết sẽ trả dần thuế qua bảo lãnh của ngân hàng, còn thông báo cấm xuất cảnh đã được gỡ bỏ. Trường hợp này hy vọng sẽ giúp sửa đổi chính sách cấm xuất cảnh doanh nhân nợ thuế theo hướng mở hơn, như Tổng cục Thuế đã công bố vì nó đã tác động đến 24.000 doanh nhân.
Chuyện của Bamboo rất nhỏ. Hàng ngàn trường hợp khác tương tự cũng xử lý không khó nếu coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia thì có lẽ các chính sách đưa ra sẽ thiên về “dung nạp” hơn.
Thể chế nào, doanh nghiệp đó
Cải cách thể chế là một trong ba trụ cột, bên cạnh cải cách cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đã được xác định rõ trong các kỳ Đại hội gần đây để đưa đất nước đạt các mục tiêu thịnh vượng.
Cải cách ở Việt Nam, nói một cách ngắn gọn, là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế một thành phần kinh tế sang đa thành phần được chính thức bắt đầu từ năm 1986. Nhờ đó đến nay, nước ta vươn lên mạnh mẽ, có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế” chưa thời nào có được.
Tuy vậy, cải cách thể chế vẫn phải tiếp tục hơn nữa (thể chế ở đây là luật chơi - rules of game – khác với regime). Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng với cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất.
Hơn nữa, những động lực từ công cuộc Đổi Mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng đã không còn.
Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
Ông bà ta đã nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Còn gần đây, các chuyên gia nói: “Thể chế nào, doanh nghiệp đó”. Đây là kết quả hiển nhiên trong môi trường xác định.
Chính sách, qui chế điều tiết tốt không ngẫu nhiên sinh ra. Nó đòi hỏi các qui trình báo cáo, rà soát, tham vấn cùng các cá nhân, định chế.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, có hai nhân tố hết sức quan trọng trong qui trình tạo ra chính sách, qui chế điều tiết tốt. Một là, việc thiết lập các tổ chức rà soát đảm bảo ba nguyên tắc: (i) độc lập, chuyên nghiệp về qui chế; (ii) có tầm nhìn tổng thể nền kinh tế; (iii) Các quá trình minh bạch. Hai là, việc bắt buộc phải có báo cáo tác động của chính sách hay quy chế điều tiết.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Xin trích dẫn khuyến nghị của báo cáo Việt Nam 2035 vẫn còn nguyên tính thời sự: Chần chừ, do dự cải cách, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, tụt hậu xa hơn sẽ khó có thể tránh khỏi.
Tư Giang
Lan Anh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cai-cach-the-che-nhin-tu-cuon-sach-vi-sao-cac-quoc-gia-that-bai-2332685.html