“Mắc cạn” vì bài toán chất lượng giống
Cá rô phi hiện được nuôi ở khoảng 80 quốc gia. Đây là một trong những loài cá thịt trắng thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Xu hướng tiêu thụ thương mại của loài cá này đang tăng trưởng, khi ngày càng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong gần 15 năm qua (từ năm 2010 đến nay), sức tiêu thụ cá rô phi toàn cầu đã tăng trưởng trung bình 5,4% mỗi năm. Năm 2024, sản lượng cá rô phi toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia sản xuất cá rô phi lớn nhất, tiếp theo là Indonesia và Ai Cập.
Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống cá rô phi nội địa, giống chất lượng cao.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và tổ chức sản xuất cá rô phi, nhờ đó, diện tích nuôi, năng suất và sản lượng đã tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, diện tích nuôi cá rô phi từ 19.219ha năm 2012 đã tăng lên khoảng 42.000ha vào năm 2024, với sản lượng đạt 316.000 tấn. Giá trị xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 30,9 triệu USD, sang nhiều thị trường quốc tế. Trong quý I.2025, tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ chiếm 46% và thị trường Nga chiếm 13%.
Nói về tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng này, Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận định: cá rô phi Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc đang chịu áp lực.
Theo ông Nam, nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 245% đối với mặt hàng thủy sản Trung Quốc, cá rô phi của Trung Quốc sẽ được tiêu thụ nội địa hoặc chuyển hướng sang các thị trường khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang siết chặt quy định đối với ngành nuôi cá rô phi. Chính quyền Quảng Đông đã công bố, từ ngày 15.2.2025, các nhà máy chế biến sẽ bị cấm thu mua cá rô phi từ các trang trại không có chứng nhận xuất khẩu, sau khi tỉnh Hải Nam ban hành quy định tương tự từ ngày 16.1. Điều này tạo cơ hội lớn cho Việt Nam và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo VASEP, sản lượng và giá trị xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam hiện vẫn còn khá "khiêm tốn". Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng giống chưa bảo đảm tiêu chuẩn, dẫn đến tỷ lệ sống thấp và tăng trưởng chậm. Con giống vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu; nếu việc nhập khẩu bị gián đoạn, ngành nuôi sẽ rơi vào thế bị động. Hiện có đến 70% đàn cá bố mẹ có dấu hiệu thoái hóa, sinh trưởng chậm và thiếu nguồn cung giống chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu quy hoạch trong nuôi cá rô phi, cùng với sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh, đặc biệt là trong mô hình nuôi lồng bè, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Ngành thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng còn đang đối mặt với lãi suất vay vốn cao và khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
VASEP cho rằng ngành sản xuất giống hiện chưa nhận được đủ đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức liên quan, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và sản lượng giống nội địa.
Cần đầu tư nghiên cứu và phát triển giống cá nội địa
Trong Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cá rô phi là một trong những đối tượng nuôi tiềm năng được khuyến khích phát triển. Ngành thủy sản mong muốn không chỉ phát triển nuôi cá rô phi trong ao mà còn khai thác tiềm năng tại các vùng hồ chứa. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nâng sản lượng cá rô phi lên 400.000 tấn, hướng tới trở thành loài cá nước ngọt xuất khẩu đứng thứ hai sau cá tra, qua đó giảm sự phụ thuộc vào mặt hàng này.
Để đạt được mục tiêu trên, VASEP nhấn mạnh cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống cá nội địa. Cụ thể, cần đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra các giống cá rô phi có chất lượng cao, năng suất và khả năng chống chịu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện nuôi tại Việt Nam, qua đó giảm phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.
Chính phủ và các tổ chức cần hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống và hộ nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, cần khuyến khích áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến như mô hình Biofloc để tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm và dịch bệnh. Xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng nuôi hợp lý, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và môi trường; tăng cường kiểm soát chất lượng và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới và duy trì các thị trường hiện có cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.
Để nâng tầm cá rô phi trở thành sản phẩm chủ lực sau tôm và cá tra, TS. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm toàn cầu về nghiên cứu phát triển thủy sản của De Heus, đề xuất cần quan tâm phát triển các tập đoàn giống mạnh, tăng cường chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển các kênh phân phối hiệu quả tới các thị trường chiến lược. Đồng thời, phải liên tục cải tiến công nghệ sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh. Trong bối cảnh chính sách thuế quan biến động như hiện nay, Việt Nam cũng cần tích cực đàm phán để tiếp cận và phát triển các thị trường mới.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung tăng sản lượng và mở rộng diện tích nuôi, bảo đảm chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường, đặc biệt là Mỹ và EU. Xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh marketing quốc tế giúp nâng cao nhận diện và giá trị sản phẩm. Tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam - EU, FTA ASEAN - Trung Quốc, nhằm giảm thuế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu cá rô phi. Xây dựng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhận hỗ trợ thông qua các chính sách về tín dụng, thuế và đào tạo nghề cho người nuôi trồng thủy sản...
Lam Ngọc