Cải thiện chất lượng dạy học chính khóa

Cải thiện chất lượng dạy học chính khóa
7 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh tham gia sáng tạo, trải nghiệm
Nhiều tâm tư
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, đáng chú ý là không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Sau khi thông tư ban hành, nhiều giáo viên tiểu học có tổ chức dạy thêm đã chấp hành quy định, cho học sinh nghỉ học. Chị Hương, phụ huynh học sinh, cho hay: “Con tôi đang học lớp 5. Không có thời gian lẫn phương pháp kèm cho con học nên lâu nay tôi vẫn cho cháu học thêm để củng cố kiến thức. Bây giờ, cô giáo cho lớp nghỉ nên tôi khá lo lắng”.
Theo cô giáo Q.A, một giáo viên ở quận Thuận Hóa, thông tư của Bộ GD&ĐT quy định như vậy để hạn chế mặt tiêu cực của việc tổ chức dạy thêm, học thêm, nhất là trường hợp giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, nếu là nhu cầu chính đáng xuất phát từ mong muốn của phụ huynh thì cả hai bên có thể thảo luận, sắp xếp để đáp ứng được nguyện vọng đó. Nhiều phụ huynh do bận rộn công việc, không đảm bảo được việc theo sát quá trình học của con cũng cần sự hỗ trợ hợp lý từ thầy cô giáo. Một bộ phận phụ huynh vẫn mong muốn giáo viên tổ chức dạy thêm, đặc biệt là ở các môn toán, tiếng Việt hoặc ngoại ngữ. Điều này đặt giáo viên vào thế khó.
Ở bậc tiểu học, trẻ cần nhiều thời gian để vui chơi, vận động, phát triển kỹ năng xã hội và tư duy sáng tạo. Việc học thêm quá sớm có thể gây áp lực tâm lý và làm trẻ mất đi niềm vui trong học tập. Bên cạnh đó, một số giáo viên có thể lạm dụng việc dạy thêm để tăng thu nhập, thậm chí gây áp lực khiến phụ huynh phải cho con tham gia. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các học sinh.
Không phải học sinh nào cũng có cùng trình độ hoặc khả năng tiếp thu giống nhau. Một số em cần học thêm để củng cố kiến thức hoặc cải thiện những môn học chậm. Cán bộ quản lý một trường tiểu học cho rằng: “Tôi nghĩ, việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học không nên được áp dụng một cách quá cứng nhắc. Thay vào đó, cần quy định chặt chẽ: Chỉ cho phép học thêm với các trường hợp thực sự cần thiết, như học sinh có nhu cầu đặc biệt hoặc cần bồi dưỡng năng khiếu, không dạy đại trà”.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành quy định cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học tác động lớn đến tâm tư của giáo viên. Một số giáo viên băn khoăn khi thu nhập giảm sút. Nhiều giáo viên khác dạy thêm không chỉ vì thu nhập mà còn là cách để hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi. Khi bị cấm, giáo viên khó có điều kiện để giúp đỡ những học sinh cần sự hướng dẫn ngoài giờ.
Cô giáo T.N. đề xuất: “Bộ GD&ĐT cần xây dựng các chương trình phụ đạo miễn phí hoặc các lớp học bổ sung trong trường, có sự hỗ trợ kinh phí để giáo viên có thể tham gia mà không lo ngại về mặt thu nhập. Về mặt quản lý, tôi cho rằng đây là cách để giáo viên có động lực trong việc dạy phụ đạo hoặc bồi dưỡng”.
Vai trò của nhà trường
Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, vai trò quản lý của nhà trường trong việc giám sát dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học rất quan trọng. Nhà trường cần tuân thủ và triển khai đúng các quy định về việc quản lý dạy thêm, học thêm; kiểm tra, xử lý các trường hợp dạy thêm trái phép hoặc gây áp lực cho phụ huynh và học sinh.
Nhiều giáo viên ủng hộ quy định cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học. Họ tin rằng, việc cấm dạy thêm giúp giảm áp lực cho học sinh và buộc hệ thống giáo dục phải tập trung cải thiện chất lượng dạy học trong các buổi chính khóa. Giáo viên có thêm thời gian chuẩn bị bài giảng tốt hơn, thay vì dàn trải công việc, tạo môi trường giáo dục công bằng, tránh tình trạng phân biệt giữa học sinh đi học thêm và không học thêm.
Các trường cần đảm bảo giờ học chính khóa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiến thức cơ bản mà không cần phụ thuộc vào học thêm. Điều này đòi hỏi giáo viên áp dụng phương pháp giảng dạy sáng tạo, thú vị; đảm bảo các bài tập và nội dung dạy phù hợp với trình độ của từng học sinh. Đối với học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu, nhà trường có thể tổ chức các lớp học phụ đạo miễn phí hoặc chương trình học bổ trợ trong giờ học chính thức để giúp các em cải thiện. Bên cạnh đó, nhà trường cần khuyến khích các hoạt động phát triển kỹ năng mềm, thể chất, nghệ thuật, thay vì chỉ tập trung vào các môn học lý thuyết. Điều này giúp giảm áp lực học tập và tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.
Trước lo lắng con không đủ kiến thức nếu không học thêm của các phụ huynh, cô giáo Phan Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung (quận Thuận Hóa) chia sẻ, nếu con đã nắm vững kiến thức cơ bản và có tư duy tốt, việc học thêm để làm bài tập nâng cao có thể không cần thiết. Thay vì phụ thuộc vào việc học thêm, phụ huynh có thể hỗ trợ con bằng cách giúp trẻ hình thành thói quen tự học, tìm kiếm tài liệu bổ trợ phù hợp với trình độ của con, kết hợp giữa học và chơi để trẻ cảm thấy thoải mái trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu con gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên để tìm giải pháp phù hợp, dành thời gian học cùng con tại nhà…
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/giao-duc/cai-thien-chat-luong-day-hoc-chinh-khoa-150172.html