Nhà thầu "vượt nắng thắng mưa", nhân dân không đứng ngoài cuộc
Quá nửa chặng đường năm 2025 qua đi, trên đại công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, các nhà thầu vẫn chắt chiu từng ngày, từng tuần thời tiết thuận lợi để tăng tốc các hạng mục quan trọng.
Thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Với hơn 3.200 kỹ sư và công nhân cùng 1.500 máy móc, thiết bị, "vượt nắng thắng mưa" không còn là khẩu hiệu mà là động lực để ngày đêm tăng tốc, cơ bản hoàn thành, thông tuyến cao tốc vào ngày 19/12/2025.
Mục tiêu này đạt được, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có được kỳ tích về thời gian thi công, rút ngắn tiến độ gần 10 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Không chỉ là sự nỗ lực trên hiện trường, kết quả dự án đang có được còn có sự đóng góp quan trọng từ đồng hành của cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân.
Nhìn lại hành trình đã qua, tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Đèo Cả diễn ra mới đây (19/7), ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, xác định dự án có vai trò chiến lược trong phát triển KT-XH vùng và địa phương, giải phóng mặt bằng được Cao Bằng coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.
Chính quyền các cấp tại Cao Bằng đã huy động mọi nguồn lực, phát động phong trào thi đua, kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân, tạo nên khí thế quyết liệt từ tỉnh xuống đến cơ sở.
Ngay trước khi dự án khởi công, nhân dân tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã chấp nhận dựng lán, ngủ lều, thuê nhà để bàn giao nhà cửa, ruộng vườn cho dự án dù chưa nhận toàn bộ chi phí hỗ trợ.
"Sau chiến dịch "100 ngày đêm giải phóng mặt bằng" do tỉnh Cao Bằng phát động, hơn 1.000 hộ dân hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh chóng, làm nên "kỳ tích" bàn giao hơn 222ha đất cho nhà thầu thi công đúng tiến độ, góp phần giúp địa phương giải bài toán khó, không phải dồn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù ngay lập tức.
Đến nay, việc giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 99%. Nhân dân không đứng ngoài cuộc mà dõi theo từng bước đi của dự án với khát vọng thay đổi diện mạo quê hương", ông Lê Hải Hòa nói.
Toàn cảnh đại công trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Ở nơi nhiều người chọn rút lui, Đèo Cả chọn bắt đầu
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng khẳng định, sự dấn thân của Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư) tại vùng "quê hương cách mạng" thể hiện niềm tin và tư duy đổi mới không ngừng.
Theo ông Lê Hải Hòa, câu chuyện về cao tốc tại Cao Bằng từng được khơi dậy với nhiều kỳ vọng, rồi nhiều lần lặng lẽ khép lại. Không ít nhà đầu tư đến khảo sát, hy vọng rồi rời đi khi đối mặt với địa hình hiểm trở, chi phí lớn và hiệu quả chưa rõ ràng.
"Chỉ có Đèo Cả là ở lại và hành động, dấn thân, cùng chúng tôi tháo gỡ từng điểm nghẽn, từng rào cản thể chế, từng vướng mắc kỹ thuật, tài chính. Ở nơi nhiều người chọn rút lui, Đèo Cả chọn bắt đầu", Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu, Đèo Cả đã phá thế bế tắc về nguồn lực dự án bằng đề xuất tái cấu trúc toàn bộ: Rút ngắn chiều dài tuyến, giảm tổng mức đầu tư từ hơn 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào ngày 1/1/2024 với chiều dài hơn 93km, xuyên qua khu vực địa hình phức tạp.
Giai đoạn 2 của dự án mở rộng toàn bộ hơn 93km giai đoạn 1 và làm mới gần 28km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
"Nếu không có sự nhất quán trong tư duy, sự kiên trì trong hành động và sự dấn thân đầy trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và sự táo bạo, cống hiến của nhà đầu, Cao Bằng sẽ khó mà có một tuyến cao tốc dần thành hình như hiện nay", lãnh đạo địa phương bộc bạch.
Hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công - tư
Đánh giá cáo phương án được Tập đoàn Đèo Cả và liên danh nhà đầu tư đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án PPP đầu tiên trong cả nước triển khai theo Luật PPP mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về tư duy đầu tư hạ tầng.
Ghi nhận những nỗ lực kiến tạo hạ tầng của Tập đoàn Đèo Cả, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng trân trọng những đóng góp của doanh nghiệp này trên hành trình kiến tạo văn hóa và con người, thể hiện bằng việc hàng trăm lao động trẻ của tỉnh được trao cơ hội phát triển lâu dài tại dự án và việc việc tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội.
Để giải quyết thách thức về nguồn vốn cho dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng giải pháp PPP++.
Đó là kết tinh của trí tuệ Đèo Cả, là tinh thần dám làm thật, làm tới cùng, giúp đa dạng hóa nguồn vốn, thể hiện sự liên kết trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương.
Không chỉ là thách thức tìm kiếm nguồn vốn, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từng đứng trước rào cản vô hình, đó là sự nghi ngại về tính khả thi.
Sự hợp tác, sẻ chia đã trở thành chìa khóa quan trọng chuyển hóa sự nghi ngại thành niềm tin.
"Bằng ý chí của chính quyền và doanh nghiệp, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã trở thành một dự án đặc biệt.
Cái "bắt tay" giữa Cao Bằng và Đèo Cả không đơn thuần là hợp đồng BOT mà là sự đồng hành thực chất, là hình mẫu đúng nghĩa về hợp tác công - tư theo tinh thần Nghị quyết 68: Nhà nước không đứng ngoài. Doanh nghiệp không đơn độc. Cả hai cùng nhìn về một hướng, cùng hành động vì mục tiêu phát triển đất nước.
Tôi tin rằng, nếu có thêm nhiều địa phương dám đặt niềm tin vào những nhà đầu tư có khát vọng như Đèo Cả thì những gì hôm nay còn là "điểm nghẽn", ngày mai sẽ trở thành "sức bật"", Chủ tịch tỉnh Cao Bằng chia sẻ.
Nam Khánh