Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ 1: May nhờ, rủi chịu

Cam go cuộc chiến chống thuốc giả - Kỳ 1: May nhờ, rủi chịu
9 giờ trướcBài gốc
Mua thuốc theo đúng đơn bác sĩ, nhưng người bệnh vẫn phập phồng nỗi lo “may nhờ, rủi chịu”. Ảnh: V.S
Mua thuốc theo đúng đơn bác sĩ, nhưng người bệnh vẫn trong cảnh “may nhờ, rủi chịu” vì không thể phân biệt bằng mắt thường, càng không thể kiểm chứng bằng truy xuất nguồn gốc. Trong khi thuốc giả vẫn âm thầm len lỏi khắp nơi, kể cả các cơ sở y tế uy tín.
Lạc giữa ma trận thật - giả
Ngày 20/5, bà N.T.T. (65 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám vì các triệu chứng đau bụng, đau lưng và chóng mặt. Sau các chỉ định xét nghiệm, nội soi và kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán bà bị thiếu máu nhẹ, viêm trào ngược dạ dày thực quản, loãng xương và thoái hóa cột sống. Bệnh nhân này được kê toa gồm 4 loại thuốc: viên bổ sung sắt và acid folic, canxi kết hợp vitamin D, thuốc điều trị loãng xương có thành phần acid alendronic và một loại thuốc dạ dày rabeprazol, dùng trong hai tháng.
Người thân của bà đến nhà thuốc C.L. cạnh bệnh viện để mua thuốc theo đơn. Nhân viên nhà thuốc báo giá 2,2 triệu đồng nếu mua đúng thuốc như trong toa. Nếu đổi sang thuốc có cùng biệt dược thì giá còn 1,8 triệu đồng. Khi đến một nhà thuốc khác ở quận 8, đơn thuốc được nhân viên báo giá gần 2 triệu đồng, nếu sử dụng thuốc có dùng hoạt chất thì mức giá khoảng 1,6 triệu. Khi được hỏi về sự chênh lệch giá, nhân viên hai nhà thuốc đều cho rằng sự khác biệt đến từ nguồn gốc xuất xứ của thuốc. Thuốc nhập khẩu thường đắt hơn so với thuốc sản xuất trong nước. Họ khẳng định chất lượng đều đảm bảo và có thể tra cứu qua phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Thế nhưng, thực tế cho thấy người bệnh hoàn toàn mù mờ trong việc xác thực thuốc thật giả. Dù đúng tên thuốc trên toa, hình thức viên thuốc giống nhau, mã vạch có thể quét được, nhưng người mua vẫn không thể kiểm chứng chất lượng thực sự của dược chất bên trong. Đáng lưu ý, tuy cùng hoạt chất, thuốc ở mỗi nơi lại có giá khác nhau. Thậm chí trong cùng một nhà thuốc, nhân viên có thể đưa ra nhiều lựa chọn giá tiền khác nhau cho cùng một đơn thuốc. Chất lượng thuốc có đi đôi với giá cả hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Đáng ngại là gần đây, thay vì mua trực tiếp ở cửa hàng, nhiều người chọn mua thuốc và thực phẩm chức năng qua mạng để tiết kiệm chi phí hoặc tìm hàng hiếm. Hành động tưởng như tiện lợi này có thể phải trả giá bằng cả sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Chị V.Tr. (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) từng là khách hàng trung thành của thương hiệu thực phẩm chức năng Murad. Sau khi nhà phân phối chính hãng ngừng hoạt động vào năm 2022, chị chuyển sang mua trên một sàn thương mại điện tử đặt tại Hà Nội. Nhân viên tư vấn nói rằng hàng là chính hãng nhưng được giảm giá sâu vì tồn kho. Tin tưởng, chị đặt đơn hàng hơn 12 triệu đồng gồm viên uống chống nắng, trị mụn và các sản phẩm dưỡng da.
Khi nhận hàng, chị Tr. phát hiện sản phẩm không có tem chống giả, không có nhãn phụ tiếng Việt, bao bì khác biệt và mùi bất thường. Nghi ngờ, chị phản ánh với người bán nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung. Sau đó, chị Tr gửi email đến hãng Murad để xác minh và được cung cấp hướng dẫn phân biệt thật giả. So sánh với hàng mình mua, chị nhận ra sản phẩm có nhiều điểm không đúng. Phải mất gần hai năm, sau nhiều lần liên hệ và tranh cãi, chị mới được hoàn tiền. Tuy nhiên, phía nhà bán hàng không hề xin lỗi hay đưa ra lời giải thích thỏa đáng. “Nếu đó là thuốc điều trị bệnh chứ không phải thực phẩm chức năng, tôi có thể đã gặp hậu quả nghiêm trọng”, chị Tr. rùng mình nhớ lại.
