Ngõ Hà Nội bị biến dạng
Năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa, Chính phủ bảo hộ đã quy hoạch tổng thể với mong muốn Hà Nội nhang nhác như Paris (Pháp). Với khu vực 36 phố phường, người Pháp cho nắn thẳng các phố tên "hàng" vốn lồi ra lõm vào. Ngõ làng vốn là công điền cũng bị trưởng phố mang ra bán nên khu 36 phố phường cũng không còn nhiều ngõ, chỉ có trên chục ngõ mang tên các làng xưa như: Yên Trung (phố Hàng Giầy), Gia Ngư (phố Hàng Đào), Phất Lộc, ngõ Hàng Khoai I, Hàng Khoai II (phố Hàng Khoai), ngõ Hàng Đậu (phố Hàng Đậu)... Năm 1897, chính phủ bảo hộ cho xây dựng thêm khu phố mới ở phía Tây Nam trong phần đất của Thành phố. Và các phố nay tương ứng là Chu Văn An, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Khúc Hạo… gần như không có ngõ.
Thập niên 90 thế kỷ XX, Hà Nội thay đổi mạnh, ngõ cũng cựa mình. Không chỉ mặt phố, các con ngõ cũng bị cuốn vào cơn lốc xây dựng. Nhà cao tầng mọc lên từ đầu đến nhà cuối ngõ. Ngõ xưa chói chang ánh nắng nhưng giờ mùa Hè cũng chả thấy mặt trời. Sau đó, ngõ lại xuất hiện cửa hàng từ cắt tóc gội đầu, bán tạp hóa, quán phở; đoạn ngõ rộng còn có cả quán bia cỏ, karaoke... nơi họp chợ.
Dần dần sau 20, 30 năm đô thị hóa, các ngôi làng biến thành phố phường, dân đông gấp cả chục lần. Đất trong làng trước đây rộng rãi, không gian thoáng đãng nhưng dần được chia nhỏ, phần cho con cái và phần bán cho người nơi khác đến, xây nhà cho thuê. Vì thế mà nhà nhiều lên, xẻ nhỏ dần (thấp nhất là 30m2 theo quy định của TP) và cao dần để tăng diện tích sử dụng. Đường trong làng vốn rộng rãi, nay chật chội do lấn chiếm không gian, mật độ phương tiện lớn, xuất hiện các ngõ chỉ rộng đủ cho người đi bộ, quanh co, gấp khúc, chằng chịt như mê cung. Có thể thấy rõ điều này qua hình ảnh các ngõ, ngách nhỏ ở làng Triều Khúc, làng bún Phú Đô, làng Phú Diễn…
Ngõ siêu hẹp trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ từ đường chính vào làng trở thành ngõ phố. Phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ chợ Khâm Thiên (ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên) lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành là: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ” - nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Đất chật, người đông, ngõ ở phố trung tâm giờ lại là nơi nhiều người chọn để an cư rồi lập nghiệp. Mới đây, mạng xã hội xôn xao về một con ngõ siêu nhỏ trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Con ngõ như một điểm giao cắt ngăn chia hai không gian đối lập: Ngoài phố tấp nập, hiện đại, sang trọng và bên trong ẩm thấp, xuống cấp ngổn ngang. Bề ngang của ngõ chỉ rộng hơn 50cm, đủ để 1 người thoải mái đi qua. Để xe máy vào, người dân phải khoét tường, mở rộng ra khoảng 72 - 75cm. Người dân phải ngồi trên xe, thậm chí một tay chống vào tường khi đưa xe qua ngõ. Dẫu vậy, tháng 6/2024, căn nhà cấp 4 có diện tích 50m2 trong con ngõ này được bán với mức giá khá đắt đỏ, lên đến 6 tỷ đồng khiến nhiều người giật mình.
Lộn xộn, chật chội vì đô thị hóa
Dạo quanh một số ngõ tại Hà Nội như: Văn Chương, Giáp Bát, Trung Kính cho thấy các dịch vụ cơ bản như điện, nước, thoát nước thải và thu gom rác thải trong các ngõ đều có những vấn đề riêng. Thấy dễ nhất, hệ thống dây điện, cột điện, trạm biến áp tạo thành một mạng lưới “rác trời” lằng nhằng, mất mỹ quan và nguy hiểm cho cuộc sống người dân.
