Cảm thụ văn học: Những nỗi đau còn ẩn khuất

Cảm thụ văn học: Những nỗi đau còn ẩn khuất
15 giờ trướcBài gốc
Minh họa/INT
Ông có những bài thơ rất ấn tượng về mảng đề tài này. Độc giả hay nhắc đến ông như một tác giả Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật ở những thập niên 1980, 1990. Thơ ông đằm dịu và giàu nhạc tính. Một trong những bài thơ đáng chú ý của ông phải kể đến là “Có mười sáu cuộc chiến tranh”.
Có mười sáu cuộc chiến tranh
làng xóm đã xanh một màu cây trái
trẻ con lớn lên thành những đôi trai gái
dấu vết chiến tranh ngỡ chỉ còn sót lại
những hố bom – những bàu sen đưa hương
cô bé nhà bên lấy chồng xóm bên
năm hết chiến tranh cô vừa tám tuổi
xóm giềng quây quần vui như ngày hội
tôi cứ bồi hồi tự hỏi
chẳng biết các cô lớn tự khi nào
áo hồng gối hồng mâm trầu mâm cau
tôi ngồi vẩn vơ đếm từng mái tóc
đếm những buồn vui đang còn đã mất
trong mắt trẻ thơ trong bước người già
và thật tình cờ cho tôi nhận ra
xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
có mười sáu người đàn bà
sau chiến tranh chồng không về nữa
có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
dù đã mười năm giặc giã qua rồi.
(Bài thơ được in trong tập “Dấu chân trong rừng”, Nguyễn Trọng Tín – NXB Mũi Cà Mau, 1985)
Tựa đề bài thơ đã như xác quyết một tứ thơ là lạ và gợi ra sự tò mò “có mười sáu cuộc chiến tranh”. Chiến tranh ở đâu mà nhiều ghê gớm đến dường vậy? Thì ra, câu thơ mượn hình thể ngữ pháp của dạng câu đơn đặc biệt để khẳng định một điều rằng, nỗi đau của cuộc chiến kia còn đang tiếp diễn và âm ỉ đâu đó trong cuộc đời này dẫu đã kết thúc từ lâu.
Nếu nhìn về hiện trạng tiếp biến của thời gian thì chiến tranh hiện đã lùi xa, và lẽ dĩ nhiên hiện hữu xung quanh đang là một cuộc sống hòa bình. Thì kia, cuộc sống hàng ngày dường như đang thay da đổi thịt và trưởng thành đó thôi “làng xóm đã xanh một màu cây trái/ trẻ con lớn lên thành những đôi trai gái”. Lời thơ điềm đạm, nhịp nhàng gợi ra sự an hòa.
Chính bởi lẽ đó mà đã dẫn nhân vật trữ tình (và có thể cả chúng ta) đến suy nghĩ “dấu vết chiến tranh ngỡ chỉ còn sót lại/ những hố bom (trước đây giờ đã thành) những bàu sen đưa hương”.
Một sự đặt vấn đề khá sát với thực tế khách quan. Nhưng có lẽ đó chỉ là cái nhìn bên ngoài. Và nó như là cái cớ để tác giả bộc bạch nỗi lòng mình. Bởi vì phía sau trạng thái “ngỡ” ấy, sẽ phải là những điều không ngờ. Chắc chắn thế.
Do vậy, cách kể ở khổ thơ thứ hai có ngân nga lên một chút là cũng cốt để bật ra tâm tư cho na ná vóc dáng câu chuyện ngôn tình “cô bé nhà bên lấy chồng xóm bên/ năm hết chiến tranh cô vừa tám tuổi”. Một mặt, lời thơ thủng thẳng điểm lại sự việc vốn dĩ đã và đang diễn ra, mang hình bóng tự sự rất rõ.
Mặt khác, suy nghĩ của nhân vật trữ tình thì lại thấy có điểm xuất phát lạ, ấy là từ việc “cô bé nhà bên lấy chồng xóm bên”, một sự kiện làm cho tất cả “xóm giềng quây quần vui như ngày hội” là cũng để he hé ra một sự tâm tư chi đó đang ấp ủ cần nói. Thành đôi và nên gia thất thì có ai không vui? Nhưng sao nhân vật trữ tình lại rơi vào tâm trạng “cứ bồi hồi tự hỏi”?
Day dứt ấy xuất phát từ đâu mà nghe có vẻ không ăn nhập gì với chuyện “xóm giềng quây quần vui như ngày hội” khi cùng nhau chúc mừng “cô bé nhà bên lấy chồng xóm bên”? Câu hỏi tu từ xuất hiện như bồi thêm một điểm nhấn rất đáng lưu ý cho bài thơ “chẳng biết các cô lớn tự khi nào?”.
