Cải thiện nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cải thiện nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
4 giờ trướcBài gốc
Nguồn vốn là "trái tim" của doanh nghiệp.
Vui, buồn chuyện đi vay vốn
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên được cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng thực tế thời gian qua có rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được lãi suất cho vay ưu đãi này.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến sữa Vĩnh Thịnh, cho biết, là một trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm nay để có nguồn vốn quay vòng sản xuất kinh doanh, công ty phải thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng thương mại, với lãi suất cho vay dao động 9%/năm - tùy từng thời điểm, thậm chí có lúc lên đến 10 đến 11%/năm khi lãi suất thả nổi.
Trong khi đó, thời gian cho vay lại rất ngắn, chỉ khoảng một năm, khiến doanh nghiệp không thể yên tâm trong quá trình đầu tư vì vừa sản xuất lại vừa lo trả nợ ngân hàng.
"Một số chính sách ưu đãi cho vay tín dụng lãi suất thấp của Nhà nước cũng được các doanh nghiệp biết đến và đánh giá cao, tuy nhiên khi “gõ cửa” ngân hàng thì doanh nghiệp lại đối mặt với các điều kiện ngặt nghèo, khiến doanh nghiệp không thể vay được. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện cho vay theo hình thức tín chấp với lãi suất ưu đãi", Giám đốc Nguyễn Tiến Lộc cho biết thêm.
Công ty cổ phần Thủy sản Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, từ nhiều năm nay công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm 3 giai đoạn và thâm canh tăng vụ, nhờ đó đã cách ly được tôm với môi trường dịch bệnh và mang lại giá trị cao hằng năm. Tuy nhiên, công ty cũng đang gặp bài toán khó về tiếp cận nguồn vốn.
“Tài sản của chúng tôi chưa được Nhà nước công nhận là tài sản gắn liền với đất, doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh nhất là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản như chúng tôi thì phải đầu tư hạ tầng theo công nghệ cao, vốn đầu tư rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng toàn bộ vốn đó là vốn tự có của doanh nghiệp, được thế chấp bằng tài sản là bất động sản của các cá nhân trong công ty thì mới vay được vốn ngân hàng”, Giám đốc Ngô Hùng Dũng chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Xúc tiến Xuất khẩu VIETGO, cho rằng, bên cạnh các vấn đề khó khăn khi tiếp cận vốn vay, còn có một số yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là kiến thức kinh doanh, khả năng nhanh nhạy nắm bắt thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và cơ chế của Nhà nước dành cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn hiện nay, nhà nước cần khuyến khích học hỏi, phát triển kiến thức thương mại, kiến thức kinh doanh bởi đây cũng là một trong những nhược điểm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, đánh giá một cách tổng thể, những năm qua đội ngũ các doanh nhân nói riêng và doanh nghiệp nói chung đã có sự lớn mạnh về chất và lượng. Tuy nhiên, sự lớn mạnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển thì chưa cao.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ chúng ta không thiếu, khá đầy đủ, có cả chính sách về lâu dài, chính sách về điều kiện thực tế yêu cầu thì chính phủ đáp ứng rất đầy đủ. Thậm chí có chính sách được cập nhật, thay đổi trong từng thời điểm khác nhau, nhưng vấn đề ở đây là việc thực thi của các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan đối với doanh nghiệp như thế nào?
“Rõ ràng là các chính sách hỗ trợ đã rất kịp thời nhưng ở đâu đó việc hiện thực hóa chính sách đạt được tỷ lệ khá thấp. Cần nghiên cứu để giải tỏa nút thắt này và nếu giải tỏa được thì sức phát triển của doanh nghiệp sẽ rất tốt”, ông Thân nhấn mạnh.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam,rất dễ bị “tổn thương” bởi các cú sốc đến từ thị trường như giá cả, đầu ra sản phẩm, nguồn nguyên vật liệu đầu vào.
