'Cảm thức Đông Dương' tại ngôi trường trăm tuổi lần đầu đón khách tham quan

'Cảm thức Đông Dương' tại ngôi trường trăm tuổi lần đầu đón khách tham quan
12 giờ trướcBài gốc
Tòa nhà Đại học Tổng hợp, tiền thân là Viện Đại học Đông Dương, lần đầu mở cửa đón khách tham quan với các triển lãm nghệ thuật sáng tạo.
Công trình được kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế vào năm 1926 và chính thức trở thành Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956, tòa nhà lịch sử tọa lạc tại số 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là một trong những công trình kiến trúc Đông Dương nổi bật tại Việt Nam với thiết kế mái vòm cao, sảnh lát đá và hoa sắt đặc trưng. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, đây còn là nơi đào tạo nên nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam.
Vào năm 2013, tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được HĐND Thành phố Hà Nội xếp vào danh mục các công trình kiến trúc cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trở thành một biểu tượng quan trọng của lịch sử.
Từ ngày 9/11 đến ngày 17/11, tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” thuộc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 là sự kiện giúp du khách lần đầu tiên được tham quan công trình hơn trăm tuổi cùng với 22 tác phẩm nghệ thuật sáng tạo.
Tại sảnh chính của tòa nhà là không gian đón khách, các họa sỹ đã tạo những ô kính hình vòm trên cánh cửa nhìn ra phố lớn với cảm hứng từ hình ảnh những bóng đèn tượng trưng cho ánh sáng của tri thức. Dù đã trải qua hàng thập kỷ, trên vòm tòa nhà vẫn còn lưu giữ hình ảnh 2 con chim phượng hoàng, biểu tượng uy quyền trong văn hóa Á Đông. Tại đây, họa sỹ Phạm Trung Hưng vẽ lại hình ảnh đó rõ nét và sống động hơn bằng công nghệ trình chiếu 3D mapping.
Nằm ngay bên trái của lối vào là các tác phẩm gốm “Cảm tác Lam” của nữ họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Các họa tiết cúc, mẫu đơn, hạc, phượng, hoa sen… được cách điệu và tạo hình trên bình, đĩa gốm, là sự kế thừa vẻ đẹp cổ điển của dòng gốm men lam Bát Tràng.
Tại góc trưng bày khác của tầng 1 trưng bày kết quả nghiên cứu, sưu tầm và thể nghiệm với di sản nghề thêu của Việt Nam thời kỳ Đông Dương của họa sỹ Phạm Ngọc Trâm.
Những tấm lụa, sợi chỉ tơ, bảng màu nhuộm thủ công từ làng nghề được chế tác từ các nguyên liệu thiên nhiên, khắc họa tâm thức và thẩm mỹ trong văn hóa Việt.
Tác phẩm “Mê lộ Đông Dương – tìm về lối xưa” do Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế và các giảng viên, nghệ sỹ khách mời và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thực hiện như những lời tri ân về môn học trong phần nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền Phương Đông của Trường Mỹ thuật Đông Dương do Charles Batteur giảng dạy.
“Mê lộ Đông Dương” là sự kết hợp giữa cấu trúc của một bài học ghi chép kiến trúc với một giả tưởng về sự liên tục của một lý tưởng giáo dục nghệ thuật.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 13/11, khu vực trưng bày tại tầng 2 đang quá tải lượng khách tham quan. Vì vậy, Ban tổ chức đã chia thành những đoàn nhỏ tham quan gồm 15 người/lượt, mỗi lượt sẽ tham quan tầng 3, 4, 5 trong 7 phút.
Nằm dọc cầu thang lên tầng 2 là sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh trắng đen của Phạm Duy mang tên “Hai ốc đảo”. Tên gọi này xuất phát từ ý niệm về 2 công trình thiết kế là Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam như những ốc đảo ẩn giữa đô thị với nhiều lớp trầm tích mỹ thuật của xứ sở Đông Dương.
Tại tầng 2 của tòa nhà là chùm tác phẩm sắp đặt “Từ hư vô trở về” của nghệ sỹ Phạm Thủy Tiên. Mẫu vật là khung xương bò được sắp đặt ánh sáng với giấy dó, kết hợp đèn, động cơ, tạo nên những chuyển động nửa thực nửa hư khiến người xem có cảm giác như những mạch đập từ khởi nguyên quay trở lại.
Bảo tàng Sinh học (thuộc Khoa Sinh học – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là Bảo tàng Sinh học đầu tiên ở Đông Dương và Việt nam.
Bảo tàng Sinh học hiện đang lưu trữ hơn 21.000 mẫu động vật không xương sống, hơn 6.500 mẫu vật động vật có xương sống và phòng bách thảo.
Các mẫu vật được trưng bày để phục vụ quá trình nghiên cứu và quan sát thực tế cho sinh viên của trường.
Khung cửa sổ kính màu nhìn sang tòa nhà đối diện trong khuôn viên trường.
Sự kiện không chỉ là trải nghiệm văn hóa, mà còn là hành trình kết nối với di sản nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, khám phá và cảm nhận giá trị và vẻ đẹp kiến trúc của tòa nhà cổ một cách trọn vẹn.
Hà Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/cam-thuc-dong-duong-tai-ngoi-truong-tram-tuoi-lan-dau-don-khach-tham-quan-388391.html