Công việc hàng ngày của Tố Linh (23 tuổi), hiện đang là nhân viên của một quán cà phê tại quận Đống Đa, Hà Nội là tiếp đón và phục vụ khách, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo không gian quán luôn được sạch đẹp và thoải mái. Vì phải di chuyển liên tục giữa các bàn, Linh dễ dàng quan sát thói quen của khách, đặc biệt là giới trẻ. Chia sẻ với phóng viên, Linh cho biết, trước khi có lệnh cấm thuốc lá điện tử, khách đến quán, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng thuốc lá điện tử khá nhiều, thậm chí còn hơn là thuốc lá điếu. Tuy nhiên bắt đầu từ năm nay, khi Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực Asean và là 1 trong 43 nước trên thế giới cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì dường như việc hút tuy vẫn còn nhưng không còn thoải mái vô tư như trước.
Danh sách một số hội nhóm bán thuốc lá điện tử công khai trên Facebook với số lượng thành viên đông nhất lên đến 109 nghìn người (Nguồn: Facebook)
Từ khi thuốc lá điện tử được liệt vào danh sách hàng cấm, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành thì việc buôn bán mặt hàng này đã chuyển từ hình thức công khai thành hoạt động ngầm, chủ yếu qua mạng. Khách hàng sẽ giao dịch trực tuyến, người bán sẽ đặt chuyển phát nhanh để đảm bảo an toàn.
Để kiểm chứng, phóng viên đã thử tìm mua thuốc lá điện tử trên Facebook. Chỉ sau 10 phút tìm kiếm với từ khóa “pod giá rẻ” hoặc các từ khóa khác như “thuốc lá điện tử”, “mua pod”... hàng chục tài khoản và hội nhóm bán hàng xuất hiện công khai với các sản phẩm đa dạng mẫu mã, giá từ 200.000 - 1.500.000 đồng, nhiều khi còn đắt hơn vì mặt hàng này giờ được xếp vào loại khan hiếm. Một người bán ẩn danh cho biết, bây giờ chỉ bán chui, bán trên mạng và để không bị phát hiện, họ sử dụng các thuật ngữ như ‘máy thở’, ‘hàng khói’…
Một bạn nữ giấu tên tạm gọi là H, 20 tuổi ở Hà Nội đã sử dụng thuốc lá điện tử từ những năm học cấp 3. H sử dụng rất thường xuyên, thậm chí đi đâu cũng mang theo, kể cả khi đang thực hiện những công việc tại nhà.
“Thật ra thì lệnh cấm không khiến mình lo lắng lắm tại vì mình vẫn hút được mà. Chỉ cần cẩn thận hơn, dùng ở nhà hoặc chỗ ít người là được. Một số bạn bè của mình thì chuyển sang thuốc lá điếu vì dễ mua và ít bị để ý hơn”, H chia sẻ.
Khác với H, bạn Phạm Minh Đức (22 tuổi, Hà Nội) - một người cũng đã từng sử dụng thuốc lá điện tử chia sẻ quan điểm cá nhân rằng lệnh cấm tác động kịp thời, đúng lúc nhưng lại chưa có tính răn đe. Với Đức, tác động của lệnh cấm cũng chỉ ở mức tuyên truyền, chưa có chế tài xử phạt gắt gao.
Các bạn học sinh vẫn ngang nhiên sử dụng thuốc lá điện tử ở các hàng quán (Nguồn: Báo Lâm Đồng online)
Đức cũng chia sẻ thêm, một trong những lý do khiến thuốc lá điện tử trở nên phổ biến là sự thiếu hiểu biết về tác hại của nó, không ít bạn trẻ còn cho rằng sử dụng thuốc lá điện tử "an toàn hơn" thuốc lá điếu. Bên cạnh đó, việc quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, với những hình ảnh bắt mắt và lời mời gọi hấp dẫn, đã khiến giới trẻ dễ dàng tiếp cận và bị thu hút.
Lệnh cấm thuốc lá điện tử đã hạn chế phần nào việc sử dụng công khai, nhưng thị trường buôn bán mặt hàng này vẫn ngầm tồn tại. Có cầu thì ắt có cung, do vậy muốn giảm thiểu thực trạng này, cần có các biện pháp và chế tài mạnh hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Mục 2.2 về lĩnh vực y tế, “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025. Theo đó, các hành vi “sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử” là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đề xuất phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Người có hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngoài bị phạt tiền, tịch thu sản phẩm cấm thì còn bị buộc tiêu hủy và gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Ngọc Ánh-Minh Hạnh/VOV2