'Cái tôi chiêm nghiệm' về thơ của Thiền sư Ryōkan Taigu

'Cái tôi chiêm nghiệm' về thơ của Thiền sư Ryōkan Taigu
6 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Ny (Thích nữ Hải Tuệ)
1. Mở đầu
Trong tiến trình phát triển của văn học phương Đông, thơ Thiền là một dòng chảy đặc sắc, mang nét khác biệt, vừa thấm đẫm chiều sâu tư tưởng, vừa giàu tính thẩm mỹ, lắng đọng tinh thần nhân sinh. Khác với các thể loại thơ ca thông thường, thơ Thiền không nhằm mục đích ca tụng hay mô tả thế giới bên ngoài, mà đi sâu vào biểu đạt trải nghiệm nội tâm, quá trình giác ngộ và chiêm nghiệm về bản thể tồn tại.
Thơ Thiền vì thế không chỉ là hình thức nghệ thuật, mà còn là một “đạo lộ” – con đường chuyển hóa tâm thức và hướng đến tự do nội tại.
Trong không gian ấy, thơ của Ryōkan Taigu – một nhà sư “Đại ngu”, một ẩn sĩ, một thi nhân – là một hiện tượng độc đáo và đầy dư ba.
2. Nội dung
2.1 Khái quát về Ryōkan Taigu và thơ ca của ông
Tiểu sử và hành trạng
Ryōkan Taigu 良寛大愚 - Lương Khoan Đại Ngu, tên thật là Yamamoto Eizo 山本栄蔵, sinh năm 1758 tại làng Izumozaki, tỉnh Echigo (nay thuộc tỉnh Niigata, Nhật Bản), trong một gia đình thuộc tầng lớp samurai trung lưu. Cha ông là một trưởng làng, có học thức và địa vị. Ngay từ nhỏ, Ryōkan đã được tiếp cận với văn hóa, chữ nghĩa, đặc biệt yêu thích văn học Trung Hoa và Nhật Bản cổ điển.
Ryōkan từ chối định hướng theo con đường làm quan như cha mình. Năm 18 tuổi, ông từ bỏ gia đình và thế tục để xuất gia tại chùa Kosho-ji, dưới sự dẫn dắt của thiền sư Kokusen thuộc dòng Thiền Tào Động (Sōtō Zen). Tại đây, ông được đặt pháp danh là Ryōkan Taigu, nghĩa là “Lương Khoan”. Chữ “Ryo” có nghĩa là “tốt lành, thiện” và “kan” nghĩa là “quảng đại” trong nghĩa rộng lượng và đại bi. Còn chữ “Taigu” nghĩa là “Đại Ngu,” chỉ vào tính thơ ngây trẻ dại và thiếu vắng cái giả hình – những đức tính mà người thầy Kokusen đã nhận thấy nơi ông.
Ông tu thiền ở các tự viện suốt 16 năm, bên cạnh đó còn “nghiên cứu thơ ca dân tộc và Trung Quốc, luyện thư pháp, môn nào cũng giỏi” [1, tr. 286]. Ryōkan tu hành chuyên cần, nghiêm cẩn và từng trở thành trụ trì một thời gian, nhưng rồi từ bỏ tất cả để sống đời du phương – ẩn cư vào tuổi bốn mươi. Ông chọn một nơi vắng lặng trên dốc núi Kugami để lập am, gọi là Gogo-an (Ngũ cáp am). Vào năm bảy mươi tuổi, ông đã nhận một môn đồ là một nữ tu sĩ trẻ tên là Teishin và cũng là người bạn đồng hành, tri âm cuối đời của ông.
Cô là người sau này đã biên soạn và lưu giữ nhiều bài thơ, thư từ của ông. Mối quan hệ thuần khiết giữa Ryōkan và Teishin thường được nhìn nhận như một biểu tượng đẹp về tình cảm vượt khỏi ranh giới ái tình – một sự đồng điệu tâm hồn hiếm có, một sự gặp gỡ tâm hồn không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội. Ryōkan qua đời năm 1831, thọ 73 tuổi, tại một am nhỏ ở Tamashima.
