Cây Ténéré được coi là cây cô đơn nhất thế giới, đóng vai trò như điểm dừng quan trọng cho vô số đoàn lữ hành băng qua sa mạc khắc nghiệt. Ý chí sinh tồn phi thường của cây đã gây ấn tượng với các nhà thám hiểm và nhà khoa học. Trong một cuộc khai quật giếng vào năm 1938 - 1939, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rễ cây đã vươn tới độ sâu 36 mét dưới lòng đất để tiếp cận nguồn nước.
Ảnh minh họa: CN Traveler
"Người ta phải nhìn thấy cây này thì mới tin vào sự tồn tại của nó. Bí mật của nó là gì? Làm sao nó vẫn có thể sống sót mặc cho có rất nhiều lạc đà giẫm chân vào gốc cây", Chỉ huy Michel Lesourd của khu vực cho hay năm 1939.
Câu trả lời nằm ở phong tục địa phương, theo đó, mọi người đều coi sự tồn tại của cái cây này là thiêng liêng. Những người du hành qua sa mạc tôn trọng một quy tắc bất thành văn là không bao giờ được làm hại nó và cây keo trở thành thứ mà ông Lesourd gọi là "ngọn hải đăng sống" cho các đoàn lữ hành đi lại giữa Agadez và Bilma.
Cái cây này quan trọng đến mức nó xuất hiện trên bản đồ ở tỷ lệ 1:4.000.000 - một trong hai cây duy nhất được coi là đủ quan trọng để đánh dấu.
Đáng buồn thay, máy móc hiện đại đã chứng minh được sức tàn phá còn khủng khiếp hơn nhiều thế kỷ gió cát sa mạc. Năm 1973, một tài xế xe tải người Libya say rượu đã đâm chết cái cây này. Ngày nay, phần còn lại của cây được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Niger ở Niamey, trong khi một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại được thiết kế, đánh dấu vị trí ban đầu của nó ở sa mạc Sahara rộng lớn - một đài tưởng niệm về cái cây từng được Tạp chí Smithsonian mô tả là "cây cô đơn nhất thế giới".
Vũ Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Boing Boing