Điều gì đã làm cho nhân vật trữ tình như rơi mãi vào trạng thái bần thần lạ lùng đến như vậy? Sự bần thần làm bật ra câu hỏi kia đem đến giá trị thẩm mỹ gì cho bài thơ?.
Đọc chậm lại thì thấy sự bồi hồi của nhân vật trữ tình đã được tác giả diễn tả rất độc đáo qua kiểu liệt kê sự vật “áo hồng gối hồng mâm trầu mâm cau”. Bốn hình ảnh miêu tả sự vật gắn liền với hạnh phúc lứa đôi khai nhụy.
Những thi ảnh ấy như là một lời hứa hẹn hạnh phúc và điều ấy còn cho thấy rằng cuộc sống như nó vốn dĩ, đã và đang tiếp diễn. Không khác. Nhưng rồi đoạn thơ lại bật ra một thắc mắc này “chẳng biết các cô lớn tự khi nào?” là phải chăng ý tác giả đang muốn diễn tả một sự thật khác nữa rằng con người của nhân vật trữ tình hiện đang rất khó hòa nhập với cuộc sống thực tại?
Thấy được điều này thì mới hiểu ra vì sao trước đó nhân vật trữ tình có nhắc đến sự kết thúc chiến tranh và cô gái kia “năm hết chiến tranh cô vừa tám tuổi” âu cũng là điều dễ hiểu!
Thì ra, cái thời điểm mà nhân vật trữ tình nhớ rõ nhất là lúc chiến tranh kết thúc khi cô gái kia chỉ mới “vừa tám tuổi”. Một suy nghĩ dường như đang cố tình đóng băng thời gian lại là cũng có ý mong muốn cho chúng ta hiểu rằng thì ra chiến tranh khốc liệt năm xưa đã làm cho tâm trí nhân vật trữ tình gần như không thể quay trở lại bình thường được nữa, cái đau đớn ấy tuy vô hình nhưng đã khắc dấu quá đậm trong tâm tưởng con người ta thật rồi.
Nó làm cho người ta không thể hòa theo cuộc sống một cách bình thường được nữa thì sao có thể tránh khỏi những lo lắng, buồn phiền? Thế là, sự bần thần kia xuất hiện như đang tung lên lời tố cáo ngầm, độc đáo về tội ác chiến tranh mà dư âm của nó còn dai dẳng. Đó là một sự thật day dứt, bởi dù chúng ta không muốn thì “bóng ma chiến tranh” vẫn còn hiện hữu đâu đó, nó đã và đang bào mòn tâm trí con người ta trong lặng lẽ mà ghê gớm!.
Những nữ dân quân đi làm ruộng với cây súng trên vai ở Hòa Lộc (Thanh Hóa) tháng 10/1967. Ảnh minh họa: GettyImages
Lời thơ tiếp tục mở toang ra và đi sâu hơn nữa trong trạng thái day dứt luẩn quẩn “tôi ngồi vẩn vơ đếm từng mái tóc/ đếm những buồn vui đang còn đã mất/ trong mắt trẻ thơ trong bước người già”. Sự “vẩn vơ đếm” này như lại một lần nữa lên tiếng khắc cho đậm hơn, cho rõ nét hơn những nỗi đau hậu chiến vẫn đang vô hình chảy ngầm “trong mắt trẻ thơ trong bước người già”.
Sự thật ấy nó tồn tại trong tâm khảm con người, hàng ngày vẫn đang dày vò con người. Tuy bên ngoài, cuộc sống vẫn luôn tiếp nối và trôi không ngừng nghỉ. Do vậy, hai thi ảnh “đôi mắt trẻ thơ” và “trong bước người già” đâu chỉ gợi ra sự tiếp biến ấy mà nó còn tồn tại như những dự ngôn có thể nhìn thấy đầy ám ảnh và suy tư thời hậu chiến.
Ý thơ cố tình tạo ra sự luẩn quẩn đặt bên cạnh sự tiếp nối là để bộc bạch cho được bao nỗi niềm ưu tư. Rõ ràng, sau chiến tranh bao nỗi lo lắng còn ngổn ngang trong lòng người. Hết chiến tranh rồi là mừng đấy nhưng liệu rằng con người chúng ta đã hết khổ đau?.
Đoạn thơ cuối khắc họa rất rõ nỗi niềm đau đớn âm ỉ kia “và thật tình cờ cho tôi nhận ra/ xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà/ có mười sáu người đàn bà/ sau chiến tranh chồng không về nữa…”. Nỗi đau như còn nguyên đấy, nó là sự mất mát không gì có thể bù đắp được “sau chiến tranh chồng không về nữa”.
