Dự án dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp là công trình trọng điểm của TP.HCM nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, chống ngập và nâng cấp hạ tầng đô thị.
Từ năm 2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, thực hiện bằng ngân sách nhà nước với kinh phí dự kiến khoảng 123 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ranh quy hoạch của dự án khá lớn, phát sinh chi phí bồi thường cao, TP không đủ ngân sách để thực hiện nên dự án bị treo.
Rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh. Ảnh: THUẬN VĂN
Đến nay sau hơn 20 năm, với sự quyết tâm của chính quyền TP.HCM và sự ủng hộ của người dân, dự án sẽ được chính thức khởi công vào ngày 10-5.
Người dân từng ngày mong chờ
Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, đi qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, đây được xem là tuyến rạch ô nhiễm nhất nội đô của TP.HCM. Nhiều năm qua, hàng ngàn người dân sống ven con rạch này phải sống chung với ô nhiễm, rác thải, ruồi, muỗi bủa vây.
Ông Nguyễn Văn Từ (ngụ quận Gò Vấp) tâm tư: "Người dân sống quanh khu vực con kênh này mong từng ngày dự án được thực hiện vì con rạch quá ô nhiễm, mùi hôi của nước thải làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nơi đây.
Rạch Xuyên Tâm là tuyến kênh ô nhiễm gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: THUẬN VĂN
Khi dự án hoàn thành, cuộc sống người dân xung quanh con kênh này chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn. Ai ai cũng rất phấn khởi, khi nào hoàn thành tôi sẽ mua một chiếc ca nô chạy xung quanh con kênh."
Cùng chung niềm vui, bà Phạm Thị Liễu (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: "Khu vực tôi sống ai cũng mong từng ngày con rạch này được cải tạo. Nếu ven kênh được cải tạo, có bờ kè, trồng cây sẽ có không gian cho người dân đi dạo, tập thể dục, có môi trường sống lành mạnh... "
Bà Lê Thị Oanh (quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ dự án được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Đây là tuyến kênh rạch đi qua địa bàn trung tâm TP.HCM, việc cải tạo phải thực hiện sớm là rất hợp lý. Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp cũng phấn khởi vì được bồi thường thỏa đáng để đến sinh sống một nơi khác tốt hơn, hiện tại. Những hộ dân xung quanh không ảnh hưởng nhiều cũng được hưởng một không gian sống mới, khu vực phát triển hơn, và kinh tế cũng sẽ đi lên.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực giúp giá trị bồi thường của những trường hợp bị ảnh hưởng tăng lên, đây cũng là một trong những điều kiện để dự án có thể thực hiện. Hiện nay, ban đã nhận được mặt bằng trên địa bàn quận Gò Vấp và một phần của quận Bình Thạnh để triển khai khởi công gói thầu xây lắp 03.
Dự kiến năm 2028 sẽ hoàn thành dự án. Khi đó, đây sẽ là một tuyến kênh xanh, sạch, đẹp của TP.HCM. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư sẽ áp dụng phần mềm BIM. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị nhà thầu thi công, tư vấn giám sát... đều phải áp dụng. Dựa trên phần mềm này, chúng tôi bám sát tiến độ, thời gian và những bất cập (nếu có) trong thời gian thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ban kiến nghị các địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để bàn giao mặt bằng trước 2-9 để triển khai thi công đồng bộ trên toàn tuyến nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - Chủ đầu tư dự án
Đẩy nhanh bồi thường để hoàn thành dự án đúng tiến độ
Liên quan vấn đề bồi thường của dự án này, hiện nay cả hai địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đại diện Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp thông tin dự án có 138 trường hợp bị ảnh hưởng. Thời gian tới, UBND quận Gò Vấp sẽ tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng hộ dân và tiến hành chi trả. Đồng thời vận động các trường hợp bàn giao mặt bằng để thi công công trình. Dự kiến sẽ hoàn tất công tác chi trả (hoặc chuyển tài khoản tiền gửi tại ngân hàng) trong quý II-2025.
Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết quận có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, quận đã tiếp xúc 1.660 trường hợp, còn 417 trường hợp chưa tiếp xúc do chờ kết luận giải quyết của UBND TP, trong đó có 382 trường hợp vướng mắc về mua bán giấy tay, tách thửa và 35 trường hợp trong ranh dự án Tân Thuận.
Đến nay, số phương án chi tiết đã được Hội đồng bồi thường dự án ký thông qua là 630 trường hợp với tổng số tiền là 1.345,3 tỉ đồng.
Những vướng mắc liên quan chuyển nhượng bằng giấy tay, trường hợp nằm trong ranh dự án Tân Thuận... địa phương cùng Sở NN&MT cũng đã có kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết.
Trao đổi với PLO, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP.HCM, thông tin đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường giải quyết các trường hợp để đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Cụ thể, ông Trực đề nghị Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh chỉ đạo hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ bồi thường.
Đồng thời thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hoàn thành sẽ đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực, kết nối giao thông cục bộ với nhiều tuyến đường trong khu vực và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP... Dự án với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
NGUYỄN CHÂU