Qua các hội nghị cho thấy, hầu hết cư dân đều quan tâm đến hệ số đền bù (hệ số K) và chính sách tạm cư.
Người dân đóng góp ý kiến bằng văn bản về cải tạo khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyệt Ánh
Chung mối quan tâm
Gần đây nhất, ngày 8-5, quận Đống Đa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận tỷ lệ 1/500 trên địa bàn các phường Thịnh Quang, Trung Liệt. Trong đó, cả 4 ý kiến của người dân đều tập trung vào hệ số K. Các ý kiến cho rằng hầu hết diện tích căn hộ cũ chỉ khoảng 35m2, nếu hệ số K là 1,5 thì các căn hộ sau cải tạo không đủ diện tích bình quân 70m2. Vậy số diện tích thiếu có phải mua không và cách tính giá thế nào?
Góp ý vào Đồ án quy hoạch 1/500 cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự được niêm yết tại UBND phường Phương Liên - Trung Tự (quận Đống Đa) trong suốt gần 1 tháng qua, nhiều hộ có cùng băn khoăn về hệ số K. Bà Nguyễn Thị Minh Hiền (nhà C5, khu tập thể Trung Tự) cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ quy hoạch, phần lớn người dân ủng hộ vì nếu đồ án thành hiện thực, cuộc sống người dân sau này sẽ văn minh, đầy đủ và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, nhiều người đang đặt câu hỏi sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như thế nào khi muốn tăng thêm diện tích căn hộ tái định cư.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Oanh (nhà C11, khu tập thể Kim Liên) cho rằng hệ số K là 1,5 với các hộ dân từ tầng 2 trở lên là thấp và mong muốn mức này được tăng lên gấp đôi. Khi đó, người dân chỉ cần mua thêm 10-15m2 là đã đủ cho diện tích căn hộ từ 50m2 trở lên. Ngoài ra, bà Oanh cũng chuyển tải ý kiến của nhiều hộ dân mong muốn sớm được biết các thông tin về chính sách tạm cư ra sao, người dân có được cấp tiền để đi thuê nhà không và trong bao lâu...
Còn bà Nông Hải Yến (nhà A11, khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) nêu thực trạng, chung cư mới có diện tích trung bình khoảng 70-75m2/căn thì việc chi trả diện tích dôi ra quá sức với nhiều hộ dân. “Thiết nghĩ chủ đầu tư nên xây dựng những căn hộ có diện tích khoảng 45-50m2 để phù hợp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo”, bà Yến kiến nghị.
Cần những chính sách tháo gỡ mới
Theo ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và phát triển G6 - một đơn vị đầu tư và phát triển bất động sản, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Quy định này đã gỡ được nút thắt về phương án đền bù. Theo đó, các hộ gia đình ở tầng 1 được hệ số K là 2 (bao gồm diện tích sàn ở 25% diện tích hành lang, cầu thang, các khu kỹ thuật, sinh hoạt cộng đồng, kết cấu công trình và hộp kỹ thuật các tiện ích khác cho nhà chung cư áp dụng với phần diện tích hợp pháp theo kết cấu, tạm tính theo hệ số tối đa K=2).
Các hộ gia đình ở tầng 2 trở lên áp dụng hệ số K từ 1-1,5, trên cơ sở diện tích có giấy tờ pháp lý rõ ràng. “Giả sử một căn hộ 35m2 ở tầng 1, theo quy định nhân hệ số K là 2, sau khi cải tạo người dân sẽ nhận được căn hộ mới thành 70m2. Còn phần lấn chiếm được hỗ trợ kinh phí xây dựng”, ông Quê giải thích và cho rằng đây là một chính sách đền bù phù hợp, bảo đảm tính nhân văn và rất có lợi cho người dân. Tuy nhiên, hệ số mới vẫn chưa thể thỏa mãn được người dân bởi trong quá trình sử dụng thực tế, giữa diện tích sử dụng hiện tại và diện tích “sổ đỏ” đang chênh lệch nhau khá lớn.
Điều này dẫn đến chuyện dù hệ số K là 1,5 áp dụng từ tầng 2 trở lên vẫn không bằng diện tích sử dụng hiện tại. Do đó, để đạt được sự đồng thuận của người dân cần có sự chung tay của các cơ quan nhà nước cũng như tổ chức chính trị - xã hội và vẫn phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện đối với những chung cư nguy hiểm thuộc nhóm D.
Chính sách tạm cư cũng là một trong những điểm vướng lâu nay. Người dân mong muốn tạm cư ở những vị trí tương đương, giúp con cái học hành thuận lợi. Nhưng thực tế chung cư cũ chủ yếu nằm trong Vành đai 2 mà nhà tạm cư được bố trí thì chủ yếu là ngoài vành đai này. Do đó, vấn đề này nên được linh hoạt giải quyết. Tức là chủ đầu tư cần ứng tiền cho người dân đi thuê nhà. Tiếp đó, thành phố phải hạch toán liên quan đến chiều cao, mật độ để bù đắp cho nhà đầu tư.
Giải quyết vướng mắc cơ bản giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân vốn tồn tại lâu nay và là một trong những lý do khiến quá trình cải tạo bị chậm tiến độ kéo dài. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Lân, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất giải pháp về chính sách hoán đổi lợi ích cho chủ đầu tư, vốn đã được áp dụng tại một số quốc gia khác. Cụ thể, Nhà nước có thể dành quỹ đất ở ngoại thành để chủ đầu tư phát triển dự án khác, bù đắp cho dự án cải tạo nhà chung cư cũ, vốn không có nhiều lợi ích trong nội thành.
Về chính sách tạm cư cũng như nhiều thông tin quan trọng khác, Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, thành phố cũng sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì lập đồ án từng khu để xây dựng phương án cụ thể, xác định diện tích từng hộ cũng như phương án tái định cư và tạm cư. Toàn bộ những thông tin này sẽ được công khai tới người dân.
Khánh An