Ảnh minh họa: Reuters
Theo ông Davide Serra, người sáng lập kiêm CEO công ty đầu tư toàn cầu Algebris Investments, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp quản chính phủ ở thời điểm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Mỹ đang ở mức cao nhưng có xu hướng suy yếu. Tổng giá trị chứng khoán Mỹ nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài tính tới cuối tháng 6/2024 đạt hơn 31 nghìn tỷ USD - một con số cho thấy niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley Bank năm 2023 là sự thử thách với niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu. Do đó, việc duy trì niềm tin là điều tối quan trọng nhưng cũng không hề dễ dàng.
“Các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ do mối lo thuế quan của chính quyền Trump là minh chứng cho nhiệm vụ khó khăn này”, vị chuyên gia nhận xét trong một bài đăng trên tờ báo Financial Times.
Ở thời điểm hiện tại, công tác quản lý nợ công tại Mỹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nợ chính phủ của nước này hiện ở mức tương đương 100% GDP - mức cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và cao gấp gần 3 lần so với mức 36% năm 2005.
Chi phí trả lãi vay của chính phủ tương đương 3,2% GDP Mỹ, cao gấp đôi mức bình quân của thập kỷ qua. Tỷ lệ này gần tương đương với thời điểm giữa những năm 1990, khi lãi suất quỹ liên bang là khoảng 6%. Tuy nhiên, thời điểm đó, chính phủ thặng dư ngân sách và nợ công thấp hơn nhiều so với hiện tại. Kể cả những nhà kinh tế lạc quan nhất cũng dự báo nợ công Mỹ sẽ tăng nhanh trong thập kỷ tới.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng. Tính tới cuối năm 2024, khối ngoại hiện nắm giữ khoảng 8,5 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương 25% tổng số. Cả thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp Mỹ hiện đều phụ thuộc lớn vào khẩu vị của nhà đầu tư quốc tế.
“Lịch sử cho thấy, dù vị thế đất nước hay câu chuyện thời đại như thế nào, thì luôn có một điểm tới hạn (tipping point) mà khi vượt mức đó, rủi ro nợ tăng lên. Điều này đặc biệt đúng khi đất nước - không chỉ chính phủ - nặng nợ trong thời gian dài. Khi đạt đến điểm tới hạn này, lòng tin của nhà đầu tư có thể đột ngột mất đi, gây tác động tiêu cực cho lãi suất và tiền tệ”, ông Serra phân tích.
Theo vị chuyên gia, dù không thể dự đoán chính xác điểm tới hạn đó, vẫn có cách để giảm thiểu các rủi ro liên quan.
Thứ nhất, Bộ Tài chính Mỹ nên chứng minh cho thị trường những dấu hiệu của sự kỷ luật. Theo ông Serra, Chính phủ Mỹ vẫn chưa bình thường hóa chi tiêu sau đại dịch Covid-19 dù nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Thâm hụt ngân sách vẫn duy trì ở mức dưới 4% sau năm 2021, với áp lực an sinh xã hội ngày càng lớn.
“Việc chính quyền Trump gia hạn đạo luật cắt giảm thuế cá nhân năm 2017 sẽ là một thử thách lớn với ngân sách chính phủ Mỹ. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), việc gia hạn đạo luật này sẽ khiến ngân sách thất thu 4,6 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, một con số khó được thị trường chấp nhận”, ông Serra nhận xét.
Thứ hai, Mỹ cần có chính sách đáng tin cậy hơn. Từ khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm nay, thị trường toàn cầu vẫn đang bối rối về kế hoạch thực sự của Nhà Trắng.
“Tổng thống và quan chức chính phủ Mỹ nhiều lần đưa ra các phát biểu mâu thuẫn về chính sách thương mại, tài khóa và quy định hành chính. Điều này khiến thị trường chao đảo mạnh. Thị trường lao dốc sau các tuyên bố về thuế quan là minh chứng cho điều này”, vị chuyên gia chỉ ra.
Thứ ba, Washington cần quản lý quan hệ quốc tế tốt hơn. Theo ông Serra, Mỹ là quốc gia quyền lực nhất thế giới và việc Chính phủ tận dụng điều này trong quan hệ với các đối tác quốc tế là điều dễ hiểu.
“Tuy nhiên, những hành động gần đây của chính quyền cho thấy sự lạc quan thái quá rằng thế giới cần Mỹ, chứ không phải ngược lại”, ông Serra nhận xét. “Quan điểm này chỉ đúng khi các nhà đầu tư toàn cầu sẵn sàng rót vốn bất chấp sự mất cân bằng ngày càng gia tăng tại Mỹ. Chính sách ngoại giao mang tính bảo hộ có thể khiến các đối tác xa lánh Mỹ".
Theo vị chuyên gia, điều này có thể khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ giảm và nhà đầu tư tài chính bán tháo tài sản Mỹ. Đây là điều ngược lại hoàn toàn so với những gì mà Washington mong muốn.
"Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ đã tận hưởng một đồng tiền mạnh và lãi suất thấp hơn mức mà nền kinh tế có thể chấp nhận, để đổi lấy khả năng cung cấp cho thị trường những loại tài sản an toàn và đáng tin cậy", ông Serra nêu quan điểm. "Các nhà kinh tế gọi đây là 'đặc quyền quá mức' (exorbitant privilege). Nhưng mọi đặc quyền đều đi liền trách nhiệm. Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, thứ được lựa chọn là lòng tin. Tốt hơn hết Mỹ không nên để mất đi lòng tin đó”.
Ngọc Trang