Cái giá cho việc kiếm 'nghìn tỷ' của người mẫu online

Cái giá cho việc kiếm 'nghìn tỷ' của người mẫu online
6 giờ trướcBài gốc
Từ vô danh đến triệu phú
Không còn là một nền tảng bên lề, OnlyFans ngày càng trở thành lựa chọn được nhiều người mẫu và nhân vật có ảnh hưởng cân nhắc như một con đường ngắn để cải thiện đời sống tài chính. Câu chuyện của Sophie Rain – cô gái trẻ 20 tuổi từng sống nhờ trợ cấp là ví dụ điển hình: trong chưa đầy hai năm, cô khẳng định đã kiếm được hơn 37 triệu bảng Anh (1.200 tỷ) từ việc chia sẻ nội dung có trả phí. Việc xóa nợ, mua nhà, tặng xe cho gia đình không chỉ biến Sophie thành triệu phú mà còn trở thành biểu tượng cho một thế hệ tin rằng chỉ cần một chiếc điện thoại và sự táo bạo là đủ để "đổi đời".
Sophie Rain (20 tuổi) có thể kiếm ra hàng nghìn tỷ nhờ công việc làm người mẫu online.
Tuy nhiên, Sophie không phải là trường hợp đơn lẻ. Nhiều nhân vật nổi tiếng khác, từ ca sĩ Danielle Bregoli từng thu về hơn 57 triệu USD, đến Bella Thorne – người đạt hơn 2 triệu USD chỉ trong vài ngày đầu, hay Blac Chyna – được cho là từng thu 20 triệu USD mỗi tháng, đều được truyền thông nhắc tên như minh chứng cho sức mạnh tài chính của nền tảng này.
Nhưng chính những ví dụ được khuếch đại ấy đã góp phần tạo ra một ảo tưởng dễ dãi: rằng chỉ cần sở hữu ngoại hình và sẵn sàng chia sẻ đời tư, thì thành công tài chính sẽ đến như một điều tất yếu. Nhìn bề ngoài, đó là giấc mơ thời đại số. Nhưng đằng sau những con số ấn tượng ấy là vô vàn biến số – và không phải ai cũng có được tấm vé thay đổi cuộc đời dễ đến vậy.
Thực tế phũ phàng
Dù những câu chuyện triệu đô khiến OnlyFans trở nên hấp dẫn trong mắt công chúng, thì thực tế lại không "màu hồng" đến vậy. Nhiều khảo sát cho thấy phần lớn người sáng tạo nội dung trên nền tảng này chỉ kiếm được mức thu nhập khiêm tốn, khoảng 150 đến 180 USD mỗi tháng – con số chẳng thể giúp ai "đổi đời" nếu không có nguồn thu nhập khác. Chỉ khoảng 1% tài khoản thuộc nhóm có thu nhập cao thực sự, và nhóm nhỏ đó lại chiếm tới hơn 30% tổng doanh thu toàn nền tảng.
Phần lớn creator còn lại phải "vật lộn" để giữ chân vài chục người đăng ký mỗi tháng. Họ không chỉ đối diện với áp lực duy trì sự hấp dẫn về ngoại hình, mà còn phải sản xuất nội dung thường xuyên, tương tác liên tục và quản lý tài khoản như một doanh nghiệp nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc thiếu nền tảng danh tiếng hoặc cộng đồng người hâm mộ sẵn có khiến nhiều người phải đánh đổi thời gian, sức khỏe tinh thần lẫn hình ảnh cá nhân để mong có được khoản thu nhập đủ sống. Và giấc mơ "đổi đời" kia, hóa ra lại là đặc quyền của số ít – chứ không phải là con đường trải thảm như những tấm gương được tung hô.
Khi hình ảnh cá nhân bị định giá theo thuật toán
Ngành công nghiệp người mẫu vốn luôn khắc nghiệt, nhưng việc người mẫu chuyển sang hoạt động trên nền tảng nội dung trả phí như OnlyFans đang làm mờ ranh giới giữa người mẫu chuyên nghiệp và nhà sáng tạo nội dung theo xu hướng giải trí người lớn.
Sami Sheen – con gái nữ diễn viên Denise Richards là minh chứng rõ ràng. Dù sở hữu ngoại hình chuẩn và xuất thân nổi bật, cô bị nhiều công ty người mẫu từ chối chỉ vì có tài khoản OnlyFans. Điều này phản ánh định kiến chưa thay đổi: một khi đã "đổi giá trị" của mình bằng lượt subscribe, người mẫu sẽ bị đóng khung hình ảnh.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng đây là cách người mẫu tự chủ tài chính, không phụ thuộc vào agency hay các rào cản truyền thống. Nhưng quyền kiểm soát không có nghĩa là tự do phát triển nghề nghiệp – đặc biệt nếu cánh cửa của các thương hiệu lớn dần khép lại vì lựa chọn đó.
Cái giá phải trả: Tâm lý, xã hội và danh dự
Người mẫu OnlyFans không chỉ bán hình ảnh – họ đang bán một phần không gian riêng tư nhất của mình mỗi ngày, mỗi giờ. Áp lực phải duy trì tương tác, giữ thân hình hấp dẫn, liên tục sáng tạo nội dung đã biến công việc này thành một guồng quay không nghỉ.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: 30% người sáng tạo nội dung trên nền tảng gặp vấn đề lo âu và trầm cảm. Cảm giác bị lệ thuộc vào thuật toán, sự chú ý nhất thời và cả các bình luận tiêu cực có thể làm suy giảm sự tự tin cá nhân và dẫn tới rối loạn tâm lý nghiêm trọng.
Người mẫu OnlyFans - Lily Phillips bị chỉ trích nặng nề sau khi công bố đã từng "qua lại" với hơn 1000 người đàn ông trong vòng một ngày.
Ở cấp độ xã hội, khi ngày càng nhiều người mẫu trẻ chọn con đường này như một lối thoát, ta cần tự hỏi: liệu chúng ta đang tạo ra một thế hệ tin rằng việc xây dựng giá trị cá nhân nằm ở số lượt xem thay vì năng lực chuyên môn?
Các báo cáo gần đây còn ghi nhận xu hướng đáng báo động: trẻ vị thành niên sử dụng giấy tờ giả để tham gia OnlyFans, cùng với sự xuất hiện của các nhóm trục lợi qua hình thức môi giới trá hình trên nền tảng.
OnlyFans là một phần không thể phủ nhận của thế giới số hóa ngày nay. Nhưng với ngành người mẫu – nơi giá trị được tạo dựng từ hình ảnh, đẳng cấp và sự bền bỉ – việc chạy theo xu hướng "đổi đời" qua nền tảng trả phí đang làm mờ đi ranh giới giữa một sự nghiệp lâu dài và một hiện tượng ngắn hạn.
Câu hỏi đặt ra không phải là ai kiếm được bao nhiêu, mà là: Chúng ta đang nuôi dưỡng thế hệ người mẫu với giá trị gì? Nếu tất cả được quy đổi thành lượt đăng ký, số tiền tip và sự chú ý tức thời, vậy điều gì còn lại để tạo nên một nghề nghiệp đích thực?
Mia
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/nguoi-mau-hoa-hau/cai-gia-cho-viec-kiem-nghin-ty-cua-nguoi-mau-online-202505051517379329.html