Tán thành với việc cần thiết phải có khung khổ pháp luật để khắc phục tình trạng ách tắc trong phân bổ ngân sách, đối với một số nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình dự án đã đầu tư xây dựng, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật đang mở rộng nhiều nhiệm vụ chi phát sinh lớn, như chi phí xây dựng dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa Luật Ngân sách Nhà nước lần này để giải quyết những "điểm nghẽn" trong thời hạn ngắn, các vấn đề sửa đổi, bổ sung được xác định để cân đối tài khóa, không phá vỡ các tài khóa trong một nhiệm kỳ 5 năm. Những khoản thu phát sinh trong năm ngân sách được bố trí để chi vào những dự án, công trình cần thiết mà chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước quy định vấn đề vượt thu ngân sách và tiết kiệm chi là thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội; điều hành và dự phòng ngân sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Dự phòng ngân sách là để chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và bão lụt, vấn đề an ninh, quốc phòng và một số khoản chi đột xuất khác, số còn lại được đưa vào chi đầu tư công, thẩm quyền quy định rất rõ. Dự Luật cũng đã có các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch để điều hành lĩnh vực thu chi ngân sách hiệu quả, thông thoáng hơn.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Thanh Nga
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/cai-cach-trong-quan-ly-su-dung-cac-nguon-chi-ngan-sach-nha-nuoc-242207.htm