'Cái chết của bầy ong' và cuộc thâm nhập của lối sống hiện đại vào núi rừng

'Cái chết của bầy ong' và cuộc thâm nhập của lối sống hiện đại vào núi rừng
3 giờ trướcBài gốc
Chất người miền núi thấm đượm trong ngòi bút Hữu Vi, qua cách ví von con người với cây với trái, những từ láy gợi lên thanh âm của thiên nhiên, giọng kể mộc mạc, tính cách con người và bối cảnh bản làng. Thế nhưng, Hữu Vi không cố gắng nhấn mạnh hay làm nổi bật khía cạnh này.
13 truyện ngắn trong Cái chết của bầy ong (NXB Trẻ) không có nhiều kịch tính mà rất đời thường. Đó là chuyện về các cặp trai gái gặp gỡ ở hội làng, đến với nhau, lạc mất nhau, là chuyện cha mẹ ở miền ngược nhớ nhung những đứa con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp, là chuyện vài người trẻ cứ mải miết tìm kiếm điều gì không rõ, là chuyện mấy ông bà già nhớ quê cũ nhà xưa…
Hữu Vi không kêu gọi, không rao giảng, không đưa ra một kết luận nào trong tác phẩm của mình mà chỉ kể chuyện rất chân thực và cảm xúc. Ảnh: NXB Trẻ
Trong những câu chuyện, nổi bật hơn cả là “các vấn đề phong tục và thời cuộc, giữa nếp cũ và những đổi thay hiện đại, giữa miền ngược và miền xuôi” như nhà văn Hồ Anh Thái đã chỉ ra. Chủ đề này là sợi chỉ xuyên suốt các tác phẩm, là điều Hữu Vi canh cánh trong lòng, là thực tế đang diễn ra xung quanh mà anh thấy và nghe hằng ngày: sự gặp gỡ, va chạm giữa cái cũ và cái mới.
Cái chết của bầy ong, truyện ngắn được lựa chọn làm tựa đề của cả tập truyện, nói trực tiếp về mâu thuẫn giữa tập tục cũ và cách sống hiện đại, khi trưởng thôn Khăm Xay đưa "văn minh" đến với bản làng, thúc đẩy thay đổi trong cách tổ chức tang ma.
Cuốn sách của Hữu Vi giúp bạn đọc tìm hiểu về các phong tục của người miền núi như: nghi thức cưới hỏi, tang ma, bài đồng dao, tục ném pao bắt vợ, địa vị của thầy mo, tục cúng ma, mổ trâu, lễ cúng họ, phạt vạ, gọi vía, cúng giàng...
Xuyên suốt các truyện ngắn, các nhân vật, thường là người trẻ, luôn cảm nhận được tiếng gọi và sức hút của miền xuôi, phố thị, để kiếm sống, tìm bạn đời và vươn ra không gian rộng lớn hơn để đổi mới. Những người già, gia đình, phong tục cố gắng níu giữ, là nơi họ cảm thấy an toàn và thân thuộc, nhưng tiếng gọi vẫn tồn tại ngoài kia...
Nhà văn người Thái chỉ kể chuyện, bằng giọng trầm trầm, chậm rãi, chấp nhận cuộc sống là như thế. Chỉ vậy mà đủ để người đọc phải lặng lại, nghĩ suy và vương vấn. Bởi vì đó cũng là hiện thực, là những điều chúng ta thường bắt gặp, trải nghiệm và thấm thía.
Linh Đan
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/cai-chet-cua-bay-ong-va-cuoc-tham-nhap-cua-hien-dai-vao-nui-rung-2347085.html