Ông không để lại giáo lý hay một hệ thống tư tưởng rõ ràng nào, nhưng thơ và cuộc đời ông đã để lại một di sản tinh thần phong phú, chạm đến nhiều thế hệ đọc giả, thi sĩ, triết gia, hành giả - không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới.
Đặc điểm thơ ca
Ryōkan chọn mang tinh thần Thiền vào từng hơi thở đời thường. Cuộc sống của ông xoay quanh những hoạt động bình dị: khất thực, quét sân, làm dép cỏ, chơi với trẻ con, ngắm hoa đào rơi, nghe mưa mùa thu,…Chính trong lối sống ấy, thơ Ryōkan ra đời – không phải để trở thành tác phẩm văn chương mà là sự thể hiện trực tiếp trạng thái tâm linh tĩnh tại và cái nhìn chiêm nghiệm sâu sắc.
Thơ Ryōkan chịu ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật của thơ Waka, Haiku, thơ Đường, cũng như tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử và Thiền Phật giáo. Nhưng thơ ông tự do, phóng túng hơn, nhiều bài không theo bất kỳ thể luật cố định nào. Ngôn ngữ giản dị, thậm chí có phần “ngây thơ”, nhưng thơ Ryōkan luôn mang một chiều sâu nội tâm đáng kinh ngạc.
Không cầu kỳ, dài dòng trong cách diễn đạt, không rườm rà trong cách sử dụng hình ảnh, không sa vào lối viết ước lệ hay ngôn từ triết lý cao siêu nhưng thơ ông đầy cảm xúc, sự minh triết và tính nhân văn. Trong suốt cuộc đời mình, Ryōkan đã sáng tác rất nhiều bài thơ.
Trong đó, có khoảng 400 bài thơ chữ Hán và một ngàn bài thơ chữ Nhật, đa số là Tanka (đoản ca) và một số ít là Haiku (hài cú). Sau bốn năm, khi Ryōkan qua đời, Teishin đã cho ấn hành tập thơ của ông mang tên Giọt sương trên lá sen (Hasu no tsuyu), gồm thơ do Ryōkan sáng tác và thơ trao đổi giữa ông và Teishin. Sau khi Ryōkan mất, Teishin đi khắp nơi, góp nhặt và sưu tập thơ ông để lưu lại sau này.
Ryōkan không làm thơ để thể hiện tài năng, mà để ghi lại những rung động của tâm hồn trong từng khoảnh khắc sống. Ở đó, “tự ngã của con người thay vì bị khuất phục, được lắng nghe, thấu hiểu và siêu việt qua hình thức thi vị của thi ca nghệ thuật” [4, tr. 54]. Đó là một loại “thơ-thiền-sống” – thơ không nằm trong giấy, mà là kết tinh của trải nghiệm sống sâu lắng. Có thể nói, tinh thần thiền tông trong thơ của Ryōkan chỉ sau Basho. Thơ ông đậm chất Thiền tính với tinh thần vô ngã và vô chấp. Thơ Ryōkan mang nhiều đặc trưng độc đáo, biểu đạt một cái tôi chiêm nghiệm sâu xa, vừa nhẹ nhàng, vừa thanh thoát nhưng đôi khi cũng bi cảm, xót xa trước vô thường, trước nỗi khổ đau của nhân loại.
Bên cạnh đó, là một người sống gẫn gũi với thiên nhiên, nên thiên nhiên trong thơ chính là nơi ông thể hiện sự giao cảm sâu sắc với vạn vật và tìm thấy được sự tĩnh lặng nội tâm.
Các hình ảnh trăng, tuyết, lá rụng, đôi dép cỏ, am tranh... được ông khai thác như những biểu tượng về một cuộc sống tự tại, đặt niềm vui trong những khoảnh khắc hiện tại.
Một điểm đặc sắc khác là tính hồn nhiên, trẻ thơ trong cái tôi thơ Ryōkan. Tính trẻ thơ ở đây không phải là sự thiếu trưởng thành, mà là kết quả của một hành trình tu tập trở về với “sơ tâm“ – tâm hồn nguyên sơ, thuần khiết và vô nhiễm, một trạng thái tâm linh thuần khiết.