Sự thiếu vắng ấy tránh sao để lại những hẫng hụt chông chênh? Số lượng đớn đau có thể thấy được qua việc tác giả sử dụng số từ, mười sáu người “vắng mặt” trên hai mươi sáu ngôi nhà, rõ ràng tỷ lệ mất mát kia chiếm hơn năm mươi phần trăm thì điều đó đồng nghĩa với việc có hơn phân nửa phụ nữ “xóm tôi” rơi vào cảnh góa bụa thì sao không khỏi bàng hoàng, xa xót? Sự đơn lẻ ấy hàm chứa bao nhiêu những hiện hữu đau đớn và trăn trở.
“Bến không chồng” (Dương Hướng) đã đau đớn rồi, nhưng bến mất chồng trong thơ Nguyễn Trọng Tín có lẽ cũng không kém phần đớn đau, vì chung quy lại toàn là những số phận cô lẻ, họ phải gánh chịu thiệt thòi đều do chiến tranh gây nên mà thôi. Do vậy, qua con mắt thi nhân, nỗi đau ấy được nhìn bằng cái nhìn phóng đại nhưng đẫm đặc sự sẻ chia “có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ/ dù đã mười năm giặc giã qua rồi”.
Thương xót đấy và cũng lo lắng đấy. Rồi đây, những số phận góa bụa kia, con cái họ lớn lên thiếu vắng tình phụ tử, thì liệu rằng hiện thực ấy có gì để bù đắp và đẩy lùi được những chênh chao mà không khỏi “âm ỉ”? Lời thơ đóng lại nhưng dư âm thì như còn đang được kéo dài ra mãi. Day dứt. Trăn trở.
Nếu để ý một chút thì thấy điều này, ba nhân vật được tác giả nhắc đến ở phần sau tác phẩm thì cả ba đều là những nhân vật yếu đuối, đáng thương và đáng trọng, do vậy cũng đáng để cho xã hội quan tâm nhất, đó là “trẻ thơ”, “người già” và “mười sáu người đàn bà” góa bụa.
Minh họa/INT
Lúc đầu, tác giả có nhắc đến niềm hân hoan của cả xóm “như ngày hội” vì ngày vui của “em gái nhà bên lấy chồng xóm bên” là chỉ như một động tác mào đầu dẫn dụ cho câu chuyện phía sau bật ra. Sức nặng và cũng là giá trị của tác phẩm dồn lại phía sau. Phía những con người đang đặt ra cho toàn xã hội những nghĩ suy không thể không suy nghĩ!
Có thể nói, bài thơ “Có mười sáu cuộc chiến tranh” được viết bằng một tâm thức ưu tư đầy lo lắng. Ý thơ như ẩn vào từng thân phận đang và sẽ còn là nạn nhân của chiến tranh để suy ngẫm và bộc bạch.
Rồi đây, cuộc sống của những số phận ấy sẽ ra sao khi họ phải đối mặt với những mất mát quá lớn kia? Bởi thế mà giọng thơ như nghẹn lại “xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà/ có mười sáu người đàn bà/ sau chiến tranh chồng không về nữa…”. Những mất mát kia là nỗi đau ẩn tàng mà hiện hữu.
Bởi thế, đằng sau cuộc chiến luôn là một bài toán nan giải. Cuộc chiến khép lại nhưng những nỗi đau mà cuộc chiến để lại thì vẫn còn, nó đeo bám vào tâm trí của mỗi chúng ta.
Bài thơ “Có mười sáu cuộc chiến tranh” là tiếng nói nhân đạo đi liền với tiếng nói nhân văn. Vui trong hạnh phúc an yên hòa bình, mừng trong sự vận hành tiếp biến hứa hẹn trưởng thành thì cũng là lúc đang phải ngó thấy những nỗi đau vẫn còn ẩn khuất “âm ỉ” đâu đó trong mỗi số phận con người. Có được cái nhìn song hành ấy thì mới mong đem đến hạnh phúc thật sự cho con người.
Bởi thế, bài thơ vừa có lời reo mừng chào đón hạnh phúc mới (dẫu chỉ như cơn gió thoáng chốc lướt qua), vừa có sự trăn trở ưu tư trước hiện hữu những mất mát hẫng hụt còn như nguyên đó, lại vừa như có kèm thêm những mong cầu tha thiết là phải làm sao cho những số phận chẳng may thiệt thòi kia có được một cuộc sống hạnh phúc? Điều ấy lại chẳng là điều đáng cho chúng ta trân trọng và suy nghĩ sao?
Khang Quốc Ngọc
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/cam-thu-van-hoc-nhung-noi-dau-con-an-khuat-post727460.html