Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên nói gì về dạy thêm trong nhà trường?
Về việc cấm giáo viên dạy thêm trong nhà trường, một số giáo viên bậc trung học phổ thông trên cả nước đã có những trải lòng, kể cả "tâm tư" vì liên quan đến chất lượng chuyên môn và thu nhập chính đáng của thầy cô giáo. Những điều trải lòng rất đáng suy ngẫm.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Người làm chính sách khi ra lệnh cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường có thu tiền chắc hẳn đã lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Tuy vậy, lương giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên việc buổi sáng dạy chính khóa theo định mức, buổi chiều lại dạy phụ đạo, dạy đội tuyển, dạy ôn thi tốt nghiệp miễn phí thì hầu như không có thầy cô giáo nào kham nổi.
Cùng với đó, hiện nay học sinh tham gia học thêm trong trường thì mức đóng học phí khá thấp, chỉ vài ba trăm nghìn đồng/tháng nhưng các em được học nhiều môn, học cả tuần, lại được thầy cô giáo, bảo vệ nhà trường quản lí chặt chẽ. Khi học sinh học thêm ở các trung tâm thì mức học phí tăng cao, phụ huynh càng thêm gánh nặng.
Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều phạm vi kiến thức hàn lâm, quá tải cho học sinh, kể cả giáo viên. Cho nên, các em không học thêm, nhất là học sinh lớp 9, lớp 12 thì việc thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn".
Thầy giáo Phạm Văn Tâm nói thêm: "Hiện nay, trong trường hợp giáo viên được huy động tham gia hướng dẫn học sinh giỏi thì một tiết hướng dẫn, bồi dưỡng sẽ được tính bằng 1,5 tiết định mức. Và căn cứ vào số tiết dạy bồi dưỡng thực tế để quy đổi sang định mức tiết dạy đúng theo quy định pháp luật.
Tuy vậy, giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu kém thì vẫn không được quy đổi sang định mức tiết dạy, coi như làm nghĩa vụ. Một số trường có nguồn thu thì hỗ trợ cho giáo viên theo quy chế chi tiêu nội bộ. Nhưng, mỗi tiết dạy, thầy cô giáo cũng chỉ nhận được vài ba chục nghìn đồng, không đủ chi phí đổ xăng, ăn sáng, uống nước.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên. Tôi đề xuất, cần bổ sung nội dung về định mức tiết dạy đối với giáo viên dạy phụ đạo, dạy ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông".
Còn cô giáo Lê Thị Thu Vân lại có góc nhìn khác khi cho rằng, hiện nay giáo viên không được nghỉ hè trọn vẹn theo quy định vì thầy cô giáo phải làm quá nhiều việc chuyên môn. Cụ thể, giáo viên phải dạy ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vì vậy, sắp tới đây, giáo viên có thể từ chối làm những nhiệm vụ này để làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập. Thầy cô giáo nào có điều kiện thì nghỉ ngơi hay đi du lịch để tái tạo sức lao động cho năm học mới.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, chiếu theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, các nhà trường phổ thông phải giải thể dạy buổi 2. Như vậy, giáo viên sẽ giảm thêm một nguồn thu nhập và phụ huynh cũng không có chỗ gửi con để làm việc.
Ly Hương