Thơ Ryōkan không chỉ đơn thuần là nghệ thuật, mà còn là một lối sống, một triết lý về sự tự do và hòa đồng cùng vũ trụ. Đó chính là nền tảng của cái tôi chiêm nghiệm trong thơ ông. Và cũng là thi vị của một đời sống thiền quán, nơi cái đẹp không nằm ở sự cầu kỳ, mà ở sự tỉnh thức từng khoảnh khắc. Ryōkan không cố làm thơ hay rao giảng triết lý, nhưng chính đời sống thanh bạch và hồn nhiên của ông đã khiến thơ trở thành chân lý sống. Thơ Ryōkan vì thế vượt khỏi biên giới thể loại, dung dị nhưng thấm đẫm triết lý, mộc mạc mà đầy chiều sâu nhân bản. Ông không chỉ là nhà thơ – mà là nhà tu hành bằng thi ca, người đã hóa giải khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống, giữa tôn giáo và nhân sinh.
2.2 Cái tôi chiệm nghiệm nhìn từ hình thái biểu hiện
Cái tôi cô độc-ẩn sĩ, hòa hợp với thiên nhiên
Ryōkan sau nhiều năm tu học ở các thiền viện, đã chọn cuộc sống ẩn cư trên núi Kugami - nơi thiên nhiên hoang sơ, cô tịch - như một cách để xa rời nhân thế, tiếp xúc sâu sắc hơn với cõi tâm linh, đồng thời giữ gìn sự thuần khiết trong tâm hồn.
Thơ của ông, vì vậy, là tiếng nói chân thực của một con người chọn lặng lẽ sống và lặng lẽ nghĩ, và chính trong sự lặng lẽ đó, cái tôi cô độc – ẩn sĩ đã được biểu hiện một cách sâu sắc và đa chiều.
Cái tôi cô độc trong thơ Ryōkan là cái tôi chấp nhận sự cô đơn như một phần tất yếu của sự thức tỉnh tâm linh, là cái tôi không kháng cự cô độc mà hòa tan vào nó, sống cùng nó và thấu hiểu chính mình qua nó.
Do đó, trong nhiều bài thơ, Ryokan tự họa chính mình như một người sống đơn độc trong am tranh, không có tài sản gì quý giá ngoài thiên nhiên, vũ trụ bao la. Thơ ông thường xuyên tái hiện hình ảnh ấy một cách thanh thản, nhẹ nhàng, không bám víu – một con người hòa nhập với thiên nhiên trong trạng thái lặng lẽ và tự tại:
"Am lá chênh vênh cạnh đỉnh đồi,
Nào ai thấu được cõi lòng tôi.
Lối vắng quanh co rêu cỏ ngập,
Cửa sài lủng lẳng một bầu vơi.
Bên suối tiếng tiều văng vẳng cất.
Trước rừng hơi khói nhẹ nhàng trôi.
Nằm yên trên gối xem ngày tới,
Một tiếng chim kêu động cả trời [3]."
Cái tôi cô độc trong thơ Ryōkan cũng là sự khước từ tất cả những ồn ào, những giá trị huyễn hoặc của thế gian. Khi nhìn thấy đời sống nhân sinh xoay vần trong danh – lợi – tình, ông chọn cho mình lối sống khác biệt, nhưng không tách biệt. Đó là một kiểu sống “cô độc nhưng không tuyệt giao”, một kiểu cô độc lựa chọn để sống sâu sắc hơn, yêu thương hơn.
Cuộc sống cô độc nhưng đẹp đẽ, giải thoát ấy thường được nhà thơ - thiền tăng Ryōkan thể hiện qua những dòng Waka hay Haiku ngắn gọn, cô đọng. Và có thể nói, không loại thơ nào phù hợp hơn thơ Haiku khi biểu hiện một cách gần gũi và chính xác những xúc cảm mãnh liệt của một vị thiền tăng đối với thế giới, với thiên nhiên như vậy. Bởi lẽ, như Hoàng Phong nhận xét thì “Thơ haiku không mang mục đích viết cho con người và vì con người, mà chỉ là một cách nói lên sự bén nhạy của con người trước thiên nhiên. Thơ haiku không phát sinh từ lý trí mà từ con tim của con người là như vậy” [6].
