Theo Thông tư 26, từ ngày 1-10-2025, tất cả bệnh viện sẽ phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Đến ngày 1-1-2026, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh khác cũng sẽ bắt buộc thực hiện. Đơn thuốc ngoại trú phải bổ sung thông tin bắt buộc như số định danh cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu... Khi đó, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê và hoàn toàn giám sát được việc này.
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Ảnh: chinhphu.vn
Lợi ích quan trọng của kê đơn thuốc điện tử và kết nối liên thông là quản lý và ngăn chặn tình trạng tự ý mua, sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Việc người bệnh tự sử dụng thuốc không đúng cách, không đủ liều hoặc không đúng bệnh dẫn tới kháng thuốc, đặc biệt là kháng kháng sinh đang là vấn đề nan giải. Kháng thuốc được cảnh báo là rất nghiêm trọng nếu không được quản lý tốt. Trong khi đó, những loại thuốc cần kê đơn, cần chỉ định của bác sĩ như thuốc có chất gây nghiện, hướng thần cũng đang bị mua, bán và sử dụng dễ dãi.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tiến tới bắt buộc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải áp dụng kê đơn thuốc điện tử và kết nối liên thông là cần thiết trong hiện đại hóa hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả điều trị, ngăn chặn lạm dụng thuốc. Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi bán thuốc không kiểm soát hay lạm dụng thuốc. Người kê đơn, cơ sở y tế cũng không thể “xuống bút” một cách thiếu trách nhiệm, thậm chí là “bắt tay” với cơ sở bán thuốc.
NGUYỄN HÀ MY