Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 1/7/2026. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Để triển khai cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, các chuyên gia giao thông cho rằng Hà Nội phải giải quyết bài toán hỗ trợ xe máy xăng chuyển sang điện, các trạm sạc và nguồn điện cung ứng, cũng như phát triển mạng lưới giao thông công cộng.
Nhiều lo lắng và băn khoăn nếu đổi xe
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 20 về nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ, Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 1/7/2026. Lộ trình từ tháng 1/2028 sẽ hạn chế cả xe máy và ôtô chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Ngay sau khi có thông tin cấm xe máy đi vào Vành đai 1 từ 1/7/2026, anh Phạm Văn Thành (phường Bồ Đề, Hà Nội) ủng hộ quan điểm chuyển đổi xanh và hạn chế xe máy của Hà Nội nhưng cần có một lộ trình bài bản và phù hợp.
Có trụ sở cơ quan tại phố Trần Hưng Đạo và mới mua chiếc xe máy Honda Vision được 8 tháng, anh Thành chia sẻ đây là phương tiện đi làm hàng ngày và nếu triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng thì chiếc xe máy mới này phải bán rẻ và buộc phải sắm thêm chiếc xe máy điện.
“Việc chuyển đổi từ xe xăng, dầu, sang xe điện, còn chưa đầy một năm nữa, sẽ tốn một số tiền không hề nhỏ cho mỗi gia đình. Chưa kể các xe xăng không sử dụng nữa thì Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ cho người dân để đi vào trong Vành đai 1 không? Thành phố Hà Nội có thể tăng thêm số lượng xe buýt, trạm sạc, để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân? Chính quyền sẽ dựng hàng rào kiểm soát phương tiện đi lại như thế nào và xử lý những xe cố tình đi vào hay chưa chuyển đổi?,” anh Thành bày tỏ lo lắng.
Để đi vào Vành đai 1, từ ngày 1/7/2026, người dân bắt buộc phải sử dụng xe máy điện thay cho xe máy chạy xăng. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Nhà có 3 chiếc xe máy để mỗi thành viên trong gia đình đi lại công việc thuận tiện, ông Trần Trọng Đức (phường Hồng Hà, Hà Nội) đang tính toán số tiền vài chục triệu đồng nếu phải chuyển đổi số lượng xe cho cả nhà.
“Lộ trình chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện để đi vào Vành đai 1 quá gấp gáp, gây khó khăn cho nhiều gia đình. Xe điện chỉ phù hợp với người đi lại quãng đường ngắn, có thời gian sạc. Với người di chuyển hàng ngày, ắc quy nhanh bị chai, sau hai năm lại tốn 2-3 triệu đồng tiền thay mới. Tại sao lại thí điểm trên xe máy, phương tiện mưu sinh của số đông thay vì ôtô cá nhân vốn phát thải lớn hơn và chiếm nhiều diện tích hơn?” ông Đức đặt câu hỏi.
Để hiện thực hóa chủ trương này, nhiều người dân cho rằng cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp đồng bộ từ hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, nâng cấp hạ tầng giao thông xanh, giải quyết bài toán thiếu trạm sạc, đảm bảo phương tiện công cộng phải đúng giờ, đúng tuyến và thuận tiện.
Nghiên cứu giải pháp, cơ chế thực hiện tổng thể
Nhìn nhận chỉ đạo trên của Thủ tướng là phù hợp với xu hướng chung của cả nước trong việc giải quyết vấn đề về môi trường, đặc biệt với thủ đô thì có ý nghĩa rất quan trọng, theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đây là một ý chí quyết tâm cần thiết của Chính phủ nhằm giảm ô nhiễm. Với Chỉ thị này, toàn bộ khu vực bên trong Vành đai 1 có thể được coi là vùng phát thải thấp.
Thông qua chỉ đạo này, ông Tạo cho rằng các bộ, ngành cơ quan liên quan phải có trách nhiệm nghiên cứu các giải pháp, đề xuất cơ chế thực hiện nhằm chuyển đổi các loại xe máy chạy bằng xăng sang xe điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời tuyên truyền phổ biến giáo dục cho toàn dân về vấn đề này góp sức vào công cuộc bảo vệ môi trường của thành phố.
Tuy nhiên, ông Tạo thừa nhận xe máy ở Hà Nội là kế sinh nhai của nhiều người. Do đó, thành phố Hà Nội phải giải quyết bài toán hỗ trợ xe máy xăng chuyển sang điện; hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất xe điện và giải quyết vấn đề tồn đọng xe máy chạy bằng xăng.
Chỉ ra thêm khó khăn về nguồn điện cung cấp, các trạm sạc, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết ngành điện cũng phải nghiên cứu ngay số lượng nhu cầu các xe máy chạy bằng xăng chuyển sang điện thì vấn đề cung cấp điện như thế nào? Nguồn cung thiếu hay đủ và tốc độ cấp tải điện về cơ sở sử dụng điện, đường dây ra sao? Tổ chức cấp điện tại các trạm sạc, trạm sạc được bố trí đặt ở đâu, khu tập trung hay gia đình, cơ quan?
“Cơ quan quản lý về mặt kỹ thuật cần có các đề xuất nghiên cứu đánh giá tỷ mỷ và nếu cấp điện cao nhất hiện nay bao nhiêu kW thì mới tính được số xe chuyển đổi và lượng xe đi vào, từ đó định hình vùng phát thải thấp,” ông Tạo góp ý thêm.
Hà Nội cần đẩy nhanh phát triển vận tải công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, đúng giờ cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chung quan điểm, Giáo sư-tiến sỹ Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng nhiều người dân hiện nay dùng xe máy xăng để di chuyển đến các trường học, bệnh viện, cơ quan ở khu vực trung tâm, trong khi điều kiện hạ tầng công cộng chưa đáp ứng đủ thì người dân dùng phương tiện gì để di chuyển vào khu vực trên? Nếu mua thêm hoặc chuyển sang xe máy điện sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và mưu sinh, nhất là với dân lao động.
Để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng cụ thể, ông Sùa kiến nghị thành phố Hà Nội cần tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc…/.
(Vietnam+)