Sự cô độc của Ryōkan không tách khỏi nhân sinh mà là một cách sống tỉnh thức giữa nhân sinh, ông biết mình là ai, ở đâu, và cần gì. Hình ảnh Ryōkan như một ẩn sĩ cô độc vì thế không phải là hình ảnh khổ hạnh hay bi quan, mà là một biểu tượng cho sự tự do tâm linh. Ông không khước từ thế giới mà chọn cách sống bên ngoài thế giới, để thấy rõ hơn thế giới ấy. Sự cô độc trong thơ ông là sự trở về với chính mình, không bị lôi cuốn bởi phù phiếm bên ngoài, và từ đó mở ra cánh cửa của sự thấu hiểu bản thể sâu xa.
Cái tôi hồn nhiên trong niềm vui trẻ thơ
Cái tôi của Ryōkan, qua thơ và giai thoại, hiện lên không phải với dáng vẻ ngạo nghễ của một cá nhân muốn thể hiện bản thân, mà là cái tôi hồn nhiên, trong sáng, chan chứa niềm vui giản dị như trẻ thơ. Đó không chỉ là đặc điểm cá tính, mà còn là biểu hiện sâu xa của tinh thần Thiền và thái độ sống hòa điệu với tự nhiên, buông bỏ những ràng buộc của thế tục. Cái tôi hồn nhiên này không bị quy định bởi tuổi tác, danh phận hay sự phân biệt giữa “trí tuệ” và “khờ dại”.
Cái tôi ấy giải thiêng chính hình ảnh tu sĩ, mà không hề đánh mất phẩm chất của một hành giả chân thật. Ryōkan không ngần ngại khi biểu đạt cái tôi với những đặc tính ngây thơ, trong sáng. Hình ảnh chơi đá banh, đối trăng cùng trẻ nhỏ thường xuất hiện trong thơ ông. Cái tôi trẻ thơ ở đây là biểu hiện của một tâm hồn đã lọc hết bụi trần, trở về sự nguyên sơ và hồn nhiên.
"Này lũ trẻ kia ơi
Mau mau đi vào núi
Ngắm hoa đồng thảo thôi
Thời không sẽ tiếc nuối
Nếu mai này hoa rơi. [3]"
Lũ trẻ ở đây không chỉ là những đứa trẻ thường chơi đùa cùng ông mà đó cũng có thể là nhân thế ở ngoài kia - những người còn non nớt trong việc sống và cảm nhận được hạnh phút trong hiện tại. Họ ngây thơ chạy theo những dục vọng, vật chất, danh lợi giả tạo để rồi phải tiếc nuối khi “mai này hoa rơi” - khi cuộc sống đã kết thúc và hạnh phúc đã vượt ra khỏi tầm tay.
Ryōkan không chỉ hiểu trẻ thơ, ông còn là một phần trong thế giới ấy. Sự hòa nhập không gượng ép ấy là kết quả của một tâm hồn đã gạn lọc hết những dục vọng, danh lợi, chỉ giữ lại phần tinh khôi, nhẹ nhõm nhất của đời sống. Như Hoàng Phong đã nhận định: “Ryokan không phải là một nhà sư đần độn, nhưng cũng không tượng trưng cho trí thông minh của con người, ông không phải là một nhà sư biết làm thơ, cũng không phải là một lão già ngô nghê chỉ biết chơi bóng ném và ú tim. Ông là một chúng sinh đã đạt được giác ngộ” [5].
Ryōkan không tạo dựng mình như một “bậc thầy giác ngộ” mà đôi khi ngược lại – ông thể hiện sự dốt nát, vụng về và dại khờ, không phòng bị, không che đậy. Thơ ông vì thế nhẹ như mây, thoáng như gió, và cái tôi chiêm nghiệm không đến từ biện luận, mà đến từ trực giác sống động – thứ trực giác chỉ có thể có được khi người ta sống như một đứa trẻ: không suy tính ngày mai, không níu giữ hôm qua, chỉ sống hết lòng với khoảnh khắc hiện tại. Ông sống như không biết gì, như chưa từng sở hữu gì, và như thể tất cả đều mới mẻ. Trong thế giới thi ca của Ryōkan, đứa trẻ không chỉ là đối tượng, mà chính là hình hài của chân ngã – một cái tôi chiêm nghiệm không lời, nhưng vô cùng rạng rỡ.
