Cải thiện, nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh

Cải thiện, nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh
9 giờ trướcBài gốc
Với nhiều nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thực hành sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, chỉ số xanh (PGI) năm 2024 ghi nhận sự tăng điểm và tăng thứ hạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các địa phương trên cả nước cùng chuyển động, thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, gắn phát triển kinh tế với BVMT, hướng tới sự phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng chỉ số PGI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trạm thu gom, xử lý nước thải Khu công nghiệp Bá Thiện II ( Bình Xuyên) được đầu tư có công suất 10.000m3/ngày, đêm, đảm bảo toàn bộ nước thải trước khi đưa ra môi trường đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Thế Hùng
Sau 3 năm triển khai chương trình, chỉ số xanh (PGI) - được xem như là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách ở cả Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tính bền vững của doanh nghiệp.
Sau kết quả công bố PGI năm 2023 của tỉnh bị giảm 17 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PGI đến năm 2025.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân trong công tác BVMT nói chung và mua sắm xanh nói riêng, nhất là nhận thức và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Khuyến khích các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nhà; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải sinh hoạt và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị...
Đặc biệt, năm 2024, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình hành động, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp, hiệu quả như hội nghị "Phát triển bền vững KCN tỉnh Vĩnh Phúc", diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện các KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”, tọa đàm “Chuyển đổi xanh - Kế hoạch hành động vì tương lai bền vững của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về chỉ số xanh cấp tỉnh”...
Nhờ đó, theo kết quả công bố bảng xếp hạng PGI năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vĩnh Phúc đạt 25,94 điểm, tăng 3,65 điểm, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2023, xếp vào nhóm có điểm số trung bình cao.
Công ty cổ phần Vina - CPK chú trọng đầu tư hạ tầng, cảnh quan môi trường Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) tạo sức hút đầu tư với các doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Cụ thể, Chỉ số thành phần 1 - Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp) của tỉnh đạt 7,69 điểm, tăng 0,23 điểm so với năm 2023, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố.
Chỉ số thành phần 2 - Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu của tỉnh đạt 6,75 điểm, tăng 0,68 điểm so với năm 2023, nằm trong tốp các tỉnh có mức trung bình. Chỉ số thành phần 3 - Thúc đẩy thực hành xanh của tỉnh đạt 5,48 điểm, tăng 2,2 điểm so với 2023, đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng.
Chỉ số thành phần 4 - Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT của tỉnh đạt 6,02 điểm, tăng 0,54 điểm so với năm 2023, nằm trong tốp các tỉnh có mức trung bình. Nhờ đó, thu hút đầu tư của tỉnh gần đây ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt.
Năm 2024, thu hút đầu tư vốn FDI của tỉnh đạt 637 triệu USD (tăng hơn 50% so với kế hoạch đề ra), thu hút vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã thu hút 16 dự án DDI (bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1.841 tỷ đồng, tăng 33,33% số dự án so với cùng kỳ năm 2024 và thu hút 27 dự án FDI (bao gồm cả dự án cấp mới và điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 163,17 triệu USD.
Tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PGI của tỉnh trong năm 2025 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ của địa phương trong BVMT, thực hành xanh.
Rà soát thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án "Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm xen kẽ trong khu dân cư, tại các làng nghề và cụm công nghiệp trên địa bàn.
Phối hợp rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác đối với các vị trí đã được phê duyệt xây dựng nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn và đề xuất triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương theo quy định...
Lưu Nhung
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128139//cai-thien-nang-cao-chi-so-xanh-cap-tinh