Cấm thuốc lá điện tử: Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Cấm thuốc lá điện tử: Cần giải quyết tận gốc vấn đề
20 giờ trướcBài gốc
Tác động tích cực đến giới trẻ
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025; đây được xem là một quyết định rất quan trọng mang tính nhân văn, thể hiện tính nhất quán trong việc phòng ngừa các tác hại từ thuốc lá, chất gây nghiện đến với người dân.
Đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi, thế hệ tương lai của đất nước khi các nhóm đối tượng này đang chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng kết hợp sử dụng cả shisha, bóng cười gây nghiện và các chất kích thích khác. Bởi việc sử dụng này không chỉ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần của thế hệ trẻ mà còn ảnh hưởng chung đến toàn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử đều là giới trẻ. Ảnh minh họa
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giới trẻ hiện nay đang ‘nghiện’ thuốc lá điện tử bởi mặt hàng này thường được thiết kế bắt mắt, hiện đại, nhỏ gọn, dễ mang theo. Kèm với đó là hương vị đa dạng như trái cây, kẹo, bạc hà, làm tăng sự thu hút đối với giới trẻ. Đặc biệt, đa phần người trẻ sử dụng nghĩ rằng khi hút thuốc lá điện tử trông sẽ ‘ngầu’, sành điệu và ‘dân chơi’ hơn. Bên cạnh đó, họ cho rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử ít có hại hơn các loại thuốc lá truyền thống và có một phần gây cảm giác ‘phê’ khi sử dụng.
Sau khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trên, hiện nay, Bộ Y tế đang đề xuất và sửa đổi, bổ sung Nghị định 117 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Bà Đinh Thị Thu Thủy (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi bổ sung các mức phạt cũng như xử phạt đối với hành vi chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mức đề xuất phạt hiện nay từ 1 - 2 triệu đồng, tương đương với mức phạt cho hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Ở các nước trong khu vực, mức phạt với người sử dụng và kinh doanh thuốc lá điện tử khá cao như: Singapore xử phạt khoảng 37 triệu đồng người hút thuốc lá điện tử; Hồng Kông (Trung Quốc) phạt khoảng 162 triệu đồng cho hành vi nhập khẩu, sản xuất, bán hoặc phân phối và có thể phạt tù lên đến 6 tháng…
Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng ban hành Công văn số 17/TCHQ-GSQL ngày 02/01/2025 yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng kể từ ngày 01/01/2025.
Ngoài ra, rất nhiều các cơ quan chức năng khác có liên quan từ Trung ương đến địa phương cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử. Đồng thời, hành động trên đã tác động tích cực đến giới trẻ, giúp nhóm người dùng này nói không với thuốc lá điện tử.
Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ thuốc lá điện tử nhập lậu tại một cửa hàng trên phố Phùng Hưng. Ảnh: Quản lý thị trường Hà Nội
Anh Hải (TP. Hà Nội), một thanh niên đã có thâm niên sử dụng thuốc lá điện tử cho biết, việc sử dụng thuốc lá điện tử - Vape từ trước đến nay là một thói quen thường ngày, không chỉ riêng anh mà đa phần các bạn trẻ khác đều sử dụng.
“Vì mình sử dụng đã lâu, cũng không hẳn là nghiện nhưng nó gần như là một thói quen khó bỏ. Hiện nay thuốc lá điện tử đã bị cấm nên mình cũng phải đang bỏ dần, nếu không có quyết định cấm chính thức này thì không biết khi nào mình mới bỏ được”, anh Hải chia sẻ.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã chính thức không còn sử dụng thuốc lá điện tử, nhiều đơn vị kinh doanh, cửa hàng online cũng đã có động thái dừng buôn bán, đóng cửa hàng hay chuyển hướng kinh doanh sang các sản phẩm khác phù hợp hơn.
Có cung ắt sẽ có cầu?
Vấn đề về thuốc lá điện tử không chỉ được giải quyết bằng cách cấm đoán, xử phạt mà cần phải tiếp cận một cách toàn diện, từ công tác quản lý nhà nước đến giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng. Chìa khóa thực sự để ngăn chặn thuốc lá điện tử chính là nâng cao ý thức người sử dụng, khuyến khích họ từ bỏ thói quen này cũng như thói quen sử dụng các sản phẩm tương tự, gây nghiện và bị cấm.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng như các sản phẩm thuốc lá, chất cấm khác, không chỉ đơn thuần là hành vi mua bán hay tiêu thụ sản phẩm, mà còn là vấn đề ý thức người sử dụng. Nếu chỉ có can thiệp từ các quy định của pháp luật mà thiếu sự thay đổi ý thức từ người sử dụng, việc cấm thuốc lá điện tử có thể không đạt được mục tiêu như mong muốn.
Nói cách khác, khi người sử dụng chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và chưa có sự thay đổi trong thói quen thì việc cấm đoán chỉ đơn giản là người sử dụng sẽ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.
Thuốc lá điện tử được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, rất khó kiểm soát. Ảnh chụp màn hình Facbook
Ví dụ, khi thuốc lá điện tử bị cấm, người sử dụng có thể chuyển sang sử dụng thuốc lá thông thường hoặc một sản phẩm khác tương tự. Vì việc tìm kiếm một “chất thay thế” luôn tồn tại trong tâm trí người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ luôn có xu hướng khẳng định mình, tìm tòi những thứ mới mẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu một loại sản phẩm bị cấm, người tiêu dùng có thể chuyển sang các sản phẩm tương tự, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Ngoài ra, với sự phát triển của thị trường thuốc lá điện tử và internet, người sử dụng cũng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm này qua các kênh trực tuyến, gây khó khăn trong việc kiểm soát và ngăn chặn. Đó là chưa nói đến việc các sản phẩm gây nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sẽ được các đối tượng xấu sản xuất, chế biến ra trong thời gian tới.
Các cơ quan chức năng cần tập trung vào việc giáo dục cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử, cũng như nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của các sản phẩm liên quan đến thuốc lá, cũng như chất gây nghiện. Qua đó khuyến khích người dân không sử dụng, nếu vi phạm sẽ phải chịu những chế tài xử phạt nghiêm khắc, thậm chí bị xử lý hình sự.
Việc cấm thuốc lá điện tử là một quyết định mang tính nhân văn, đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, bên cạnh các chế tài xử phạt, cần phải lưu ý đến việc giáo dục, nâng cao công thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử và các sản phẩm gây nghiện khác. Ý thức của họ chính là chìa khóa để giải quyết tận gốc vấn đề, bởi khi mỗi cá nhân hiểu rõ và tự nguyện loại bỏ những thói quen có hại thì vấn đề mới được giải quyết triệt để.
Quốc Huy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-can-giai-quyet-tan-goc-van-de-369399.html