Tình trạng đường phố, ngõ ngách càng phức tạp. Ví dụ đường làng trở thành phố như ở Đại Kim, Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế… do tốc đô thị hóa nhanh nên gần như các ngôi làng rất lộn xộn, chật chội, đông đúc. Có nhiều đường làng như tại Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh, Đại Kim đi vào rất khó khăn khi phương tiện cá nhân lớn, sinh ra ùn tắc. Mà trong khu vực này gần như không có đèn giao thông; CSGT cũng không đứng ở đó nên vào giờ cao điểm trong ngõ nhỏ sinh ra ùn tắc tương tự như phố cũ.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: quy hoạch trước đây mới chỉ tập trung vào các tuyến đường giao thông nội đô còn các đường nội bộ chưa có một quy định nào cụ thể. Các ngõ, ngách siêu nhỏ vì thế không hiếm gặp ở khu vực phố cổ hay các quận gần trung tâm Hà Nội. Những con ngõ siêu nhỏ sẽ không bảo đảm được an toàn giao thông đi lại, các quy định về phòng cháy chữa cháy. Chất lượng đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nơi, người dân đã tháo gỡ bằng cách tự hiến đất mở đường đi. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng áp dụng được cách này bởi nhiều công trình đã xây dựng kiên cố, đất có giá đắt đỏ hoặc có diện tích quá nhỏ nên không dễ để mở rộng.
Dẫn chứng về điều này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, do đô thị hóa đã diễn ra tự phát nên để giải quyết, tạo ra một con phố mới khang trang, rộng rãi, có vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng phải mất nhiều tiền. Bằng chứng, Hà Nội đã làm đường La Thành, Giảng Võ… là những con đường đắt nhất hành tinh.
Đi tìm lời giải
Theo thống kê gần đây, TP Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên và trên 2.300 cơ sở, khu dân cư nằm trong hẻm nhỏ, sâu 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Khoảng 90% con hẻm, ngõ rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2 - 3m.
Để giãn dân khu dân cư đã ở ổn định và mở rộng ngõ phố lên tối thiểu 4m thì trước mắt cần có quy hoạch chi tiết 1/500, sau đó là giải tỏa để mở đường. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có kinh phí để lập quy hoạch chi tiết cũng như giải tỏa, đền bù cho người dân. Hiện Hà Nội mới quy hoạch 1/500 tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Những nơi này đều có chỉ giới đường đỏ, quy định chủ đầu tư xây dựng đường nội bộ tối thiểu rộng 4m.
Theo các chuyên gia, TP Hà Nội cần rà soát lại hệ thống ngõ ngách, xem lại nguồn gốc đất đai, vấn đề sở hữu để từ đó có giải pháp phù hợp. Đồng thời, TP cần tìm nguồn lực để giải tỏa nhiều khu dân cư đông đúc, ngõ ngách chật hẹp, giảm mật độ xây dựng. Cùng với đó là di dời cơ sở kinh doanh, trường đại học để giãn dân ra đô thị vệ tinh. Tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản..., các khu dân cư cũ được giữ nguyên hạ tầng, đường ngõ như xưa song giảm mật độ dân. Chính quyền đồng thời phát triển các khu vệ tinh, TP mới để thu hút dân cư sinh sống.
Đặc biệt, “Luật Thủ đô 2024 có những quy định rất rõ về cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP . Việc cải tạo, chỉnh trang phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang. UBND các địa phương được giao rà soát kiểm tra và tái thiết cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cho thêm một quỹ bảo trì. Hy vọng Luật Thủ đô 2024 có thể tháo gỡ, tìm được lối thoát cho vấn đề này" - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Trong phố cổ có những con ngõ rất đặc biệt, như ngõ nhà bạn tôi ở 96 Hàng Buồm. Đó là con ngõ dài nhất phố, khoảng hơn 600m thông sang Ngõ Gạch. Còn ở ngõ nhà tôi trên phố Hàng Bồ, hồi nhỏ chỉ cần nhảy qua tường là đến trường Nguyễn Du trên phố Hàng Quạt để đi học. Cuộc sống ở đây chật chội, nhiều bất tiện lắm nhưng ở mấy chục năm cũng quen rồi nên chẳng còn cảm thấy khó chịu nữa.
Anh Đỗ Hoàng Long (phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Lại Tấn