Cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng của NATO có thực tế?

Cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng của NATO có thực tế?
10 giờ trướcBài gốc
Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thư ký NATO Secretary General Mark Rutte và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hague, Hà Lan, ngày 24/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Kyiv Post (Ukraine) ngày 1/7, tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh ở Hague (Hà Lan) gần đây đã đưa ra một cam kết đầy tham vọng: các đồng minh NATO sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP vào năm 2035. Con số này, bao gồm 3,5% cho chi tiêu quân sự trực tiếp và 1,5% cho các khoản đầu tư hỗ trợ như cơ sở hạ tầng, được coi là một bước tiến lớn nhằm củng cố an ninh tập thể và hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, lịch sử đã chứng minh việc biến tuyên bố thành hành động là một thách thức không hề nhỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là động lực chính thúc đẩy sự thay đổi mang tính đột phá trên. Yêu cầu của ông về việc các đồng minh phải có những "đóng góp công bằng" đã tác động mạnh mẽ đến các quốc gia châu Âu, thậm chí còn mạnh hơn cả thách thức trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine hay sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu NATO đặt ra mục tiêu chi tiêu quốc phòng. Tại Hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014, các đồng minh đã cam kết đạt 2% GDP trong vòng một thập kỷ. Mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng đến năm 2024, không phải tất cả các thành viên đều đạt được mục tiêu này. Bài học từ quá khứ cho thấy để đạt được mốc 5% GDP sẽ cần một nỗ lực phi thường, đòi hỏi sự đồng thuận chính trị và nguồn lực tài chính đáng kể.
Thực tế chia rẽ: Nỗi lo không đồng đều
Một trong những rào cản lớn nhất là sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa. Các quốc gia có chung biên giới với Nga như Ba Lan, Phần Lan và các quốc gia Baltic, do phải đối mặt với nguy cơ trực tiếp, đã phân bổ phần lớn ngân sách của họ cho quốc phòng. Ngược lại, các quốc gia nằm xa hơn như Bỉ và Tây Ban Nha lại cảm thấy ít cấp bách hơn trong việc đầu tư vào quốc phòng. Việc tăng ngân sách của những quốc gia này là rất quan trọng để củng cố an ninh tập thể của châu Âu, nhưng điều này lại không dễ dàng.
Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hague cũng tái khẳng định cam kết của Liên minh trong việc hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Về tổng viện trợ, các quốc gia châu Âu đã vượt qua Mỹ, dù Washington vẫn dẫn đầu về viện trợ quân sự. Tuy nhiên, thách thức về sản xuất vẫn còn đó. Một ví dụ điển hình là vào năm 2023, châu Âu đã cam kết cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong vòng 12 tháng nhưng đã không thực hiện được.
Để khắc phục vấn đề này, các thỏa thuận sản xuất chung giữa Ukraine và các quốc gia châu Âu được xem là những diễn biến tích cực. Một thỏa thuận gần đây giữa chính phủ Hà Lan và các công ty Ukraine để sản xuất 600.000 thiết bị bay không người lái cho Ukraine là một ví dụ điển hình, thể hiện sự đóng góp thực chất và hiệu quả của châu Âu.
Thời gian cũng là yếu tố then chốt. Châu Âu phải hành động nhanh chóng để tăng cường hỗ trợ và phát triển năng lực sản xuất quân sự của riêng mình, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, đảm bảo sự hỗ trợ cho Ukraine. Điều này đặc biệt quan trọng khi có khả năng viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ bị cắt giảm trong tương lai.
Tuy nhiên, các đồng minh NATO phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Bất ổn chính trị có thể làm gián đoạn các chính phủ quốc gia ở châu Âu, với nhiều liên minh sụp đổ. Một cuộc chiến thương mại tiềm tàng có thể cản trở nỗ lực đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 5% GDP. Thêm vào đó, sự chậm trễ của bộ máy hành chính EU càng cản trở hành động nhanh chóng và tăng sản lượng quân sự.
Nhiều nhà lãnh đạo và cử tri châu Âu cũng ưu tiên các mối quan tâm trong nước ngắn hạn như kinh tế, an sinh xã hội hơn là quốc phòng và an ninh dài hạn. Liệu châu Âu có thể vượt qua những thách thức này để biến cam kết thành hành động, vừa hỗ trợ Ukraine hiệu quả vừa đảm bảo an ninh cho chính mình trong tương lai? Đối với Ukraine, mọi khoảnh khắc đều quan trọng, trong khi châu Âu phải theo đuổi sự độc lập chiến lược để củng cố quốc phòng tập thể và quan hệ với Mỹ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cam-ket-chi-5-gdp-cho-quoc-phong-cua-nato-co-thuc-te-20250701124934108.htm