Cải tạo chung cư cũ: gỡ vướng từ quy hoạch

Cải tạo chung cư cũ: gỡ vướng từ quy hoạch
2 ngày trướcBài gốc
Tuy nhiên gần đây, với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, những cơ chế, chính sách mới được ban hành sẽ đẩy nhanh tiến độ trong thực tiễn.
Chung cư cũ đầu tiên được lập quy hoạch 1/500
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960 - 1990, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết là một trong những điều kiện tiên quyết, tạo cơ sở quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, phần việc này tại Hà Nội đang triển khai chậm so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ chung của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên toàn địa bàn TP.
Vì vậy, Sở QH - KT đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận có nhà chung cư cũ theo tiến độ giai đoạn 1 nghiên cứu lập đề án quy gom tái định cư khi xây dựng lại nhà chung cư cũ; xác định phạm vi ranh giới nhà chung cư cũ, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết...
Chung cư cũ trên phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Nhờ đó vừa qua, Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Theo Quyết định, tổng diện tích nghiên cứu lập nhiệm vụ Quy hoạch là khoảng 31,6611ha. Về vị trí, ranh giới lập quy hoạch, phía Bắc giáp đường Hoàng Quốc Việt, phía Nam và Đông Nam giáp đường Tô Hiệu, phía Tây giáp đường Nguyễn Phong Sắc.
Quy mô dân số sẽ được xác định chính xác trong quá trình nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng dân số thực tế tại các nhà chung cư cũ cải tạo xây dựng lại và các nhà ở hiện có. Thời gian hoàn thành lập đồ án quy hoạch chi tiết là 6 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Khu tập thể Nghĩa Tân được xây dựng từ năm 1987, gồm 29 tòa chung cư, mỗi tòa cao từ 3 - 5 tầng, mỗi căn dao động từ 18 - 20m2. Qua thời gian, nhiều hạng mục của công trình này đã xuống cấp trầm trọng, không ít hộ dân đã cơi nới thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tăng nguy cơ mất an toàn cháy, nổ.
Ngoài ra, kết quả khảo sát thực trạng hạ tầng tại khu tập thể này cho thấy, các tuyến đường nội bộ có mặt cắt 3,5 - 4m, chưa đáp ứng được yêu cầu về giao thông; hệ thống thoát nước mưa và nước thải thoát chung vào hệ thống cống hiện có; mạng lưới điện phân phối đã cơ bản được hạ ngầm; rác thải sinh hoạt chưa có điểm tập kết tập trung mà chỉ có các điểm tập kết nhỏ lẻ. Đây sẽ là khu chung cư cũ đầu tiên được TP Hà Nội lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại, với số tiền dự toán lập quy hoạch hơn 1,2 tỷ đồng từ ngân sách TP.
Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô 2024 quy định chặt chẽ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với mục tiêu nâng cao chất lượng sống và bảo đảm an toàn cho người dân đô thị. Việc cải tạo không chỉ bảo đảm điều kiện về hạ tầng mà còn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và di sản văn hóa địa phương.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, Luật Thủ đô năm 2024 có quy định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, trường hợp không lựa chọn được chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở thì UBND TP sẽ thu hồi đất nhà chung cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có từ 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất trong phạm vi dự án đồng thuận.
Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục được phân chia và chi trả cho từng chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất. Với nhiều quy định mới vừa được ban hành có tác dụng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cũng như với quyết tâm cao, hi vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Liên quan tới quy hoạch, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho rằng, để thống nhất với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt, các quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo lại các khu tập thể cũ trên địa bàn TP xác định theo nguyên tắc giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, đặc biệt khống chế không làm gia tăng dân số để không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Quỹ đất dôi ra sau khi quy gom các dãy nhà sẽ dành để cấu trúc lại hệ thống giao thông, xây trường học, cây xanh, công cộng dịch vụ.
Với nhiều quy định mới có tính đột phá trong Luật Nhà ở 2023, Luật Thủ đô có tác dụng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn; cùng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền Thủ đô, hi vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được đẩy nhanh hơn, khi các chung cư cũ được thay da đổi thịt sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang, đẹp đẽ hơn cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa các quy định, giúp luật đi vào cuộc sống thì cần phải có thời gian. Do đó TP cũng cần sớm có các văn bản hướng dẫn để các điểm mới trong Luật Thủ đô sớm được thực thi.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/cai-tao-chung-cu-cu-go-vuong-tu-quy-hoach.html