Campuchia: Đối thoại Liên tôn Phật giáo - Thiên Chúa giáo lần thứ 8

Campuchia: Đối thoại Liên tôn Phật giáo - Thiên Chúa giáo lần thứ 8
một ngày trướcBài gốc
Sáng 27/05, Đối thoại Liên tôn Phật giáo - Thiên Chúa giáo lần thứ 8 chính thức khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia, quy tụ khoảng 150 đại biểu gồm chư Tăng, học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo đến từ 16 quốc gia.
Sự kiện kéo dài đến ngày 29/05, do Bộ Đối thoại Liên tôn Tòa Thánh Vatican, Hội đồng Giám mục Campuchia cùng nhiều trường đại học và cộng đồng Phật giáo sở tại phối hợp tổ chức.
Ảnh: vaticannews.va
Với chủ đề “Phật tử và Kitô hữu cùng hành động vì hòa bình thông qua hòa giải và kiên định tinh thần”, hội nghị lần này nhằm thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai truyền thống tôn giáo lớn, đồng thời khẳng định vai trò của giáo lý và thực hành tâm linh trong việc giải quyết các xung đột hiện đại.
Tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Vatican nhấn mạnh: “Trong một thế giới bị tàn phá bởi bạo lực và chia rẽ, diễn đàn này là lời nhắc nhở kịp thời về sức mạnh của tôn giáo trong việc hóa giải xung đột, nuôi dưỡng sự hàn gắn, hòa giải và phục hồi nội tâm”.
Các đại biểu tham dự bao gồm đại diện Liên hội đồng Giám mục châu Á (FABC), chư Tăng Phật giáo đến từ nhiều quốc gia châu Á, cùng các vị khách mời quốc tế. Trong chương trình, các phiên thảo luận được tổ chức xoay quanh văn bản kinh điển, thực hành tâm linh và trải nghiệm sống góp phần xây dựng một nền văn hóa bất bạo động.
Sự kiện lần này tiếp nối chuỗi Đối thoại liên tôn do Vatican khởi xướng từ đầu thập niên 1990. Trước đó, hội nghị lần thứ 7 được tổ chức tại Bangkok (13-16/11/2023) với chủ đề “Hàn gắn nhân loại và hành tinh bị tổn thương”, đã kết thúc bằng cam kết tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở cấp cơ sở.
Việc chọn Campuchia làm nơi tổ chức hội nghị năm nay mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Quốc gia này từng trải qua thảm kịch dưới chế độ Khmer Đỏ (1975-1979) khiến gần hai triệu người thiệt mạng, trong đó phần lớn là Tăng sĩ. Hội nghị lần này cũng tưởng niệm Đức Trưởng lão Maha Ghosananda, vị Tăng sĩ nổi tiếng của Campuchia, người đã khởi xướng các hành trình “Dhammayatra” - đi bộ vì hòa bình trong thập niên 1990. Ngài là biểu tượng tinh thần của bất bạo động và tái thiết Phật giáo Campuchia sau chiến tranh.
“Được tổ chức tại mảnh đất thấm đẫm dấu ấn tinh thần của Đức Maha Ghosananda, hội nghị sẽ tập trung tìm hiểu cách thức mà Kinh điển, giáo pháp và trải nghiệm sống có thể góp phần chữa lành và gieo hy vọng”, Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican chia sẻ.
Về thành phần tham dự, phía Thiên Chúa giáo có đại diện của Giáo hội Công giáo Campuchia và Liên hội đồng Giám mục châu Á. Phía Phật giáo có sự hiện diện của chư Tăng và học giả đến từ cả ba truyền thống: Theravāda, Mahāyāna và Vajrayāna, thể hiện tính đa dạng phong phú của Phật giáo châu Á.
Dù nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đánh giá cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn, một số nhà quan sát cũng ghi nhận những khó khăn trong việc chuyển hóa thiện chí liên tôn thành hành động cụ thể trong cộng đồng. Tuy vậy, những sự kiện như hội nghị lần này vẫn được xem là minh chứng thiết thực cho cam kết chung về hòa hợp tôn giáo.
Dự kiến, hội nghị sẽ kết thúc bằng một tuyên bố chung, trình bày những nhận định then chốt và định hướng hợp tác giữa hai truyền thống tôn giáo trong tương lai.
Theo thống kê, khoảng 97% dân số Campuchia theo Phật giáo Theravāda, trong khi cộng đồng Kitô giáo chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 75.000 tín hữu, phần lớn là người gốc Việt. Mặc dù khác biệt về quy mô, lãnh đạo hai truyền thống vẫn nhấn mạnh điểm chung trong các giá trị đạo đức và tiềm năng cộng tác tâm linh vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Tác giả: Justin Whitaker/Chuyển ngữ và biên tập: Giác Tâm
Nguồn: buddhistdoor.net
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/campuchia-doi-thoai-lien-ton-phat-giao-thien-chua-giao-lan-thu-8.html