Luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Gần tháng nay, trên trang fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân, VOA Tiếng Việt, RFA, RFI, Chân Trời Mới Media... cùng các đối tượng mạo danh đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền đang lưu vong ở hải ngoại tràn ngập các thông tin về Nghị định 168. Với não trạng bị nhuộm đen bởi tư tưởng đố kỵ, thù hận, chúng luôn mặc nhiên coi những chủ trương, chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng sai trái, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, người dân, trái ngược thông lệ quốc tế. Trong mắt chúng, Nghị định 168 là nhằm “ăn cướp”, “bóc lột người dân”; Nghị định được xây dựng “trái quy định”, “vi phạm Hiến pháp”, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội... Từ đó, chúng kích động, kêu gọi người dân phản đối Nghị định 168, chống đối lực lượng chức năng.
Nhiều năm nay, tâm địa đen tối với những âm mưu chính trị hèn mạt của bè lũ vong nô phản quốc, phản động ở hải ngoại đã liên tục được cơ quan chức năng vạch trần, cộng đồng xã hội đấu tranh lên án. Vậy mà tiếc thay, vẫn có những người nhẹ dạ cả tin nghe theo những luận điệu xuyên tạc, vào hùa với các phần tử chống phá để đến nỗi mang vạ vào thân. Đối với đất nước thượng tôn pháp luật như Việt Nam, không ai có thể coi thường, đứng trên luật pháp. Thế nên đã có những đối tượng bị xử phạt hành chính, thậm chí truy tố do có hành vi xuyên tạc, kích động người dân phản đối Nghị định 168.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, thời gian qua, thực trạng trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của nước ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn luôn là vấn đề nhức nhối với ý thức lơ là, xem nhẹ các quy định pháp luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Do đó, dẫu chẳng đặng chẳng đừng nhưng rõ ràng tăng nặng mức phạt là giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, tăng cường sức răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Cách đây 5 năm, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP với nhiều điểm nổi bật trong xử lý vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt rất nghiêm khắc, đã cho thấy hiệu quả tích cực. Trong 8 tháng năm 2020 cả nước ghi nhận 9.170 vụ tai nạn giao thông, khiến 4.342 người tử vong và 6.727 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giảm 2.161 vụ (19,1%), số người chết giảm 754 người (14,8%) và số người bị thương giảm 1.860 người (21,7%). Đây là tín hiệu tích cực, minh chứng rõ ràng cho hiệu quả các giải pháp tăng cường ATGT, cùng với ý thức chấp hành luật giao thông của người dân được cải thiện. Tại Phiên họp thứ 42 (tháng 2/2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người đứng đầu Quốc hội đã khẳng định hiệu quả của Nghị định 100: “Mặc dù mức xử phạt rất nặng đối với các hành vi vi phạm quy định giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, song người dân rất ủng hộ”; “Tâm lý người dân sẽ không muốn ảnh hưởng đến thu nhập và việc tốt nhất là không vi phạm. Việc quy định như vậy là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm hành chính”.
Luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức được nguy cơ mất ATGT đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Số người vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ vẫn ở mức cao. Số vụ tai nạn giao thông, người chết, thương tật do tai nạn giao thông (TNGT) vẫn không suy giảm gây nên nhiều mất mát đau thương, hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Do đó, cần phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm bảo đảm TTATGT. Nghị định 168 với những quy định nghiêm khắc, mức phạt tăng cao là đòi hỏi tất yếu, bức thiết của thực tiễn. Thực tế khách quan đã chứng minh Nghị định 168 là bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải thiện ATGT tại Việt Nam thể hiện qua việc giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và cải thiện tình hình giao thông nói chung. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, sau 15 ngày thực hiện Nghị định 168, TNGT giảm cả về 3 tiêu chí (số vụ vi phạm, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ và thời gian liền kề trước đó. Cụ thể, toàn quốc đã xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ, giảm 355 vụ (34,3%), giảm 47 người chết (11,4%), giảm 426 người bị thương (34,2%). So với thời gian trước liền kề (nửa cuối tháng 12/2024), giảm 347 vụ (34,5%), giảm 94 người chết (20,5%), giảm 301 người bị thương (39,9%). Kết quả bước đầu này là minh chứng rõ ràng nhất cho tính đúng đắn và cần thiết của Nghị định, khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và bền vững.
Mặt khác, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của dư luận, Bộ Tư pháp đã khẳng định Nghị định 168 được ban hành theo đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật. Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản được ban hành theo trình tự rút gọn có thể có hiệu lực ngay từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Nghị định 168 cũng được xây dựng và ban hành theo quy trình này, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về TTATGT. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, quá trình soạn thảo Nghị định 168 đã được cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan. Dự thảo nghị định được thảo luận kỹ lưỡng, đăng tải công khai, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bảo đảm tính minh bạch và đồng thuận xã hội. Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế xử phạt nghiêm khắc và trừ điểm giấy phép lái xe đã được nghiên cứu và tham khảo từ các quốc gia có hệ thống giao thông tiên tiến, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, không chỉ giúp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông mà còn giảm áp lực lên hệ thống xử phạt hiện hành, tạo sự răn đe cần thiết đối với các hành vi vi phạm.
Trong một xã hội văn minh, hiện đại, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân phải được đặt lên hàng đầu. Không thể mượn cớ tắc đường, thu nhập thấp, gia cảnh khó khăn để ngụy biện cho hành vi coi thường pháp luật vì lợi ích cá nhân. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật hiện hành. Khi luật pháp nghiêm minh và thực thi đồng bộ có thể cải thiện rõ rệt hành vi của người dân. Những dấu hiệu đáng mừng thể hiện sự thay đổi trong ý thức chấp hành luật giao thông sau khi Nghị định 168 có hiệu lực cần phải được tiếp tục duy trì, phát huy. Mức phạt nặng đồng nghĩa với khả năng răn đe lớn giúp mỗi cá nhân nhận thức rõ việc tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ chính mình mà còn góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh; góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và tất nhiên người chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ không bao giờ phải bận tâm đến mức phạt cao hay thấp.
An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Cái giá của máu, nước mắt, đau thương, hệ lụy nghiêm trọng do TNGT gây ra cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội không bao giờ có thể đo đếm và luôn quý hơn tiền. Cùng với việc nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh, mỗi người dân cũng cần chủ động cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về Nghị định 168.
Vũ Thanh