Cấm xe xăng giống như mổ cấp cứu, không khí Hà Nội không thể đợi thêm

Cấm xe xăng giống như mổ cấp cứu, không khí Hà Nội không thể đợi thêm
8 giờ trướcBài gốc
Mấy hôm nay, bầu trời Hà Nội xám xịt bởi lớp sương mù mờ đục do bụi mịn tạo nên, khiến ai cũng thấy ngột ngạt, hơi thở nặng nề, khó khăn. Sáng 14/7, Hà Nội là thành phố đứng thứ 2 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI 167, nhiều khu vực chạm ngưỡng đỏ nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khung giờ 7-8h ngày 15/7, chỉ số này thậm chí còn lên đến 170.
Giờ tan tầm hôm qua, trong 7 phút chờ xe ở đường Trần Quang Khải (thuộc Vành đai 1), tôi đếm được hơn 200 chiếc xe máy chạy qua, khoảng 95% là xe chạy xăng đang nhả khói. Có vài chiếc xe cũ phun ra dòng khói đen sì khiến tôi dù đeo khẩu trang vẫn rùng mình buồn nôn.
Khi mùi khói cay xè, hôi nồng xộc vào phổi, tôi cảm thấy muốn đếm từng ngày tới cái mốc tháng 7/2026, khi xe máy chạy xăng bị cấm vào Vành đai 1 theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng; càng mong sớm đến năm 2030 khi toàn bộ ô tô, xe máy chạy xăng dầu bị cấm cả ở Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3.
Suốt mấy hôm nay, đây là chủ đề dân sinh được bàn luận nhiều nhất; bên cạnh phần lớn ý kiến ủng hộ là không ít băn khoăn về mức độ gấp gáp cũng như ảnh hưởng đối với người nghèo, về khả năng đáp ứng của hạ tầng đối với số lượng lớn xe điện sẽ chuyển đổi. Với những khó khăn hay cản trở, cả hệ thống sẽ phải tìm giải pháp và thực hiện đồng bộ, còn việc "cắt" dần xe chạy xăng nhất thiết phải được đảm bảo theo Chỉ thị 20, vì với mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm hiện tại, Hà Nội không thể chờ thêm nữa.
Thật ra, lệnh cấm xe máy chạy xăng ở Vành đai 1 từ năm 2026, cấm mọi loại xe chạy xăng dầu ở cả Vành đai 1 và Vành đai 2 từ 2028 không hề gấp gáp mà thậm chí có thể coi là trễ. Từ 8 năm trước, Hà Nội đã đặt ra lộ trình cấm xe máy trong Vành đai 1 và xây dựng nhiều đề án nhưng đến nay chưa thể thực hiện.
Năm 2019, Hà Nội cũng nghiên cứu cấm xe máy vào giờ cao điểm trên 6 tuyến phố gồm: Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng. Thành phố từng có kế hoạch bắt đầu cấm xe ngoại thành vào nội thành từ 7h đến 19h hàng ngày trong vùng Vành đai 1 từ năm 2021. Mới nhất là đầu năm 2025, Thủ đô thí điểm hạn chế xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Hà Nội từng nhiều lần lên kế hoạch để giảm thiểu tác hại của xe máy chạy bằng xăng. (Ảnh minh họa: Ngô Nhung)
Về khó khăn của người dân khi chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện theo Chỉ thị 20, ngày 14/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1; thiết lập các chính sách bổ trợ như thu đổi xe xăng sang xe điện, hỗ trợ gần như 100% chi phí liên quan việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới...
Có lẽ trong quá trình chuyển đổi, nhiều vấn đề, thử thách sẽ phát sinh, nhưng chúng ta nên ghi nhận trên tâm thế tìm giải pháp để thực hiện bằng được việc hạn chế xe xăng vào nội đô thật sớm, chứ không nên "bàn lùi" rằng nên giãn lộ trình với lý do chi phí mua xe điện còn cao đối với các gia đình nghèo. Nói cách khác, chúng ta cần có cách giảm gánh nặng tài chính cho người nghèo khi chuyển đổi, còn xe xăng thì vẫn phải từ bỏ.
Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội là vấn đề sống còn, vì với chất lượng không khí như hiện nay, sức khỏe và tuổi thọ của mọi người dân đều bị đe dọa, trong đó người nghèo sẽ thiệt thòi hơn vì họ hít khói bụi nhiều hơn khi di chuyển, sống ở nơi chật hẹp, ẩm thấp, bụi bặm hơn và nếu mắc bệnh do ô nhiễm thì thường phát hiện muộn hơn, điều kiện chữa trị cũng kém hơn.
Không chỉ sạch trở lại nhờ chuyển đổi phương tiện này, những người thường xuyên phải lao động ngoài trời sẽ được hưởng lợi ích lớn và lâu dài.
Nếu đợi đến khi dân giàu hơn mới cấm xe xăng, sẽ có thêm rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo vì không khí bẩn, chi phí toàn xã hội phải bỏ ra còn tốn kém gấp nhiều lần chi phí đổi xe điện. Có thể ví sự cần kíp, khẩn trương của việc cắt giảm xe xăng như ca mổ cấp cứu, hoặc phải thực hiện ngay lập tức, hoặc bệnh nhân chịu tổn thất không thể vãn hồi, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã cấm xe máy xăng vào Vành đai 3 từ năm 1986, cách đây suýt soát 4 thập kỷ, khi thu nhập bình quân đầu người của họ là 282USD, tương đương 799,43 USD vào năm 2025, nếu tính theo chỉ số lạm phát của Mỹ (CPI). Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ước khoảng 4.700 USD, nghĩa là năng lực kinh tế của chúng ta hiện không kém, chuyển đổi càng sớm thì thành phố càng sớm phát triển toàn diện.
Quảng Châu (Trung Quốc) cũng từng nổi tiếng là thành phố của xe máy xăng, với 90.000 xe vào năm 2003. Đây là phương tiện mưu sinh của đa phần người dân nhập cư. Thế nhưng, thành phố vẫn quyết cấm tất cả xe máy xăng vào năm 2007.
Theo Tân Văn xã, lệnh cấm này ảnh hưởng đến 500.000 xe ôm, người chở hàng. Để hỗ trợ, địa phương tổ chức hội chợ tuyển dụng chuyên đề dành riêng cho nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, quy tụ khoảng 600 doanh nghiệp tuyển dụng; cử người đi tận nhà, gặp từng lao động bị ảnh hưởng để cung cấp thông tin về chính sách, đào tạo nghề và hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp.
Đối với người dân phải giao nộp xe máy, chính quyền hỗ trợ mức giá trung bình là 180 USD mỗi xe; số tiền thay đổi tùy theo năm sử dụng. Nhờ đó, "vương quốc xe máy" Quảng Châu hiện không còn loại phương tiện này, không còn nạn kẹt xe, đường phố thoáng và sạch.
Tôi tin rằng Hà Nội cũng sẽ sớm trở lại xanh, sạch, đẹp nếu chúng ta cương quyết chuyển đổi phương tiện càng sớm càng tốt.
Hàn Dương
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cam-xe-xang-giong-nhu-mo-cap-cuu-khong-khi-ha-noi-khong-the-doi-them-ar954284.html