Camera AI giao thông là xu thế tất yếu của quản lý đô thị hiện đại.
Xu thế tất yếu của quản lý đô thị hiện đại
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, vấn đề giao thông đô thị cũng ngày một phức tạp với số lượng phương tiện tăng nhanh, hạ tầng và nhân lực quản lý không theo kịp tốc độ phát triển. Chuyển đổi số trong quản lý giao thông trở thành giải pháp then chốt, với nòng cốt là sự xuất hiện của camera AI - một thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo thay đổi hoàn toàn cách thức giám sát và điều phối phương tiện.
Camera AI giao thông hiện đại không còn dừng lại ở chức năng ghi hình đơn thuần, mà đã được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: nhận diện biển số thích ứng, phát hiện và phân tích hình ảnh tốc độ cao, nhận diện khuôn mặt cũng như phát hiện hành vi vi phạm cụ thể là vượt đèn đỏ, lấn làn, sử dụng điện thoại khi lái xe, không thắt dây an toàn, dừng đỗ sai quy định thậm chí xả rác hoặc lấn chiếm vỉa hè… Mọi dữ liệu hình ảnh đều được thu thập 24/7, bất kể ngày đêm hay điều kiện thời tiết, rồi truyền về trung tâm chỉ huy thông qua mạng tốc độ cao.
Thiết bị camera sẽ tự động ghi nhận lại mọi vi phạm giao thông.
Phần mềm AI sẽ tự động phân tích, so sánh thông tin hiện trường với kho dữ liệu được cập nhật liên tục, từ đó nhận diện chính xác phương tiện, loại xe, biển kiểm soát và tài xế. Nếu phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ tự động cảnh báo, trích xuất video và gửi về bộ phận xử lý, đồng thời kết nối với các nền tảng công nghệ như VNeID, VNeTraffic để chuyển thông tin trực tiếp đến chủ phương tiện. Chủ xe tiếp nhận thông báo, đối chiếu hình ảnh và thực hiện nộp phạt trực tuyến nhanh gọn, minh bạch mà không phải đến trụ sở như trước, góp phần giảm thời gian, chi phí và loại bỏ tiêu cực trong quá trình xử lý.
Mô hình này mang lại nhiều tiến bộ rõ rệt: mọi vi phạm đều được ghi nhận tự động, không phụ thuộc vào việc có lực lượng chức năng ngoài hiện trường; hiệu quả xử lý tăng lên rõ rệt, hạn chế tối đa tranh luận, khiếu nại từ phía người dân vì mọi bằng chứng đều khách quan, rõ ràng.
Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm giao thông là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Camera AI giúp lực lượng cảnh sát giao thông không cần trực tiếp ra đường làm nhiệm vụ chốt chặn, nhưng mọi hành vi vi phạm đều được ghi nhận, truy vết và xử lý hoàn toàn minh bạch, công khai. Đây là bước tiến lớn giúp loại bỏ các tiêu cực có thể phát sinh, tạo niềm tin cho người dân.
Không những vậy, việc ứng dụng camera AI còn giúp khắc phục triệt để tình trạng thiếu hụt nhân lực cho ngành giao thông, giảm tải áp lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông vốn trước đây phải túc trực trên đường trong mọi điều kiện. Cảnh sát giao thông giờ đây được chuyển trọng tâm sang xử lý các trường hợp ngẫu nhiên phức tạp như tai nạn hay ùn tắc nghiêm trọng, còn mọi lỗi vi phạm phổ thông đều được hệ thống phát hiện, xử phạt hoàn toàn tự động. Việc số hóa toàn trình cũng giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch - một khía cạnh then chốt để tăng cường niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý nhà nước.
Đặc biệt, ngoài giám sát và xử phạt vi phạm giao thông, nhiều địa phương còn tích hợp thêm tính năng giám sát trật tự đô thị, tiến tới nhận diện hành vi xả rác, lấn chiếm vỉa hè, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp và thông minh theo hướng phát triển bền vững của toàn xã hội.
Camera AI tạo dấu ấn về mô hình quản lý giao thông số Thủ đô
Thông tin TP Hà Nội hoàn thiện lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông sử dụng trí tuệ nhân tạo AI vào cuối năm 2025 tạo ra nhiều phản ứng tích cực. Đến nay, hàng nghìn camera đã được lắp đặt tại các nút giao, tuyến đường trọng điểm, liên tục ghi nhận và truyền tải hình ảnh về trung tâm chỉ huy một cách tức thời. Hệ thống này không chỉ giúp giám sát phương tiện hiệu quả 24/7 mà còn thay đổi căn bản tư duy và quy trình vận hành của lực lượng chức năng.
Cảnh sát giao thông Hà Nội theo dõi tình hình giao thông qua camera giám sát.
Theo ghi nhận, trung bình mỗi tháng Hà Nội phát hiện và xử lý từ 500 đến 700 trường hợp ô tô bị phạt nguội thông qua hơn 600 cụm camera giám sát tự động 24/24 giờ. Qua đó, tạo tác động lớn đến ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Tác động "răn đe mềm" này thể hiện rõ nét ở việc không còn cảnh sát giao thông đứng cảnh giới tại mỗi nút giao, song mọi vi phạm đều có thể bị phát hiện và xử phạt bất cứ lúc nào. Ý thức tuân thủ luật lệ của cộng đồng cũng vì thế tăng lên rõ rệt, hướng tới xây dựng môi trường giao thông văn minh, trật tự.
Tại cuộc họp mới đây của UBND TP Hà Nội với 126 xã, phường, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: "Khi triển khai đầy đủ hệ thống camera AI, dự kiến đến ngày 18/12, TP Hà Nội sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài đường nữa".
Như vậy, Hà Nội đang tạo ra dấu ấn về mô hình quản lý giao thông số hiện đại, lấy công nghệ làm nền tảng phát triển, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực bảo đảm trật tự, an ninh đô thị và hỗ trợ phối hợp chống tội phạm.
Camera AI còn tích hợp theo dõi, phân tích dữ liệu các lĩnh vực đô thị khác nhau.
Xa hơn, Hà Nội còn thử nghiệm các module mở rộng như: giám sát hành vi xả rác, lấn chiếm vỉa hè, nhận diện và hỗ trợ bắt giữ đối tượng truy nã… tạo nền tảng tích hợp giữa các lĩnh vực khác nhau, nâng tầm hiệu quả của chuyển đổi số trong toàn bộ công tác quản lý nhà nước. Trong một số tình huống đặc biệt, hình ảnh nhận diện từ camera AI còn được chia sẻ với lực lượng an ninh, hỗ trợ điều tra, bảo đảm an toàn xã hội.
"Toàn bộ camera AI sẽ nhận diện được môi trường vỉa hè, hành động vứt rác không đúng quy định sẽ được chụp để xử lý, khi đó mới thay đổi hành vi của người dân về môi trường. Dự kiến tháng 6/2026 hệ thống sẽ vận hành, khi đó sẽ đảm bảo được nề nếp quy củ kể cả trật tự vỉa hè, đô thị", Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng thông tin.
Có thể khẳng định rằng, sự xuất hiện và phát triển không ngừng của camera AI trong giám sát, điều phối và xử phạt giao thông đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong hành trình xây dựng Thành phố thông minh tại Việt Nam. Với tầm nhìn hiện đại hóa quản lý đô thị và sự quyết tâm đổi mới, Hà Nội đang trở thành hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi, kiến tạo tương lai giao thông an toàn, minh bạch, hiệu quả và giàu tính nhân văn cho toàn xã hội
Nhiên Nhiên - Ảnh: Duy Khánh