Phát huy hiệu quả mô hình, đề án
Theo PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác dân số và phát triển trên địa bàn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; tuổi thọ bình quân của người dân đạt 72,9 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi giảm xuống còn 8,0% đạt so với chỉ tiêu đề ra.
Nhiều chỉ tiêu cũng đạt kế hoạch đề ra, như tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,08%; số con trung bình trên 1 phụ nữ giảm từ 2,34 con năm 2019 xuống còn 2,22 con năm 2023; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 88,1%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 69,9%. Tuổi thọ trung bình của người dân tiếp tục tăng, đạt 73,4 tuổi. Những kết quả này giúp phát hiện sớm các nguy cơ dị tật bẩm sinh, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu hậu quả về lâu dài.
Cán bộ dân số kiểm tra tình trạng tảo hôn ở huyện A Lưới. Ảnh: Thùy Nhung
Ngoài ra, sức khỏe vị thành niên và thanh niên được chú trọng, thông qua việc tổ chức 172 câu lạc bộ tiền hôn nhân với hơn 8.909 lượt người tham gia. Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, tầm soát trước khi kết hôn đạt 73,6%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 87,8%; tỷ lệ tảo hôn tại Nam Đông, A Lưới giảm còn 2,19% và không có hôn nhân cận huyết thống xảy ra.
Nguồn lực đầu tư cơ bản được bảo đảm; các mô hình, đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số được tích cực thực hiện, phát huy hiệu quả. Đơn cử như mô hình "Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên". Năm 2024, toàn tỉnh có 2 cụm dân cư đạt 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên là thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy và thôn Phú Nam, xã Hương Phú, huyện Nam Đông...
Đội ngũ dân số viên các xã, phường, thị trấn có sự gia tăng về chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu công tác; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số được quan tâm, triển khai thường xuyên. Hàng năm, Sở Y tế, Chi cục Dân số phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở.
Các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình được tổ chức thường xuyên tại các cơ sở y tế, đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Hoạt động này được Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã và các đơn vị liên quan như Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, Bệnh viện đa khoa Bình Điền, Khoa Sản - Bệnh viện Trung ương Huế, Khoa Sản - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế triển khai, đáp ứng đầy đủ dịch vụ cho khách hàng.
Thống nhất trong nhận thức và hành động
Năm 2024, tỉnh đã thực hiện nhiều sáng kiến truyền thông để tiếp cận người dân một cách hiệu quả; hơn 400.000 tin nhắn tuyên truyền đã được gửi qua hệ thống công nghệ thông tin; 15 buổi phát thanh trực tiếp và gần 2.000 sự kiện truyền thông được tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác truyền thông không chỉ là nhiệm vụ mà còn là công cụ quan trọng để thay đổi hành vi, giúp người dân ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng gia đình và xã hội.
Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 87,8%. Ảnh: Thùy Nhung
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác dân số và phát triển vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nội dung chất lượng dân số, như khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe và tư vấn trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…; chưa quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo cũng như chưa quan tâm, đầu tư kinh phí cho các hoạt động dân số triển khai tại địa phương.
Mặc khác, xuất hiện vấn đề mới nảy sinh như già hóa dân số, gia tăng trở lại tỷ số giới tính khi sinh, mang thai sớm và sinh con ở tuổi vị thành niên, vẫn còn tồn tại. Việc duy trì, xây dựng và thực hiện "Mô hình Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên" chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, tảo hôn không những ở miền núi mà còn cả ở vùng đồng bằng…
Trước thềm năm 2025 - năm đặc biệt khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh xác định nhiều mục tiêu chiến lược như ổn định quy mô dân số và giảm sinh con thứ ba trở lên, phấn đấu giữ tỷ lệ sinh ở mức hợp lý, tiếp tục giảm tỷ lệ sinh con thứ ba xuống dưới 13%.
Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng dân số; tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh lên lần lượt trên 90% và 70%; bảo đảm trên 95% thanh thiếu niên được phổ cập kiến thức về sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đạt tỷ lệ trên 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Mặt khác, mở rộng truyền thông cộng đồng, trên cơ sở tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, tổ chức các diễn đàn và các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dân số và phát triển.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, các đơn vị liên quan trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số; tạo nên sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số.
Đặc biệt, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, vận động về công tác dân số, chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính sách dân số và phát triển; tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số...
Thanh Điểu