Cái tôi trẻ thơ ấy là biểu hiện của sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc của bản ngã, danh lợi và thậm chí cả khuôn khổ tu viện hay giáo điều Phật giáo. Đó là một cái tôi không đối kháng với thế gian, mà sống hòa mình vào thế gian một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và trọn vẹn. Chính trong sự hồn nhiên ấy, ta tìm thấy một con đường thoát ra khỏi áp lực, trở lại với chính mình – giản dị, thanh thản và đầy yêu thương.
Cái tôi từ bi, vô ngã
Trong tình yêu của Ryōkan đối với trẻ thơ, hay tình yêu tự phát đối với một cây tùng đơn độc hay gốc măng xuyên sàng nhà đã phần nào thể hiện được một thái độ không mắc kẹt vào khái niệm, quy ước hay nói cách khác là thái độ vô chấp của ông - điều mà đa phần con người thường vướng phải. Như Suzuki T. Daisetsu đã nói: “Khi chúng ta thấy Ryōkan để cho hành động của ông được tình cảm của mình tự do hướng dẫn - một tình cảm mà những ô nhiễm có tính vị kỷ theo quy ước đời thường đã được thanh tẩy - thì ta sẽ cảm thấy mát mẻ như được đưa đến một thế giới khác” [2, tr. 414].
Ryōkan cho mình là một kẻ “đại ngu”. Thế nhưng “kẻ đại ngu” ấy lại có một tâm hồn nhạy cảm đối với con người và thiên nhiên. Tình thương ấy như là hiện thân của đức bồ-tát Quan Thế Âm và tinh thần khiêm hạ ấy cũng chính là tinh thần của ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát xuất hiện trong Pháp Hoa kinh. Câu chuyện Ryōkan tặng cả bộ y phục trên người cho kẻ trộm vì nhận thấy hắn không tìm được gì quý giá trong túp lều của ông đã phần nào thể hiện tình thương vô hạn ấy. Sau khi nhận lấy bộ y phục từ nhà sư, tên trộm vội vã bỏ đi, để lại cho Ryōkan với ánh trăng lặng lẽ chiếu sáng bên cửa sổ. Câu chuyện bi hài nổi tiếng ấy đã được thiền sư kể lại qua mấy câu haiku:
"Tên trộm bỏ đi rồi
Để lại vầng trăng sáng
Bên cửa sổ ta ngồi [3]."
Chất liệu từ bi trong thiền sư chính là nền tảng để ông không có sự phân biệt đối với người thương và kẻ ghét ông. Hay nói cách khác, chỉ khi đạt được trạng thái vô chấp thì mới có thể làm được như thế. Vị thiền sư Nhật Bản và vầng trăng gặp nhau trong hoàn cảnh lạ lùng – sau khi bị trộm. Tên trộm đã đi rồi, để lại vầng trăng sáng và sự tiếc nuối của thiền sư - thi sĩ, tiếc nuối vì tên trộm không thấy được vẻ đẹp của vầng trăng, cũng là tiếc nuối cho một kiếp nhân sinh luôn chạy theo dục vọng mà đánh mất những hạnh phúc trong khoảnh khắc hiện tại. Vẻ đẹp từ ánh trăng vũ trụ và từ tâm hồn an nhiên của thiền sư như hòa điệu vào nhau, vô phân biệt, sáng bừng lên trong đêm tĩnh mịch. Cái tôi từ bi, vô ngã, vô chấp ấy của Ryōkan còn được biểu hiện qua những giai thoại khác như nuôi rận trong người hay sẵn sàng chia hết phần cơm khất thực được của mình cho những kẻ nghèo đói,...
