Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đại diện 13 địa phương có các dự án liên quan đến công tác GPMB.
Quang cảnh buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dự án trọng điểm đang triển khai. Một số dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhưng tiến độ giải ngân còn chậm; nhiều dự án gặp vướng mắc trong công tác GPMB, thủ tục đầu tư, hoặc chưa lựa chọn được nhà thầu. Đặc biệt, các dự án giao thông hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Cà Mau chỉ đạt khoảng 30%, thấp hơn mức trung bình của cả nước (khoảng 32–33%). Nếu không có giải pháp kịp thời, khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn trong năm nay sẽ rất khó đạt được.
Vì vậy, buổi làm việc được tổ chức nhằm rà soát lại tình hình triển khai, chuẩn bị cho công tác đầu tư công năm 2026 và giai đoạn trung hạn 2026-2031.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh: "Trong điều kiện mô hình tổ chức mới chỉ được vận hành khoảng 3 tuần và còn nhiều thách thức, tôi ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các Ban Quản lý dự án và các địa phương."
Nhiều dự án còn vướng thủ tục, tái định cư và thiếu quỹ đất
Theo báo cáo, 8 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, triển khai trên 10 địa bàn, có tổng vốn đầu tư năm 2025 hơn 991 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân gần 160 tỷ đồng, các dự án này ảnh hưởng đến 1.692 đối tượng, trong đó còn 220 trường hợp đang vướng mắc chưa được giải quyết. Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Hữu Trí đã có kết luận và chỉ đạo cụ thể tại Thông báo số 0206 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.
Đối với 6 dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông làm chủ đầu tư, hiện vẫn còn 3 dự án mới đang gặp khó khăn trong khâu phê duyệt giá đất và chưa có quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân.
Cụ thể, đối với Dự án Đường vành đai ngoài thành phố Bạc Liêu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư là 1.440 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 349 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Dự án Đường vành đai trong thành phố Bạc Liêu (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư là 294,4 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 57 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức. Dự án xây dựng cầu Hòa Bình 2 + Tuyến đường nối đến đường Giồng Nhãn – Gò Cát với tổng mức đầu tư 298,9 tỷ đồng, có 54 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo tiến độ, khó khăn với các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư.
Riêng Ban Quản lý Dự án khu vực Đông Hải (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác GPMB đối với Dự án xây dựng tuyến đường từ cầu Tư Cồ đến chùa Linh Ứng (nay thuộc xã Long Điền).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã nghe địa phương báo cáo tiến độ các dự án. Nhiều ý kiến phản ánh vướng mắc trong công tác GPMB, đặc biệt là việc chuyển giao trách nhiệm phê duyệt giá đất, lập phương án bồi thường từ cấp huyện về xã, gây lúng túng trong triển khai.
Quyền Chủ tịch UBND xã Gành Hào Nguyễn Kim Dúng trình bày những vướng mắc, khó khăn với dự án trên địa bàn xã.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phạm Văn Mười ghi nhận và giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.
Đề nghị đồng bộ cơ chế, hướng dẫn và ưu tiên quyền lợi người dân
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần rà soát lại kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Hữu Trí theo Thông báo số 0206, đặc biệt đối với các dự án còn vướng mắc về GPMB.
Về chính sách bồi thường GPMB, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng triển khai chính sách bồi thường hỗ trợ đối với công trình kiến trúc trên đất; trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phụ trách phần chính sách chung. Đồng thời, cần phối hợp với Sở Tư pháp để thống nhất văn bản áp dụng. Quan điểm chỉ đạo là: "Cái nào có lợi nhất cho dân và dễ áp dụng nhất thì phải cho cơ chế áp dụng ngay." Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc chưa được quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định theo thực tế, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Cần sớm thành lập tổ công tác chuyên môn để hướng dẫn nghiệp vụ cho các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong các nội dung: quản lý Nhà nước về đất đai, quy trình định giá và phê duyệt giá đất, xây dựng phương án bồi thường GPMB, đo đạc, kiểm kê...
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tham mưu UBND tỉnh rà soát lại lực lượng làm công tác định giá đất. Trong đó, phải củng cố đội ngũ tư vấn, xây dựng kế hoạch đào tạo, cấp chứng chỉ thẩm định giá đất; tổ chức tập huấn nghiệp vụ đo đạc, kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường cho cán bộ cấp xã. Bên cạnh đó, cần kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc như Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất.
Về công tác tái định cư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần mở rộng phạm vi khảo sát, rà soát toàn tỉnh Cà Mau để xác định những khu vực đủ điều kiện bố trí tái định cư, trên cơ sở người dân đồng thuận.
Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất hình thành các khu tái định cư phục vụ triển khai các dự án giao thông sắp tới. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý bố trí tái định cư tại các khu vực trọng yếu như đô thị, ven sông, cửa sông, cửa biển và những nơi có nguy cơ sạt lở cao, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, cần di dời dân cư để đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài.
Kim Trúc