Đặc biệt, có thể thấy rất rõ qua đợt dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị phá sản. Thời điểm đó, Chính phủ đã ban hành các gói cứu trợ về tài chính, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, tuy nhiên các doanh nghiệp đều không hấp thụ được chính sách vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến thủ tục, điều kiện được thụ hưởng, dẫn đến việc giải ngân các gói hỗ trợ rất thấp, không hiệu quả.
Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng chủ yếu thông qua 3 nguồn chính: Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, có những địa phương sau khi thành lập quỹ một thời gian lại giải thể do không duy trì được hoạt động. Vì vậy số lượng quỹ có xu hướng giảm đi, hầu như không phát huy được vai trò sứ mệnh của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị: “Chính phủ cần đánh giá lại các chính sách trong thời gian qua chúng ta đã hỗ trợ, thí dụ như Nghị quyết của Quốc hội và chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy, thì các doanh nghiệp thực sự đã được thụ hưởng được chính sách nào. Có bất cập, có vướng rào cản về mặt thể chế trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng không?".
Tín dụng doanh nghiệp - đừng để chính sách giống “quả thị”
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng trên 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hầu hết là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp. Tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược ...
Nhằm tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân ban hành ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ: Rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án thị trường mở rộng đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả bất động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.
Hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa, minh bạch hóa, số hóa điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn.
Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần đúng và trúng thời điểm.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân rất toàn diện và đầy đủ, những nhiệm vụ giải pháp được đề ra tại Nghị quyết là sự đổi mới rất lớn về cơ chế dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - “mở toang cánh cửa tín dụng” vốn bị “chiếc áo mang tên cơ chế” bó hẹp bấy lâu nay.
Tuy nhiên, để Nghị quyết nhanh chóng đi vào đi vào cuộc sống, Chính phủ cần có những chương trình hành động hết sức chi tiết và cụ thể, trong đó phải có các Đề án chương trình hành động cụ thể hơn nữa. Giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành cần phải làm đề án nào, phải ra nghị định gì và phải tham mưu cho Chính phủ xây dựng những Luật nào để trình Quốc hội. Coi đó là những chỉ tiêu KPI phải hoàn thành nhiệm vụ cho các bộ trưởng đứng đầu bộ, ngành và có quy định thời hạn để bảo đảm lộ trình thực hiện tốt hơn.
Ông Hòe cũng nhấn mạnh, việc thực hiện được hay không vẫn phải phụ thuộc vào những cán bộ tham mưu làm chính sách, đây là vấn đề rất quan trọng. Tư duy làm chính sách cần phải được đổi mới một cách triệt để nhất, hay nói cách khác là phải đổi mới tư duy làm chính sách và tham mưu cho các bộ, ngành, bởi vì nếu vẫn làm theo nếp cũ, rồi đưa ra rất nhiều các biện minh để duy trì cơ chế xin-cho thì rất khó làm được.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Hiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn DKNEC cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới, vươn lên, không thể trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể phát triển mạnh thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần trúng và đúng thời điểm. Việc đúng thời điểm rất quan trọng.
Nguồn vốn là mạch máu nuôi sống doanh nghiệp, sự khó tiếp cận về nguồn vốn là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa bị lạc hậu trên con đường hội nhập và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước và tất nhiên cũng khó có thể đạt được mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp trong năm nay và 2 triệu doanh nghiệp trong tương lai.
Ngay lúc này, chính là thời điểm để Chính phủ cũng như các ngân hàng hỗ trợ một cách tốt nhất về cơ chế tín dụng, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá. Tuy nhiên, chính sách ban hành phải được thực thi hiệu quả và đi vào thực tiễn, giúp ích cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đừng để chính sách giống như quả thị - rất thơm, hấp dẫn nhưng chỉ để bày và ngắm nhìn.
PHƯỢNG NGỌC
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/cai-thien-nguon-von-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-post880847.html