Cái tôi vô ngã của thi sĩ là cái tôi tan biến vào thế giới trẻ thơ – không còn biên giới giữa người lớn và trẻ con, giữa thiền sư và thường dân. Đó chính là biểu hiện của sự quên lãng bản ngã, giải thoát khỏi thời gian và khái niệm. Chính sự “trẻ thơ hóa” cái tôi này khiến ông trở nên vĩ đại trong hình ảnh giản dị của mình. Trở thành một làn gió mới thổi qua nền thơ ca và triết lý phương Đông. Cách thể hiện sự giác ngộ này dường như có nét tương đồng với Tuệ Trung Thượng Sĩ ở Việt Nam, đó là một biểu hiện rất tự nhiên, không gò bó và không bị ảnh hưởng bởi những hình thức hay giáo điều. Giáo hóa trong Phật giáo, đôi khi không cần phải phô trương, không cần lời lẽ cao siêu hay lý thuyết thâm sâu. Nó nằm trong từng nụ cười, từng hơi thở, từng bước chân rong chơi giữa miền trần cảnh. Cái tôi trẻ thơ, từ bi, vô ngã ở đây là biểu hiện của một trí tuệ sâu sắc đã vượt qua mọi khuôn mẫu tư duy thông thường. Cái tôi ấy không chỉ là một phong cách thơ ca, mà còn là một triết lý sống. Nó vượt qua giới hạn của văn chương, để trở thành một con đường sống, một mẫu hình nhân cách được nhiều thế hệ sau ngưỡng mộ và học hỏi.
Thiền sư Ryōkan Taigu. Ảnh: thuvienhoasen.org
2.3. Cái tôi chiêm nghiệm nhìn từ nghệ thuật thể hiện
Không gian và thời gian
Không gian và thời gian không chỉ là phông nền miêu tả trong thơ Ryōkan Taigu, mà còn là những yếu tố nghệ thuật đặc biệt góp phần kiến tạo cái tôi chiêm nghiệm – một cái tôi tĩnh tại, cô liêu và luôn soi mình vào sự vận động vô thường của vũ trụ. Không gian trong thơ Ryōkan phần lớn là không gian tự nhiên: am cỏ, đồi núi, suối, tuyết, trăng, sương, hoa đào… Tất cả đều mang tính tĩnh, không ồn ào hay phô trương, phù hợp với đời sống ẩn sĩ và thiền gia của ông. Đây là thứ không gian “đã lùi khỏi thế tục”, nơi mà sự cô tịch không gây sợ hãi, mà là môi trường lý tưởng cho sự tĩnh tâm và chiêm nghiệm. Không gian ở đây không được miêu tả tráng lệ hay thơ mộng, lãng mạn, mà là không gian của sự giản dị tuyệt đối – nơi mọi vẻ đẹp được gột sạch lớp phấn son của ngôn ngữ. Và trong sự giản dị ấy, cái tôi được phản chiếu một cách toàn vẹn, không qua thành kiến, khao khát hay sợ hãi.
Nếu không gian trong thơ Ryōkan là tĩnh tại, thì thời gian lại không ngừng vận động nhưng không hướng đến một kết thúc, mà để quay về chính khoảnh khắc hiện tại. Thơ ông hiếm khi kể lại một chuỗi sự kiện, mà thường chỉ “chụp lấy” một khoảnh khắc – giống như haiku – để từ đó mở ra cái nhìn bao trùm về sinh mệnh. Thời gian ấy không chỉ là thời gian vũ trụ đơn thuần, mà là thời gian của cảm giác và trực giác: khi hoa rụng, khi tuyết tan, khi lá đỏ… Đây là thời gian không biểu thị quá khứ cũng chẳng hướng đến tương lai – thời gian của người đã biết buông bỏ. Ryōkan thường sử dụng các hình ảnh đặc trưng của bốn mùa như: tuyết tan, hoa rơi, gió thu, mưa ngâu,... như những cách diễn đạt vòng tuần hoàn của đời sống. Nhưng trong cách dùng ấy, ông không dừng lại ở mô tả, mà thấm đẫm một cái tôi thấu suốt quy luật sinh diệt và bình thản đón nhận nó.
Cách sử dụng không gian, thời gian trong thơ Ryōkan khiến chúng không còn là yếu tố phụ trợ, mà trở thành phương tiện chính trong thi ca để biểu đạt một cái tôi của kẻ sống cuộc đời xuất thế. Không gian, thời gian trong thơ Ryōkan tồn tại hai trạng thái tĩnh và động. Hai phạm trù này không loại trừ nhau mà chúng chuyển hóa cho nhau trong quá trình song hành thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của một vị thiền sư - thi sĩ “đại ngu”. Không gian, thời gian như pháp thân của cái tôi chiêm nghiệm. Không gian tĩnh là chỗ trú ngụ của cái tôi đơn sơ; thời gian trôi là nơi cái tôi nhận ra sự ngắn ngủi của tồn tại để rồi học cách buông xả. “Cái tôi” đến cuối cùng chẳng còn là “tôi” nữa. “Tôi” chính là vạn vật, vạn vật cũng chính là “tôi”.
