Cắm hoa lan - Nghề 'hái' ra tiền vào dịp Tết

Cắm hoa lan - Nghề 'hái' ra tiền vào dịp Tết
7 giờ trướcBài gốc
Người thợ cắm lan đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ, có kỹ thuật và tính sáng tạo.
Đường Lê Nin, TP Vinh (Nghệ An) là một trong những tuyến đường sầm uất của TP Vinh bày bán các loài hoa, cây cảnh, trong đó có hoa lan. Theo quan niệm dân gian, đây là loài hoa tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng. Cũng bởi loài hoa này mang vẻ đẹp trang nhã, quý tộc nên được nhiều người yêu thích và lựa chọn để trang trí, làm quà tặng trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết…
Là người có kinh nghiệm 10 năm trong nghề cắm lan, anh Phạm Văn Thủy (1985, quê Phú Thọ) cho rằng, việc kết hoa bên cạnh sự khéo léo, tỉ mỉ, kỹ thuật, người thợ phải có đầu óc tư duy sáng tạo và đôi mắt nhìn. “Lan là loài hoa dễ bị gãy, cắm hoa lan không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải hình thành ý tưởng từ ban đầu. Nhìn chậu, lũa gỗ, cành hoa, người cắm phải tưởng tượng được hình dáng của tác phẩm khi hoàn thiện nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra, để làm ra một tác phẩm lan hồ điệp đẹp phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhưng quan trọng nhất là hoa phải tươi, đẹp, các cánh đồng đều về kích thước, màu sắc” – anh Thủy chia sẻ.
Cũng theo anh Thủy, để hoàn thiện một sản phẩm lan đưa lên kệ phải trải qua 4 bước gồm chuẩn bị chậu, vào xốp, lên cây và trang trí. Trong đó, công đoạn lên cây và trang trí là quan trọng nhất, quyết định được sự thành công của tác phẩm và khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan hồ điệp. Cách tính tiền công cắm hoa sẽ tùy theo số lượng cành trên chậu và tùy vào từng loại lan. Đối với hoa lan Trung Quốc, tiền công sẽ từ 10-15 nghìn đồng/cành, hoa lan Đà Lạt 20-100 nghìn/cành; còn đối với loại lan VIP khoảng 20 - 30 bông trong một cành thì sẽ có giá tiền công giao động từ 100 - 200 nghìn đồng/cành.
Dù ít tuổi nhưng anh Phan Quốc Tiến (1998, trú tại TP Hồ Chí Minh) được xem là người kết hoa có tay nghề cao. Hai năm nay, vào thời điểm trước Tết chừng 1 tháng, anh Tiến cùng đồng nghiệp lại bay từ TP Hồ Chí Minh ra Nghệ An để cắm hoa lan thuê. “Công việc khá vất vả khi phải làm liên tục, có khi làm đến 2,3 giờ sáng nhưng kết hoa lan là nghề đem lại thu nhập cao so với nhiều nghề khác. Trung bình mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 5- 7 triệu đồng, ngày cao điểm nhất, nhiều đơn hàng nhất, làm việc cật lực nhất thì khoảng 10 triệu đồng” – anh Tiến “bật mí”.
Tác phẩm lan trên gỗ lũa mang đặc trưng của núi rừng.
Cứ đầu tháng 12 (ÂL) hàng năm, anh Phan Quốc Tiến (bìa phải) lại bay từ TP Hồ Chí Minh ra Nghệ An để cắm lan thuê.
Để đảm bảo tiến độ công việc cho 2 cơ sở kinh doanh lan của mình, chị Phạm Thị Thủy (1975, trú TP Vinh) phải thuê 3 tốp thợ từ các vùng miền về kết lan. Trong đó, thợ kết lan trên chất liệu bình gốm, sứ chị thuê từ TP Hồ Chí Minh ra; còn kết bình lan tròn sẽ thuê từ miền Bắc; riêng kết lan trên gỗ lũa thì thuê người dân tộc Tày ở Thanh Hóa. “Sở dĩ phải thuê nhiều đội thợ khác nhau vì mỗi vùng miền có một phong cách riêng, tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn của mỗi cùng miền. Kết lan bình đòi hỏi sự uyển chuyển, mềm mại; kết lan gỗ lũa đòi hỏi dáng lan phải mang khí chất núi rừng. Thợ mỗi vùng có một phong cách riêng biệt”- chị Thủy chia sẻ.
Cũng theo chị Thủy, năm nay 2 cơ sở của chị sẽ nhập về xấp xỉ 20.000 cành lan các loại phục vụ thị trường. Trong đó, cơ sở sẽ đáp ứng yêu cầu của khách hàng từ bình dân, hàng trung đến thượng hạng. Bởi vậy, giá chậu lan sẽ giao động tùy theo nhu cầu của khách hàng, bình thấp nhất khoảng 1 triệu đồng, cao nhất 200 triệu đồng, cơ sở vẫn đáp ứng được.
Do công việc cắm lan đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kỹ thuật cao nên tiền công cũng được chi trả tương xứng với sức lao động của người thợ. Ngoài ra, do sự đắt đỏ và giá trị của loại hoa này mà thu nhập của những người thợ cũng cao hơn so với các nghề khác. Đây được xem là một trong những nghề “hái ra tiền” trong dịp Tết. Dương Hóa
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/cam-hoa-lan-nghe-hai-ra-tien-vao-dip-tet-post307275.html