Ước tính, hút thuốc gây ra 7,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Ảnh: Getty Image
Theo phân tích được công bố trên tạp chí Tobacco Control dựa trên 16 nghiên cứu với sự tham gia của khoảng 500.000 người, lệnh cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá đã làm giảm 20% tỷ lệ hút thuốc của những người đang hút thuốc và giảm 37% nguy cơ hút thuốc của những người muốn bắt đầu. Dữ liệu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lệnh cấm này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người.
Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá (TAPS) vào Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng việc quảng cáo hoặc khuyến mại thuốc lá trực tiếp và gián tiếp - chẳng hạn như tại những nơi bán thuốc lá, có liên quan đến việc những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc hoặc thúc đẩy một người tiếp tục hút thuốc.
Theo AFP, hút thuốc lá là nguyên nhân lớn gây tử vong sớm ở Liên minh châu Âu và giết chết khoảng 700.000 người mỗi năm.
Trên toàn cầu, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong vốn có thể phòng ngừa được và ước tính gây ra 7,7 triệu ca tử vong vào năm 2019.
Cần thực thi lệnh cấm quảng cáo
Bà Hazel Cheeseman, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện Action on Smoking and Health (ASH) của Anh cho biết “quảng cáo thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút những người hút thuốc trẻ tuổi mới bắt đầu hút thuốc, để thay thế những người lớn đã bỏ hoặc chết vì thuốc lá mỗi năm”.
Tại Anh, các hạn chế quảng cáo toàn diện đã “dẫn đến sự sụt giảm lớn trong việc hút thuốc ở thanh thiếu niên”, bà Cheeseman nêu rõ và nói thêm rằng các hạn chế sắp tới đối với hoạt động tiếp thị của các công ty thuốc lá điện tử sẽ giúp làm giảm việc sử dụng thuốc lá điện tử của những người trẻ tuổi.
Theo thông tin cập nhật của WHO, tại khu vực châu Âu của WHO (bao gồm một số vùng Trung Á), chỉ có 13 trong số 53 quốc gia đã cấm hoàn toàn việc quảng cáo và khuyến mại các sản phẩm thuốc lá.
Văn phòng khu vực châu Âu của WHO cho biết ước tính có 179 triệu người lớn và 4 triệu thanh thiếu niên từ 13 - 15 tuổi trong khu vực hiện đang sử dụng thuốc lá.
Trong một tuyên bố cuối năm 2024, Tiến sĩ Gauden Galea, cố vấn chiến lược của WHO châu Âu, khẳng định “tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao là do ảnh hưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp này, các chiến thuật tiếp thị và những lỗ hổng chính sách làm suy yếu các nỗ lực y tế công cộng”. Bà Galea cũng cảnh báo nếu các quốc gia tiếp tục như hiện tại, khu vực này sẽ có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới vào năm 2030.
Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh những phát hiện này đã củng cố nhu cầu các quốc gia phải triển khai và thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
“Hiệp ước của WHO về thuốc lá ra đời cách đây gần 20 năm yêu cầu hạn chế quảng cáo thuốc lá, nhưng vẫn còn những quốc gia vẫn chưa thực hiện đầy đủ những điều khoản này khiến người dân của họ không được bảo vệ; trong khi đó, các công ty thuốc lá vẫn tiếp tục quảng bá việc hút thuốc để kiếm lợi nhuận”, bà Cheeseman cho hay.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNN)