3,9 triệu ha đất trồng lúa bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm, lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài. Ảnh minh họa: Bảo Hà
Theo thống kê, 114.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa nặng, 1,655 triệu ha thoái hóa trung bình và hơn 3,3 triệu ha bị thoái hóa nhẹ. 3,9 triệu ha đất trồng lúa bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm, lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài, dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp. Nguy cơ sa mạc hóa đang diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại ba khu vực là: Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện tượng này cũng là căn nguyên của sự biến mất các thảm thực vật dẫn đến ngập, lũ, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của sông, hồ.
Bên cạnh đó, đất nông nghiệp chung quanh khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, làng nghề có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng của chất thải. Hầu hết các điểm quan trắc cho thấy có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng với mức độ khác nhau giữa các khu vực. Không những vậy, các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, hàm lượng hữu cơ trong đất cũng đang có dấu hiệu suy giảm.
Theo các nhà khoa học, việc quản lý, nâng cao chất lượng đất đang là vấn đề cấp thiết để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hệ thống văn bản quản lý nhà nước về chất lượng đất và dinh dưỡng cây trồng đã có nhưng còn thiếu nhiều chính sách, hướng dẫn cụ thể; cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng đất trồng trọt ở địa phương chưa rõ ràng, chồng chéo trong phân giao nhiệm vụ. Thậm chí, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc quản lý và nâng cao chất lượng đất; chưa có các chính sách để khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
Đáng lo ngại là người nông dân vẫn lạm dụng phân bón hóa học, việc sử dụng phân hữu cơ, vi sinh rất hạn chế và chưa được người dân quan tâm sử dụng rộng rãi để cải thiện dinh dưỡng đất trồng. Nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực, mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường còn rất hạn chế.
Trước tình chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, Cục Trồng trọt cam kết sẽ khẩn trương đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm chất lượng đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Cùng với đó, cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đất, bao gồm: Chất lượng đất, khí hậu thời tiết, nước tưới, tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu sinh thái của các loại cây trồng... tạo cơ sở cho việc sử dụng hợp lý, cải tạo, bồi dưỡng chất lượng đất; cải thiện chất lượng đất trồng trọt theo hướng phục hồi đất thoái hóa; áp dụng các mô hình trồng trọt thân thiện với môi trường...
Theo đó, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” ra đời được kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoàng Lâm