"Hà Nội: một thanh niên thu về hơn 50 triệu đồng tiền hoa hồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm thông" là thông tin được nhiều trang mạng xã hội đồng loạt chia sẻ những ngày qua, nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác, chia sẻ.
Tuy nhiên, Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội khẳng định đây là thông tin sai sự thật (fake news). Hiện chưa có người dân nào được nhận tiền do cung cấp, phản ánh thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tương tự, thông tin "Bị đánh nhập viện vì quay clip vi phạm giao thông để tố giác đến cảnh sát giao thông", đính kèm hình ảnh một người đàn ông mặt đầy thương tích được chia sẻ trước đó cũng là bịa đặt.
Các trang mạng, cá nhân đang lợi dụng thông tin liên quan đến Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, theo đó cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Đánh vào sự quan tâm trong người dân, những thông tin xuyên tạc, sai sự thật liên tục được lan truyền để câu tương tác. Trong khi đó, không phải người dùng nào cũng đủ tỉnh táo để nhận biết được những tin giả này khi lướt mạng xã hội mỗi ngày.
Tin giả bủa vây
Trao đổi với Tri Thức - Znews, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng những người tung tin giả nhằm mục đích thao túng thông tin, dẫn dắt cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa và tin vào những điều không có thật, với một trong các động cơ:
(1) Câu like, câu view, lôi kéo người xem để được nổi tiếng;
(2) Trục lợi: khi có nhiều người quan tâm, có thể biến view thành tiền, hoặc để chào bán hàng hóa;
(3) Lừa dối, tung tin thất thiệt, không có thật, hoặc méo mó, hoặc sai lệch, với mục đích xấu, hãm hại hoặc làm mất niềm tin vào các cá nhân, tổ chức, hay một sự kiện, hiện hoạt động nào đó…
Nhiều tin giả lan truyền trên mạng xã hội liên quan việc tố giác vi phạm giao thông.
Theo ông Vinh, bất cứ những gì đang được công chúng, dư luận quan tâm, chẳng hạn như Nghị định 168/2024/NĐ-CP hoặc bất cứ hiện tượng nổi bật đều có thể trở thành những đề tài, hay nói đúng hơn là "con mồi" để những kẻ có động cơ xấu, hoặc ít nhất là thèm khát được chú ý, được nổi tiếng, sử dụng làm công cụ tạo ra tin giả.
"Từ chỗ tung tin giả để được chú ý, được nổi tiếng đến lạm dụng fake news lừa đảo để trục lợi cũng không phải là quá xa nhau. Về tác hại chắc cũng không chênh lệch là bao", ông nhận định.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết mức độ tinh vi của tin giả có thể khác nhau, song đều dựa trên nguyên tắc hư hư thực thực, căn cứ trên những hiện tượng có vẻ là thật, có vẻ đáng tin hoặc phù hợp với định kiến của công chúng, rồi cường điệu lên hoặc bóp méo, thêm bớt, gia tăng các yếu tố giả dối.
"Làm như vậy rất dễ đánh lừa công chúng trên mạng xã hội, nơi mà người ta tiêu thụ thông tin một cách hời hợt, xô bồ, a dua theo tâm lý đám đông", ông Vinh nói.
Có một phần thông tin trong các loại fake news ở trên là thật, ví dụ như chính sách trao thưởng cho công dân phát hiện sai phạm giao thông. Ông Vinh cho rằng chỉ cần một vài yếu tố trong số những thông tin của một bài viết trên mạng là có thật, công chúng rất dễ tin theo. Đây là điều đáng sợ của fake news.
Điều nguy hiểm là fake news thường mang yếu tố giật gân, rất kích thích người đọc. Với nguyên lý và thuật toán của mạng xã hội, người dùng sẽ dễ dàng tin vào fake news vì nó thường được chia sẻ bởi những người họ tưởng chừng quen biết, vì thế người ta càng dễ bị xúi giục tiếp tục chia sẻ, lan truyền. Nhiều khi, đó là hành vi vô thức, người góp phần lan tỏa tin giả cũng không biết mình tiếp tay cho tin giả.
Chính sách trao thưởng cho công dân phát hiện sai phạm giao thông là thật, nhưng đến hiện tại, chưa có ai được nhận tiền. Ảnh: Việt Linh.
Theo ông Vinh, tin giả rất khó chống. Tuy nhiên cho dù tinh vi đến mất, tin giả cũng có thể bị phát hiện bởi nó thường chứa đựng những yếu tố không có thật hoặc trái ngược với sự thật. Những điều này có thể được phát hiện với điều kiện ta phải đủ tỉnh táo để xem xét, nghiên cứu, thẩm định mọi điều chúng ta đọc được trên mạng xã hội.
Về chủ quan, người đọc phải tự xây dựng cho mình một hệ thống miễn dịch với tin giả - đó là thái độ hoài nghi với những thông tin có vẻ quá hấp dẫn, quá kích thích hoặc được mô tả quá chân thật và phải buộc mình tìm hiểu, đối chiếu với các nguồn tin khác, đặc biệt là những nguồn tin chính thống.
"Không ai giúp chúng ta chọn lọc, loại bỏ tin giả, bằng chính thái độ nghiêm túc tiếp nhận thông tin của chính chúng ta", ông Vinh khuyến cáo.
Về khách quan, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều phải chủ động xây dựng những kênh truyền thông chính thống của mình, với những thông tin đúng, có độ tin cậy cao. Từ đó, các kênh thông tin này sẽ trở thành nguồn tin để công chúng tìm đến và kiểm chứng, mỗi khi họ đọc được những thông tin liên quan. Đây chính là các kênh truyền thông giúp cộng đồng xác thực tin giả, ngăn chặn sự phát tán của tin giả.
Hậu quả khi phát tán tin giả
Câu view, tương tác hay vì bất kỳ mục đích nào, người tạo, phát tán tin giả đều có thể đối mặt các hậu quả pháp lý.
Luật sư Lê Văn Hoan, Công ty luật TNHH MTV Lê Văn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trích dẫn nghị định số 15/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử. Theo đó:
- Hành vi “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm. (Điều 99).
- Hành vi “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; Hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm” (Điều 100).
Người tạo, lan truyền tin giả có thể đối diện hậu quả pháp lý. Ảnh minh họa: iStock.
- Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;” hoặc “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;” thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời người vi phạm bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật (Điều 101).
- Hành vi “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 102).
"Trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 về 'Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông' hoặc Điều 331 về 'Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'", luật sư Hoan cho biết.
Ánh Hoàng