Ông Friedrich Merz nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ của ông giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Đức hôm 23-2, theo tờ The Guardian.
Kết quả bầu cử sơ bộ công bố sáng 24-2 cho thấy liên minh CDU/CSU giành được 28,5% phiếu bầu, đứng thứ hai là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với 20,8% phiếu bầu. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz giành được 16.4% phiếu bầu và đảng Xanh nhận được 11,6% phiếu bầu.
Con đường chính trị thăng trầm
Sinh ra sau khi Thế chiến II kết thúc khoảng một thập niên, ông Merz lớn lên tại Sauerland - một vùng nông thôn miền núi ở Tây Đức. Theo lời kể của ông Merz, ông là một học sinh không mấy xuất sắc, sớm hút thuốc, uống rượu và thường gặp rắc rối kỷ luật.
Dù có nét nổi loạn, ông Merz vẫn chịu ảnh hưởng từ văn hóa bảo thủ ăn sâu tại quê hương và gia nhập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối trung hữu khi còn học trung học.
Sau một thời gian ngắn phục vụ trong quân đội, ông Merz theo học ngành luật tại ĐH Bonn, ở thủ đô Bonn (Tây Đức).
Năm 1989, cùng năm Bức tường Berlin sụp đổ, ông Merz trở thành nghị sĩ bảo thủ của Nghị viện châu Âu. Năm năm sau, ông được bầu vào quốc hội Đức (Bundestag) và xây dựng mối quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Tài chính Đức khi đó là ông Wolfgang Schäuble - nhân vật chủ chốt của CDU và là người ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu (EU). Dưới sự dìu dắt của ông Schäuble, ông Merz dần khẳng định vị thế và được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, con đường thăng tiến của ông dừng lại vào năm 2002 khi ông thất bại trong cuộc đấu quyền lực với bà Angela Merkel - người có đường lối ôn hòa hơn.
Không thấy vai trò cho mình trong CDU dưới thời Merkel, ông Merz lui về hàng ghế sau giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một năm sau, ông Merz rời quốc hội để làm luật sư doanh nghiệp, đồng thời giữ chức Chủ tịch Atlantik-Brücke - một tổ chức vận động hành lang thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trong thời gian làm việc tại Atlantik-Brücke, ông Merz thúc đẩy thỏa thuận thương mại EU-Mỹ mang tên Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, kết nối với các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp nước này.
Hơn một thập niên hoạt động trong khu vực tư nhân, ông Merz tham gia vào nhiều hội đồng quản trị doanh nghiệp. Ông Merz nói rằng giai đoạn này mang lại cho ông kinh nghiệm quý báu ngoài chính trị, nhưng những người chỉ trích lại cáo buộc ông đã lợi dụng các mối quan hệ chính trị để vận động cho các nhóm lợi ích lớn, đồng thời tích lũy khối tài sản triệu USD.
Khi bà Merkel từ chức Chủ tịch CDU vào năm 2018, ông Merz nhìn thấy cơ hội quay lại chính trường.
Ông Friedrich Merz - người nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng Đức tiếp theo. Ảnh: AFP
Bài toán thành lập chính phủ mới
Công việc đầu tiên và cấp bách nhất của ông Merz sau khi liên minh CDU/CSU giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Đức là đàm phán với các đảng khác để thành lập chính phủ mới.
Phát biểu vào tối 23-2 (giờ địa phương), ông Merz nhấn mạnh ông “sẽ cố gắng thành lập một chính phủ đại diện cho toàn bộ nước Đức và sẽ giải quyết các vấn đề của đất nước”.
"Chúng ta phải nhanh chóng tái lập một chính phủ hoạt động để có thể làm tốt nhất trong nước, để chúng ta có thể hiện diện trở lại ở châu Âu và để thế giới thấy rằng nước Đức lại được quản lý một cách đáng tin cậy” - ông Merz phát biểu.
Câu hỏi ai sẽ là đối tác liên minh của ông Merz trong chính phủ Đức sắp tới, và liệu ông có tiếp tục khẳng định sẽ không hợp tác với đảng cực hữu AfD hay không, đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Dù sau đó ông Merz liên tục khẳng định liên minh CDU-AfD không nằm trong kế hoạch, nhiều người vẫn lo ngại một chính phủ liên minh bất ổn, chia rẽ sẽ tái diễn thế bế tắc như liên minh “đèn giao thông” đầy tranh cãi của ông Scholz vào năm 2021.
Ông Merz được cho là sẽ lãnh đạo nước Đức trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và ngoại giao lớn nhất trong nhiều thập niên và châu Âu đang khẩn trương tìm kiếm một thế hệ lãnh đạo mới cho kỷ nguyên căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.
Thách thức chờ đợi thủ tướng Đức tiếp theo
Những người bảo thủ Đức từ lâu đã hy vọng rằng chính sách biên giới cứng rắn, nền tảng kinh doanh và sự hiểu biết của ông Merz về Mỹ sẽ giúp ông thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù từng thể hiện mình là một doanh nhân quyết đoán, sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump, ông Merz giờ đây đã thay đổi lập trường chỉ trong vài giờ sau khi ông Trump đảo ngược quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine.
Bình luận việc Tổng thống Trump cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột, ông Merz gọi đó là “một sự đảo ngược điển hình của câu chuyện kẻ tấn công – nạn nhân”.
Theo giới quan sát, thách thức phía trước mà ông Merz phải đối mặt là rất lớn. Sự đổ vỡ đột ngột trong quan hệ giữa Washington và Berlin, mà ông Merz không ngần ngại gọi là một “sự chia cắt mang tính thời đại”, có thể trở thành yếu tố định hình nhiệm kỳ thủ tướng của ông.
Kế đến là vấn đề kinh tế. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cần một cuộc tái khởi động. Những thách thức chồng chất, từ quy định chồng chéo, hạ tầng xuống cấp, chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng, cho đến dân số già hóa. Nhiều người Đức cho rằng cần đầu tư khẩn cấp vào mọi lĩnh vực, từ quốc phòng đến cơ sở hạ tầng.
Nhưng để làm được điều đó, ông Merz có thể phải nới lỏng quy tắc “phanh nợ” - giới hạn chi tiêu được ghi trong hiến pháp Đức và là yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz.
Kế đến là Ukraine - vấn đề từ lâu đã gây chia rẽ tại Đức. Dư luận phân hóa rõ rệt: một bên tin rằng việc hỗ trợ Kiev sẽ kéo nguy cơ chiến tranh đến gần hơn với nước Đức; bên còn lại cho rằng nếu không hỗ trợ Ukraine, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Ông Merz rõ ràng thuộc nhóm thứ hai. Ông từng cảnh báo ông Scholz không nên theo đuổi chính sách “nhượng bộ” với Nga và thậm chí đã đến Kiev trước cả thủ tướng đương nhiệm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp ông Friedrich Merz tại thủ đô Kiev (Ukraine) vào tháng 12-2024. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Theo dự đoán của giới quan sát, chính phủ Đức dưới thời ông Merz cũng có thể phải đối mặt với áp lực cử binh sĩ tới Ukraine dưới danh nghĩa lực lượng răn đe hoặc gìn giữ hòa bình – một khả năng mà Thủ tướng Scholz từng gọi là “hoàn toàn quá sớm để bàn đến”.
THẢO VY