Nếu các nhà thơ khác dùng không gian – thời gian để tạo nên biến cố, thì Ryōkan dùng chúng để kiến tạo sự vắng lặng, nơi mà từ đó, tâm thức hiện ra như chính nó, không tô vẽ, không ép buộc. Thời gian trong thơ Ryōkan chính là “phi thời gian” và không gian bao trùm ở đó cũng là kiểu không gian đồng nhất, tức ở đó không có sự phân định chủ thể và khách thể, nó vô ngã và vô chấp, hay nói cách khác, đó chính là tinh thần “bất nhị” trong Phật giáo Đại thừa.
Ngôn ngữ và cấu trúc
Bằng sự giản dị trong hình ảnh, tiết chế trong ngôn ngữ và sâu sắc trong cảm xúc, Ryōkan đã khắc họa thành công một cái tôi chiêm nghiệm mang dáng dấp của kẻ ẩn sĩ – cô độc mà tự tại, khiêm nhường mà tròn đầy.
Ngôn ngữ thơ Ryōkan cũng như bản thân ông - mộc mạc, dung dị, không trau chuốt, không gò ép hình thức. Ông viết về lá rụng, về cơn mưa, về bát cơm nguội, đôi dép cỏ, về những đêm vắng lặng nghe gió thổi qua rặng trúc,... Nhưng sau mỗi hình ảnh tưởng chừng quá đỗi bình thường ấy là một niềm vui mênh mang, trong sáng – niềm vui không đến từ sở hữu, mà từ sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc đối với hiện hữu. Thơ ông cũng chính là một bài thiền pháp, cả hai đều xóa hết mọi hình thức phô bày tính ích kỉ, sự sáng tạo và chủ tâm. Tất cả đều diễn ra như chúng “đang là”, đang vận động, hoàn toàn vắng bóng mọi giả tạo và chủ tâm, giữa cảm hứng nghệ thuật và tâm hồn của người nghệ sĩ không còn một trung gian nào.
Như Suzuki T. Daisetsu nhận định về mối quan hệ giữa nhà thơ và tác phẩm: “Tác giả là một dụng cụ hoàn toàn thụ động lúc người ấy diễn tả cảm hứng nhận được. Cảm hứng ấy giống như một “khúc nhạc từ thượng giới” (thiên lại TH) như cách nói của Trang tử. Những nhà nghệ sĩ chỉ nghe tiếng nhạc từ trời chứ không nghe âm nhc của phàm nhân (địa lại) [2, tr. 238].
Tương tự thơ Haiku, thơ của Ryōkan cũng tồn tại cấu trúc bỏ lửng. Ông thường kết thúc tác phẩm bằng một “khoảng trống ý nghĩa” – không cắt nghĩa, không rút ra kết luận khiến độc giả phải tự dừng lại, lắng nghe và chiêm nghiệm. Cấu trúc mở này không hướng đến truyền đạt thông điệp trực tiếp, mà mời gọi người đọc “đi vào” cùng một trạng thái tâm thức, gợi mở đủ để họ nắm trọn vẹn nội dung bằng khă năng “đồng sáng tạo” của mình:
"Trong thiền thất lạnh căm
không thể nào ngủ được
chỉ tiếng thác xa xăm
từ núi cao nghìn thước
vọng đến chỗ ta nằm [3]."
