Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây vừa là cơ hội để ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức cảnh báo tại các các đô thị lớn, vừa thách thức khi lộ trình để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện chỉ trong 1 năm tới.
Chi tiết các tuyến đường vành đai 1 Hà Nội dự kiến cấm xe xăng. Ảnh: VNA Media
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá Chỉ thị 20/CT-TTg đã thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ, bước đi cần thiết trong việc giảm ô nhiễm môi trường hiện nay. Nhất là khi Hà Nội đang thí điểm vùng phát thải thấp tại một số khu vực, việc cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 coi như đây cũng chính là vùng phát thải thấp.
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến ngày 1/7/2026 không còn nhiều, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi phương tiện, đồng thời có các biện pháp tăng cường giao thông công cộng. “Ước tính Hà Nội có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, cùng với doanh nghiệp, Nhà nước cần tính đến việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện như thế nào”, TS. Hoàng Dương Tùng đặt vấn đề. Thành phố Hà Nội được đánh giá có mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục. Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Hà Nội sẽ cấm xe xăng tại vành đai 1. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo anh Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Khoa Vận tải – Kinh tế (trường Đại học Giao thông Vận tải), đây là lộ trình rất tham vọng và để thực hiện lộ trình này cần xử lý những vấn đề như việc chuyển từ xe xăng sang xe điện thì nguồn cung, điểm sạc điện ở đâu, chúng ta có đáp ứng nguồn cung này không. Chỉ riêng tại Hà Nội có khoảng 4-5 triệu xe thường xuyên lưu thông trong khu vực trung tâm, trong khi số lượng trạm sạc xe điện ở khu vực này ít, chủ yếu ở các khu đô thị, ngoài trung tâm. Năng lực hiện hữu đáp ứng tỷ trọng rất thấp trong số lượng xe lưu thông.
Phó trưởng Bộ môn Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh, Nhà nước muốn thực hiện các chính sách này, mang lại kết quả và thực cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong việc cắt giảm khí thải môi trường thì cần có lộ trình từ thí điểm, đánh giá, điều chỉnh, giám sát đến thực hiện, tham khảo các quốc gia đã triển khai và vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù của địa phương. Như áp dụng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có sự khác nhau như không gian, thời gian, lộ trình thực hiện chính sách. Cũng theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3. Về phía Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho hay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương rà soát các nội dung liên quan để triển khai nội dung Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025. Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực hiện từ quý III/2025. Đường Vành đai 1 có tổng chiều dài khoảng 7,2 km, với lộ trình cơ bản từ Nghi Tàm – Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Cầu Giấy – Bưởi – Lạc Long Quân. Trong đó, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục vẫn đang thi công, phấn đấu quý IV/2025 hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nếu hoàn thành đoạn tuyến này, đây sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín. Với vai trò là vùng giao thông xung quanh lõi trung tâm với nhiều công trình di sản cần bảo tồn bên cạnh việc hiện đại hóa hạ tầng. Vậy nên, vấn đề bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị càng trở nên cần thiết và cấp bách. Song quá trình chuyển đổi nào cũng cần có lộ trình và các giải pháp cụ thể để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng.
Diệp Anh/Bnews/Vnanet.vn