Đơn hàng thực phẩm chức năng mà chị Tr. mua qua mạng có nhiều điểm không đúng với hàng thật. Ảnh: L.N
“Phần nổi của tảng băng”
Không phải ai cũng may mắn như chị Tr. Đầu năm 2024, một phụ nữ 64 tuổi ở tỉnh Phú Thọ nhập viện khẩn cấp sau ba ngày dùng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc mua từ nước ngoài. Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng do loét dạ dày, phải truyền máu và nằm viện gần một tuần.
Trước tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe không rõ nguồn gốc ngày càng gia tăng, ngành y tế TPHCM đã siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh dược. Năm 2024, thành phố đã kiểm tra hơn 550 cơ sở, xử phạt 147 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Các lỗi phổ biến gồm: kinh doanh sai phạm vi, thuốc không rõ nguồn gốc, vi phạm về chất lượng dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Ngoài ra, hệ thống y tế địa phương đã kiểm tra gần 6.800 cơ sở bán lẻ thuốc, phát hiện 15 mẫu thuốc không đạt chất lượng và 9 cơ sở bán thuốc giả, trong đó có 1 vụ do người dân phản ánh.
Thực hiện chỉ đạo từ Trung ương và UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức cao điểm kiểm tra trong tháng 5/2025. Các đơn vị y tế được yêu cầu rà soát danh mục thuốc, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ chứng từ. Ngành y tế kêu gọi người dân chỉ mua thuốc tại cơ sở được cấp phép, đồng thời tích cực tố giác hành vi vi phạm.
Theo Bác sĩ Phan Tấn Thuận, thuốc giả còn đẩy các doanh nghiệp dược chân chính vào thế cạnh tranh bất công. Những công ty đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao đang phải đối mặt với tình trạng thị trường bị xâm lấn bởi các sản phẩm giá rẻ nhưng kém chất lượng. Điều này không chỉ gây tổn thất kinh tế mà còn làm giảm lòng tin của người dân vào thuốc chính hãng.
Tuy nhiên, việc người mua phát hiện thuốc giả là không hề dễ dàng. Theo bác sĩ Phan Tấn Thuận, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng Đơn vị Thử nghiệm lâm sàng (CRU) của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, thuốc giả hiện nay không đơn thuần là hàng nhái bao bì như trước. Nhiều loại được sản xuất và lưu hành tinh vi hơn nhiều với đầy đủ giấy tờ, mã số đăng ký, thậm chí có cả kết quả kiểm định. Những yếu tố này khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc thật, vô tình đưa chất độc vào cơ thể mà không hay biết.
Thuốc giả bị cơ quan chức năng thu giữ
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM cho rằng, các số liệu về thuốc giả được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Tỷ lệ thuốc giả phát hiện cực thấp là do đối tượng lấy mẫu chưa đủ tính đại diện. Năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc chưa đáp ứng yêu cầu. Hằng năm, khoảng 38.000 - 40.000 mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường được lấy mẫu để kiểm tra, giám sát chất lượng là chưa đủ đại diện cho thị trường dược phẩm trị giá hơn 7 tỷ USD của Việt Nam.
Theo bà Lan, việc thanh kiểm tra tại các nhà thuốc hầu như do Phòng y tế và các đoàn liên ngành quận huyện đảm nhiệm, cả năm đến làm việc 1-2 lần, tập trung tại nhà thuốc nên khó phát hiện thuốc giả cất giấu ở nơi khác. “Với khoảng 5.170 công ty bán buôn và 67.000 nhà thuốc, hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ tại Việt Nam đã phình rất to, gây nhiều thách thức cho việc kiểm soát.
Áp lực cạnh tranh và lợi nhuận khiến không ít nhà thuốc bất chấp quy định chuyên môn, sẵn sàng bán mọi loại thuốc theo ý bệnh nhân, không có đơn bác sĩ. Quy định cho phép bán thuốc online lại càng làm vấn đề thêm phức tạp. Có quá nhiều kẽ hở cho thuốc giả luồn lách. Không có quy định thuốc được chuyển qua tối đa bao nhiêu tầng nấc trung gian, nên quá trình lòng vòng qua tay đẩy giá thuốc lên, tạo cơ hội trà trộn thuốc giả”, bà Lan cho hay và cảnh báo thuốc giả đã và đang âm thầm hủy hoại cơ hội sống khỏe của hàng nghìn bệnh nhân.
Nhóm PV
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/cam-go-cuoc-chien-chong-thuoc-gia-ky-1-may-nho-rui-chiu-post1744645.tpo