Bài thơ dừng lại không phải vì kết thúc ý, mà vì không cần nói thêm nữa. Cái tôi trong thơ Ryōkan thường “vắng bóng”, hay đúng hơn, đã tan ra trong cảnh vật, trong cử chỉ im lặng, trong tiếng thác xa xăm – đó là cấu trúc của sự đồng nhất với hiện hữu. Cấu trúc thơ Ryōkan không cầu kỳ về âm vận hay hình thức. Ông không quá quan tâm đến việc tuân thủ hoàn toàn luật của waka hay haiku hay thơ Đường, mà ưu tiên sự trong sáng và tự nhiên của ngôn ngữ. Điều này tạo ra một nhịp điệu nhẹ, trầm, gần như rơi vào khoảng “nghe-thấy-bên-trong”, chứ không vang vọng ngoài tai. Sự tiết chế về nhịp điệu và ngôn ngữ này góp phần làm nổi bật sự lắng đọng nội tâm trong thơ. Cấu trúc thơ tối giản này chính là biểu hiện của một nội tâm đã lắng yên, không còn xáo trộn bởi khái niệm hay mục đích. Chính ở sự tối giản trong cả ngôn ngữ và cấu trúc như vậy nên thơ Ryōkan trở thành nơi trú ẩn của tâm linh, là không gian để cái tôi chiêm nghiệm soi rọi và lan tỏa. Ngôn ngữ và cấu trúc trong thơ ông không tách rời nội dung, mà là nội dung – nội dung của một đời sống lặng lẽ, hồn nhiên và an trú trong hiện tại.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
3. Kết luận
Thiền sư, thi sĩ Ryōkan Taigu đã để lại cho hậu thế một di sản thơ ca đầy chất suy tưởng, trong đó “cái tôi chiêm nghiệm” hiện lên vừa dung dị, vừa sâu lắng. Cái tôi ấy không ồn ào thể hiện bản ngã, không bộc lộ nỗi bi phẫn hay xung đột nội tâm dữ dội, mà hiện hữu qua những khoảnh khắc tĩnh lặng, qua sự quan sát, thấu cảm và hòa tan vào cuộc sống như nó vốn là.
Cái tôi chiêm nghiệm của Ryōkan bộc lộ rõ nét qua sự cô độc tự nguyện, sự hòa nhịp với thiên nhiên và qua hình tượng “cái tôi trẻ thơ” – một cái tôi đã thoát khỏi những lo toan thế tục, trở lại trạng thái vô ưu, thuần khiết.
Cái tôi chiêm nghiệm trong thơ Ryōkan không nhấn mạnh cái “ta” cá nhân mà tan biến vào từng sự vật, hiện tượng.
Nó lắng sâu, vô hình, nhưng lại hiện rõ trong từng câu chữ đơn sơ. Thơ Ryōkan vì thế không chỉ là thơ thiên về cảm xúc, mà còn là thơ của một hành trình tâm linh – nơi cái tôi không đứng ở trung tâm mà lặng lẽ tan hòa trong dòng chảy sinh diệt của vạn vật.
Và chính sự hòa tan ấy đã tạo nên một cái tôi thật lớn – cái tôi của người đã hiểu mình, hiểu đời và buông bỏ mọi thứ để sống với cái đẹp thuần khiết và tự do tuyệt đối.
Tài liệu tham khảo:
1.Nhật Chiêu (2013), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2.Suzuki T. Daisetsu (2019), Thiền và văn hóa Nhật Bản, Nguyễn Nam Trân dịch và chú giải, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
3.Pháp Hoan (2023), “Chuyên mục: Ryokan Taigu (良寛大愚, Lương Khoan Đại Ngu)”, https://phaphoan.com/category/waka-haiku-kanshi/ryokan-taigu-%e8%89%af%e5%af%9b%e5%a4%a7%e6%84%9a-luong-khoan-dai-ngu/. Truy cập ngày 18/06/2025.
4.Phạm Thị Thu Loan (2018), “Tinh thần thiền tông trong vẻ đẹp thơ Haihu Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1.
5.Hoàng Phong (2011), “Ryokan Gã thiền sư Đại Ngu cô đơn trên con đường trống không”, https://thuvienhoasen.org/p55a9885/phan-iii-bien-co-va-giai-thoai-trong-cuoc-doi-cua-ryokan. Truy cập ngày 19/06/2025.
6.Hoàng Phong (2020), “Tìm hiểu thơ Thiền Nhật Bản”, https://thuvienhoasen.org/a35245/tim-hieu-tho-thien-nhat-ban. Truy cập ngày 20/06/2025.
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Ny (Thích nữ Hải Tuệ)
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cai-toi-chiem-nghiem-ve-tho-cua-thien-su-ry-kan-taigu.html