Campuchia thúc đẩy chuyển đổi kinh tế lấy công nghệ làm trung tâm

Campuchia thúc đẩy chuyển đổi kinh tế lấy công nghệ làm trung tâm
3 giờ trướcBài gốc
Điều này được Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet đề cập đến trong phần phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh ngày 21/11 vừa qua, theo Khmer Times.
Mục đích sự chuyển đổi này nhằm thu hút nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như điện tử và sản xuất ô tô tại Campuchia. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ, tay nghề cao, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Campuchia trên thị trường quốc tế.
Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ Campuchia đã tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư, đồng thời chỉ đạo Bộ Lao động và Đào tạo nghề triển khai chương trình đào tạo nghề và kỹ thuật cho khoảng 1,5 triệu thanh niên và người có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Phnom Penh ngày 21/11. Nguồn: Khmer Times.
"Số lao động này có khả năng làm việc tại các nhà máy lắp ráp ô tô hiện đang hoạt động tại Campuchia, đồng thời có thể đón đầu nhu cầu lao động trong lĩnh vực xe điện, khi nhà sản xuất xe và pin điện BYD đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Campuchia," Thủ tướng Hun Manet cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng, việc đưa ra các ưu đãi theo luật đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư vào nguồn nhân lực là những yếu tố chính để thu hút đầu tư mới của Campuchia.
“Với lực lượng lao động trẻ và lành nghề, cùng với chính sách ưu đãi của chính phủ, Campuchia có thể thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm tiên tiến,” ông Lim Heng nói.
Trong những năm qua, các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép và hàng du lịch đóng vai trò quan trọng, đem lại nguồn thu lớn cho Campuchia. Tuy nhiên, các ngành có đòi hỏi lao động có trình độ, tay nghề như điện tử, xe đạp, phụ tùng ô tô, đồ nội thất, da và nhựa lại có sự tăng trưởng khả quan hơn trong thời gian gần đây.
Đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện. Theo thông cáo báo chí từ Bộ Công chính và Giao thông vận tải Campuchia công bố mới đây, tính đến ngày 22/11, nước này đã có 2.327 xe ô tô điện được đăng ký. Quốc gia này khuyến khích người dân sử dụng xe điện với mục tiêu toàn quốc sẽ có 40% ô tô điện và xe bus điện, cùng 70% xe máy điện vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Campuchia đã giảm thuế nhập khẩu đối với xe điện xuống mức thấp hơn khoảng 50% so với thuế đối với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống kể từ năm 2021.
Nhà máy sản xuất của GTV Motor tại tỉnh Kandal, Campuchia. Nguồn: Khmer Times.
Việc gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng xe điện ở Campuchia kéo theo ngành ô tô nói chung tại quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ, đòi hỏi số lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề.
Campuchia đang sở hữu một thương hiệu ô tô quốc gia là GTV Motor. Được thành lập vào năm 2022, GTV Motor được coi là dự án nền tảng cho nền công nghiệp ô tô nói riêng cũng như phát triển kinh tế nói chung của quốc gia này.
Ngoài việc sản xuất xe nội địa, GTV Motor còn là đối tác lắp ráp và xuất khẩu ô tô chỉ định của hãng Volkswagen tại khu vực Đông Nam Á.
Hồi đầu năm nay, GTV Motor đã công bố thông tin về dự án nhà máy lắp ráp ô tô tại huyện Kandal Steung, tỉnh Kandal, Campuchia. Nhà máy có tổng diện tích 100.000m2, công suất khoảng 35.000 xe/năm, chủ yếu lắp ráp 5 dòng xe thuộc các phân khúc SUV, bán tải và MPV. Nhà máy bắt đầu vận hành từ hồi tháng 1/2024.
Công ty này cũng mở Viện Nghiên cứu điện tử ô tô GTV (GTV AERI) tại Campuchia, hợp tác với Viện Bách khoa quốc gia Campuchia nhằm cung cấp các chương trình đào tạo để có đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ ngành ô tô nội địa.
Thạch Thu, Thu Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/campuchia-thuc-day-chuyen-doi-kinh-te-lay-cong-nghe-lam-trung-tam-35932.html